(TNO) Không giống như những trẻ em bạch tạng ở Đông Phi bị kỳ thị và đe dọa tính mạng, trẻ em bạch tạng ở Panama được yêu thương và tôn trọng. Người dân gọi các em là 'đứa trẻ của Mặt trăng'.
Người dân gọi các trẻ em bạch tạng là những “đứa trẻ của Mặt trăng” - Ảnh: Reuters
|
Theo số liệu, trong 80.000 người Guna và Kuna sống ở Panama, có hàng trăm người mắc bệnh bạch tạng. Gần một nửa trong số họ sống tập trung ở tỉnh Guna Yala, phía bắc Panama.
Tổ chức Giúp đỡ người bạch tạng ở Panama, Pascale Jeambrun, cho biết cứ 150 trẻ em Guna thì có 1 em mắc bệnh bạch tạng. Trong khi xác suất mắc bệnh này trên toàn cầu là 1/17.000.
Ở một vài đất nước châu Phi như Tanzania, người bạch tạng bị xem như một điềm xấu. Họ bị tấn công, giết chết hoặc bị lấy tứ chi đem đi phù phép. Nhưng may mắn thay, trẻ em bạch tạng ở Panama được tôn kính, yêu thương. Người dân gọi các em là “những đứa trẻ của Mặt trăng” hay “cháu của Mặt trời”
“Tổ tiên chúng tôi nói, những đứa trẻ đó là phúc lành. Nếu bạn chăm sóc chúng, bạn có thể lên thiên đường”, cô Yira Boyd, người Guna, mẹ của một em nhỏ bạch tạng 6 tuổi, cho biết.
Tuy không bị kỳ thị và đe dọa, song những đứa trẻ bạch tạng sống ở vùng nhiệt đới Panama, với độ ẩm khá cao, sẽ bị các bệnh về mắt và ung thư da. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng một nửa người bạch tạng ở đây bị ung thư da và số ca mắc bệnh đang tăng dần qua các năm.
Ngoài ra, các trẻ em bạch tạng Guna còn bị chứng rung giật nhãn cầu, tình trạng chuyển động lắc nhanh không chủ ý của nhãn cầu làm mắt không nhìn cố định vào điểm trước mắt. Các em được đưa đón đến trường cẩn thận, luôn tránh ánh nắng mặt trời và chỉ có thể nhìn các bạn chơi đùa.
Sau đây là một số hình ảnh về trẻ em bạch tạng ở Panama:
Trẻ bạch tạng nơi đây có nguy cơ mắc ung thư da cao - Ảnh: Reuters
|
Các em được đưa đón cẩn thận đến trường - Ảnh: Reuters
|
Cứ 150 trẻ em Guna thì có 1 em mắc bệnh bạch tạng - Ảnh: Reuters
|
Bình luận (0)