Chuyển tội danh trong vụ án Lê Công Định và đồng phạm, từ một góc nhìn!

23/01/2010 22:07 GMT+7

Quyết định khởi tố vụ án số 41/ANĐT ngày 24.5.2009 và các quyết định khởi tố bị can ngay sau đó xác định hành vi của Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long có dấu hiệu của “tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tuy nhiên, sau gần 5 tháng điều tra, ngày 13.10.2009 Cơ quan ANĐT - Bộ Công an (CQĐT) ra các quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nói trên và chuyển sang tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79. Cáo trạng số 09/VKSTC-V2 ngày 23.11.2009 của Viện KSND tối cao truy tố các bị can theo tội danh này.      

Rõ ràng, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi gây ra cho xã hội cũng như khung hình phạt theo quy định tại Điều 88 thấp hơn nhiều so với tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 79 BLHS. Việc thay đổi tội danh theo hướng tăng nặng như trên đặt ra nhiều tranh luận cả trong giới luật gia, lẫn những người chưa am hiểu về pháp luật.

Qua bài viết này, chúng tôi nêu lên một số quan điểm về khía cạnh pháp luật liên quan đến việc xác định tội danh như trên để cùng trao đổi.

Dấu hiệu phạm tội của hành vi

“Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” có khách thể là sự thống nhất về tư tưởng chính trị. Xâm hại khách thể này là đe dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ XHCN. Mặt khách quan của tội phạm này là tuyên truyền chống chế độ XHCN, được thể hiện qua các hành vi: truyền bá những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây sự nghi ngờ, chia rẽ, gieo tâm lý hoang mang hoặc bất mãn với chế độ… Một biểu hiện khác của mặt khách quan là: in ấn, phát hành, tàng trữ, phát tán… những văn hóa phẩm có nội dung chống đối chính quyền, xuyên tạc chế độ.

Trần Huỳnh Duy Thức và các bị can khác đã thực hiện như trong cáo trạng nêu: “lập website “chanlachong” để tuyên truyền hoạt động của “Nhóm nghiên cứu Chấn”…”, “làm ra tài liệu có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền…”. Lê Công Định “làm ra 33 tài liệu, tàng trữ 24 tài liệu và 32 cuốn sách có nội dung xuyên tạc, tuyên truyền, kích động chống phá Nhà nước CHXHCN VN”...

Đối chiếu với những mặt khách quan nói trên, rõ ràng những hành vi này có dấu hiệu của “tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN”. Vì vậy, việc CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo Điều 88 - BLHS là điều hoàn toàn dễ hiểu khi mà những chứng cứ này vừa được phát hiện ở giai đoạn đầu của quá trình điều tra.

Tuy nhiên, hành vi nguy hiểm cho xã hội và mục đích của các bị can muốn đạt được vượt ngoài giới hạn trên. Khách thể xâm hại trong trường hợp này không còn là “sự vững mạnh” mà chính là “sự tồn tại” của chính quyền nhân dân. Mục đích của các bị can không còn dừng lại ở mức làm “suy yếu” chính quyền mà là “lật đổ” chính quyền, lập nên nhà nước mới, với thể chế chính trị mới, hiến pháp mới  - “Tân Hiến pháp”. Hành vi của các bị can không chỉ ở mức tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, lôi kéo… mà là “thành lập, tham gia” các tổ chức phản động: “Nhóm nghiên cứu Chấn”, “Tập hợp thanh niên dân chủ”, “Đảng Dân chủ VN”, “Đảng Xã hội VN”… với cương lĩnh, điều lệ, kế hoạch, tổ chức huấn luyện… rất chi tiết.

Việc xác định tội danh (định tội) được căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm, bao gồm: chủ thể,  khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan của hành vi mà không phụ thuộc vào “lời nhận tội” của các bị can, như một số ý kiến nêu ra trên các diễn đàn. Khách thể xâm hại trong trường hợp này là “sự tồn tại” của chính quyền nhân dân. Các bị can là người có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật hình sự (khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi và trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự). Lỗi là cố ý trực tiếp, tức bị can nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện và mong muốn cho hậu quả xảy ra (chính quyền nhân dân sụp đổ). Hành vi của các bị can vừa “thành lập” vừa “tham gia” tổ chức nhằm lật đổ chính quyền. Tất cả các yếu tố đó hội đủ các yếu tố cấu thành “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Vì vậy, CQĐT đã thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Viện KSND tối cao truy tố các bị can trên theo Điều 79 - BLHS.

Lời nhận tội của bị can không được xem là chứng cứ duy nhất để kết tội

Không ít ý kiến cho rằng, CQĐT chuyển tội danh của các bị can Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long từ “tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” theo Điều 88 sang “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 - BLHS xuất phát từ việc nhận tội của các bị can. Tuy nhiên, lời nhận tội của bị can, bị cáo không được dùng làm “chứng cứ duy nhất để kết tội” theo  Điều 72 - Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong quan hệ pháp luật hình sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Những vấn đề cần chứng minh được thể hiện qua “chứng cứ”, tức “những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục” luật định và có giá trị chứng minh. Lời khai của bị can chỉ được xem là chứng cứ khi nó phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Với hành vi của Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long, chứng cứ thể hiện bản chất khách quan của vụ việc là “vật chứng, là “kết luận giám định” các tài liệu do các bị can làm ra, lưu trữ, phát tán. Theo kết luận điều tra và nội dung cáo trạng, riêng Trần Huỳnh Duy Thức đã làm và lưu trữ 60 tài liệu trên 3 blog và 194 trang tài liệu khác được kết luận là “có nội dung xuyên tạc, chống đối lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ… tạo sự ủng hộ dư luận xã hội vào thời điểm “Lúc phất cờ””... Nguyễn Tiến Trung “đã làm ra 64 tài liệu, trong đó có 50 tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” và có cả “Cương lĩnh, Điều lệ” của “Đảng Dân chủ VN”…   Lê Công Định “làm ra 33 tài liệu, tàng trữ 24 tài liệu và 32 cuốn sách có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống Nhà nước…”. Đó là chứng cứ để xác định tội danh.

Lời khai, lời nhận tội của các bị can phù hợp với những chứng cứ trên, được thu thập một cách hợp pháp và có giá trị chứng minh nên cần phải xem là chứng cứ của vụ án. Tuy nhiên, đây không phải là chứng cứ có ý nghĩa quyết định trong việc định tội, bởi chỉ riêng những tài liệu, kết luận nêu trên cũng thể hiện đầy đủ các dấu hiệu của “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Lời nhận tội của các bị can có ý nghĩa củng cố thêm giá trị chứng minh của các chứng cứ còn lại, thể hiện quan điểm của CQĐT, Viện Kiểm sát trong việc xác định tội danh là đúng đắn và quan trọng là nó thể hiện sự “tâm phục, khẩu phục” từ các bị can. 

Một trong những tình tiết quan trọng để định khung, giảm nhẹ hình phạt là “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 46 - BLHS.  Nguyên là một luật sư có kinh nghiệm, Lê Công Định đã vận dụng rất tốt quy định này để tự bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho mình qua việc “nhận tội” trong giai đoạn điều tra. Như vậy, nhận tội chỉ làm “tốt hơn” tình trạng pháp lý cho các bị can mà không hề làm nặng hơn trách nhiệm hình sự (chuyển tội danh khác có khung hình phạt nặng hơn) như một số quan điểm đã nêu.

LS Việt Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.