Chuyện tình bến Kiến Vàng
Hẹn với chú Tư Thắng mấy lần về Cần Thơ, nhưng tới giờ tôi mới gặp được cô chú trong ngôi nhà nhỏ ở khu sân bay Trà Nóc.
Đã đứng trước ngưỡng tuổi 80, nhưng đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Ðắc Thắng vẫn nhớ như in về mối tình gần 50 năm về trước. Ông tham gia bộ đội từ rất sớm, năm 1947, đã là liên lạc của BCH bộ đội địa phương quận Long Mỹ (Hậu Giang). Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc công tác tại sư đoàn 330. Để tạo nguồn nhân lực cho cuộc trường kỳ kháng chiến, ông được đào tạo sĩ quan hải quân, đến năm 1963 thì về Đoàn 759 chuẩn bị cho chiến dịch tuyệt mật: Mở đường Hồ Chí Minh trên biển Đông với đoàn tàu không số huyền thoại.
Tháng 7.1963, Nguyễn Đắc Thắng là thuyền phó tàu mang bí số 43 chở 50 tấn vũ khí từ bến K15 - Hải Phòng vượt biển Đông vào chiến trường miền Nam và cập bến Kiến Vàng (Vàm Lũng, Cà Mau). Ông Tư Thắng nhớ lại: “Vàm Lũng - Kiến Vàng như một định mệnh gắn chặt đời tôi. Chuyến thứ hai tôi chuyển sang tàu 56 đưa vũ khí vào Kiến Vàng, chỉ có chuyến thứ ba thì vào Khâu Băng, rồi chuyến thứ tư thì lại vào Kiến Vàng. Khi ấy, anh em thủy thủ được bến đón tiếp rất nhiệt tình, lại còn được xem văn nghệ do các cô văn công Đoàn văn nghệ Chim Việt xuống bến phục vụ. Và trong đêm văn nghệ giữa rừng đước mũi Cà Mau, tôi đã chú ý đến cô ấy - một cô văn công múa hay hát giỏi lại là một y tá hết sức ân cần với anh em thủy thủ. Bài hát Rừng đước đã theo tôi vượt biển trở về miền Bắc với nỗi nhớ không nguôi...”.
Còn cô Huỳnh Biên Thùy (Sáu Thùy) hồi tưởng: “Tôi không nhớ lắm cái ngày đầu gặp nhau, bởi tôi nhập ngũ tháng 2.1964 ở Đoàn 962, sau đó biệt phái qua làm y tá của bến, nhưng đến khi anh ấy vào chuyến thứ năm (tháng 9.1964), chúng tôi mới chính thức tìm hiểu nhau. Lúc ấy rất khó khăn, muốn tìm hiểu nhau cũng phải thuyết phục tổ chức và anh ấy phải khai lý lịch rất nhiêu khê, rồi đại diện bến, đại diện tàu thảo luận đồng ý mới cho phép tìm hiểu, trong khi đó con tàu bí mật chỉ được phép ở bến một tuần...”.
Ông Tư Thắng kể: “Tôi thương cô ấy vì có hoàn cảnh giống tôi, nhà nghèo, gia đình đều theo cách mạng có nhiều người hy sinh. Lúc đầu, tổ chức không đồng ý, vì tôi là sĩ quan, lại hoạt động bí mật, lý lịch cô ấy cũng phải được khai rất chi tiết để mang ra Bắc thẩm định, và chỉ huy bến cũng không muốn cấp dưới của mình tìm hiểu và lấy người ngoài đơn vị. Nhưng chúng tôi đều cương quyết thuyết phục. Sau khi tổ chức đồng ý cho gặp mặt riêng để tìm hiểu, chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn, lại càng thấy hợp nhau hơn. Khi tôi hỏi em có chờ anh được không, cô ấy gật đầu, chúng tôi đã xem giây phút ấy hai đứa không thể thiếu nhau trên cõi đời này. Đến ngày tàu xuất bến, tôi xuống tàu mà lòng rối bời, không biết có còn cơ hội trở lại bến Vàm Lũng - Kiến Vàng này để thành hôn với người con gái mà mình yêu thương hay không? Vậy mà, cơn bão số 9 ập đến, đó là cơ may có một không hai...”.
|
Thuyền và biển
Theo dự kiến, 7 giờ tàu 43 xuất bến trở ra miền Bắc, thì 6 giờ 30 đài báo bão số 9 vào biển Đông, do đó chuyến đi bị hủy, tàu 56 phải ở lại Vàm Lũng - Kiến Vàng hơn một tuần nữa. Từ sự đề nghị của một thủy thủ, Tư Thắng - Sáu Thùy đã âm thầm làm lễ đính hôn với nhau dưới tán rừng đước và hẹn ước chuyến tàu sau sẽ tổ chức đám cưới. Hai người đã trao cho nhau kỷ vật làm tin cho mối tình xuyên biển Đông. Sáu Thùy tặng chồng chưa cưới chiếc khăn tay và tấm hình cùng chiếc nhẫn hai chỉ vàng, còn Tư Thắng tặng vị hôn thê một tấm hình với lời hứa sẽ giữ mãi tấm hình nơi ngực trái, nơi hai trái tim yêu đang hòa nhịp đập. Sáu Thùy ở lại bến Kiến Vàng ngày mong đêm ngóng “con tàu không số” mang theo người yêu trở lại đất mũi. Tư Thắng thì tràn ngập hạnh phúc khi con tàu vượt biển Đông an toàn ra miền Bắc với hy vọng sẽ trở vào miền Nam tổ chức đám cưới với người mình thương. Vậy mà ở hai đầu nỗi nhớ, Sáu Thùy và Tư Thắng đâu thể ngờ đó là cuộc chờ đợi hy vọng rồi tuyệt vọng trong bom đạn mịt mùng kéo dài hơn 3.000 ngày...
Cô Sáu Thùy bồi hồi: “Hồi đó mỗi lần mưa là tôi lại nhớ đến anh ấy, người lính hải quân can trường trên con tàu không số không biết đang chống chọi với phong ba bão tố trên biển Đông thế nào, khi nào mới vào tới bến Vàm Lũng - Kiến Vàng và tôi đã chờ đợi anh ấy hơn tám mùa mưa bão như thế...”.
Sau khi con tàu không số mang bí số 56 trở ra Bắc, bến Kiến Vàng đã tổ chức kiểm điểm Sáu Thùy và thông tin này đã được chuyển ra miền Bắc. Do đó, nhiều chuyến trở vào bến Kiến Vàng của người chiến sĩ hải quân Nguyễn Đắc Thắng đã bị hủy vào giờ chót. Đang được lệnh xuống tàu 56 để vào Cà Mau thì lại chuyển qua tàu 67 vào Bến Tre. Những chuyến sau đang dự định vào Cà Mau thì lại được điều động trở lại tàu 56 đưa vũ khí vào mở bến mới ở Lộc An, Bà Rịa... Mười chuyến vượt biển đầy cam go như thế từ năm 1964 đến 1968 nhưng chưa một lần con thuyền của Tư Thắng được cập bến Cà Mau mà chỉ vào Bình Định, Quảng Ngãi, Bà Rịa, Bến Tre.
Ông Tư Thắng nhớ lại: “Trong bốn năm xa cách ấy, chúng tôi gửi cho nhau 10 lá thư tình cùng nhiều kỷ vật. Vì không biết lịch trình của tàu bạn, nên tôi lúc nào cũng chuẩn bị thư để nhờ gửi, nếu tàu vào Cà Mau. Nhiều lần tôi lén gửi anh Nguyễn Chánh Tâm, thuyền trưởng tàu 165 nón bài thơ, sách báo, đồng hồ Liên Xô vào cho vợ chưa cưới, vì biết tàu 165 hay vào bến Cà Mau. Có lần tôi nhận được quà miền Nam của cô ấy gửi ra mà rơi nước mắt, đó chỉ là gói muối nhưng tôi hiểu lời cô ấy muốn nhắn gửi “Gừng cay muối mặn xin đừng xa nhau”. Sau này, đồng chí Tâm hy sinh với tàu 165 tại biển Cà Mau, chúng tôi bặt tin nhau...”. (còn tiếp)
Binh Nguyên
Bình luận (0)