Chuyện trên quê hương vị tướng huyền thoại

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
02/09/2020 09:04 GMT+7

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với bà con quê ông: “Tôi làm tướng nhưng không phải là người làm quan để cả họ nhờ”. Về già, Đại tướng nói: “Khi tôi mất mà làm gì giúp được cho quê hương cũng vẫn giúp”.

Mãi cho đến những năm tháng cuối đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới cho chút thời gian thư thả để về quê. Cho đến những tháng năm đó thì con đường ven sông Kiến Giang từ trung tâm huyện lỵ về An Xá (xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) vẫn rất gập ghềnh, không được như bây giờ.
Đại tướng là quân hàm trong lực lượng vũ trang. Trên thế giới và cả ở nước ta, đại tướng không nhiều nhưng cũng không ít. Theo quy ước chính tả, quân hàm chỉ viết thường, nhưng từ lâu, có một quy ước bất thành văn, khi từ Đại tướng viết hoa là đang nói về ông, Võ Nguyên Giáp.
Là một vị tướng huyền thoại, nhưng mỗi lần về quê, mọi người vẫn rưng rưng khi nhìn thấy một ông già tóc bạc trắng, ngồi dưới bến thuyền, đưa tay khỏa nước. Bến sông, nơi lưu giữ ký ức của ông và của biết bao người con Lệ Thủy (Quảng Bình) quê ông.
Chuyện trên quê hương vị tướng huyền thoại

Vũng Chùa - Đảo Yến nhìn từ khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ảnh: Lê Thanh

Viếng Đại tướng ở Vũng Chùa - Đảo Yến

Còn nhớ hôm đó, ngày 4.10.2013, anh Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ TT-TT, một người được gia đình Đại tướng yêu quý, có lẽ trong đó có yếu tố cùng quê hương, điện thoại báo tin, tôi ngẩn người ra một lúc, không tin, dù biết việc gì đến thì sẽ đến, Đại tướng đã 103 tuổi.
Nhận được tin tôi báo, nhiều người cũng bần thần, không tin. Một lão thành cách mạng, sau đó điện lại nói rằng, ngày 30.8.2013 âm lịch là ngày Quý Mão, tháng Tân Dậu, năm Quý Tỵ là ngày Thiên Thương, rất tốt. Mấy cụ già thường hay nghĩ về điều đó.
Trong khi dòng người như các nhánh sông đổ về biển lớn, đón linh cữu của ông, thì đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về nơi ông yên nghỉ.
Tôi là người Lệ Thủy, làng tôi cách làng ông một con sông nhỏ, chỉ lặn một hơi là sang, cũng có tâm nguyện được đón Đại tướng về quê.
Trên mạng xã hội lúc đó, nhiều người lập diễn đàn tranh luận khi biết được qua Thanh Niên đưa tin đầu tiên về nơi an nghỉ cuối cùng của ông, Vũng Chùa - Đảo Yến.
Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc H.Quảng Trạch, phía bắc Quảng Bình, giáp với Hà Tĩnh mà mọi người thì muốn đưa ông về Lệ Thủy, huyện ở phía nam, giáp Quảng Trị.
Vũng Chùa - Đảo Yến là vùng đất lưng tựa núi, mặt nhìn ra biển. Có ba hòn đảo nổi làm bình phong. Sách xưa chép lại, các nhà phong thủy trứ danh khi đến đây đã bày tỏ sự kinh ngạc.
Gọi là Vũng Chùa vì đây từng có một ngôi chùa cổ cực linh nhưng qua thời gian đã thành phế tích.
Vũng Chùa vẫn còn hoang sơ nhưng rất kỳ vĩ.
Lúc đó, không có điều kiện viết trên báo nhưng trên trang cá nhân, tôi đã viết, đại ý rằng, bà con Lệ Thủy ta nên nghĩ xa hơn. Đại tướng về quê, quê Đại tướng là ở Quảng Bình và Đại tướng là của nhân dân cả nước. Khu Vũng Chùa - Đảo Yến liền kề với Hòn La (Quảng Bình), Vũng Áng (Hà Tĩnh) là vùng đang được đầu tư phát triển mạnh về kinh tế.
Người rành phong thủy thì nói, ở Lệ Thủy có đôộng An Mã (đôộng là ngọn núi nhỏ) là vùng đất phong thủy tốt, nhưng đã có một huyệt đạo tốt nhất người nhà Ngô Đình Diệm chọn để táng thân phụ ông trước khi chuyển vào Huế.
Khu thác Ro gần đó, có một huyệt đạo tốt nhất đã chọn để táng Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Khu vực Phong Nha thắng cảnh đẹp nhưng không được về phong thủy.
Núi Thần Đinh ở H.Quảng Ninh, dân gian gọi là Bất Nghĩa Sơn (bởi nó một mình ngoảnh mặt với dãy Trường Sơn) nên không tốt.
Lại nhớ nhiều lần về quê, mỗi khi tiễn Đại tướng ra Đèo Ngang, Đại tướng đều đứng rất lâu, vọng ra biển.
Nhiều năm trước, anh Võ Điện Biên, con trai ông, đã chọn nơi đây để đầu tư làm khu du lịch. Đại tướng nhiều lần về quê đã ra đây nằm trên võng mắc trong rừng phi lao.
Xâu chuỗi sự kiện, lại thấy, việc này đã có sự chuẩn bị từ lâu của gia đình, có lẽ, cũng là nguyện vọng của Đại tướng.
Người viết bài này không hiểu sâu về phong thủy, nhưng luận một cách bình thường cũng thấy có lý.
Nếu bây giờ, tỉnh Quảng Bình và cả nước chung tay biến Vũng Chùa - Đảo Yến - Hòn La thành một khu kinh tế - du lịch sầm uất, há chẳng phải đã giúp Đại tướng thực hiện ước nguyện đó sao?

Trăn trở

Năm nào tôi cũng dẫn bạn bè xa gần về quê rồi ra Vũng Chùa - Đảo Yến dâng hương cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lần gặp trời mưa gió, lư hương trước ngôi mộ giản dị vẫn để giữa trời không có mái che, thắp hương không cháy hết, thấy cũng chạnh lòng.
Làng An Xá, xã Lộc Thủy có ngôi nhà nơi Đại tướng sinh ra. Bây giờ, lượng người đến thăm viếng đông vô kể, nhưng đến rồi đi, không có chỗ lưu lại. Vì thế cũng ít người hiểu biết nhiều về vùng đất này.
Trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, Quảng Bình tung clip đón chào Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un với những hình ảnh đẹp rụng tim. Hình ảnh sau đó được một số hãng thông tấn trên thế giới chia sẻ và trích dẫn. Phải nói, không có ai nhanh như Quảng Bình.
Trước đó, Sở Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với Indochina Production tổ chức chương trình quảng bá du lịch Quảng Bình qua điện ảnh tại Hollywood (Mỹ).
Điều cũng chưa tỉnh thành nào làm được.
Khách sạn, homestay, nhà nghỉ… quanh khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng phát triển rầm rộ.
Quảng Bình rất nhanh nhạy.
Nhưng nghĩ...
Mỗi năm, có hàng chục vạn lượt khách đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Hòn Yến (Hòn La - H.Quảng Trạch) và nhà lưu niệm của Đại tướng ở H.Lệ Thủy (Quảng Bình).
Tính lượt khách đến nhiều lắm, nhưng lượt khách lưu trú thì khá thất vọng. Hầu hết những người đến viếng hoặc là đến nhà Đại tướng, ra mộ và đi ra phía bắc hoặc đến mộ, vào nhà lưu niệm rồi vô phía nam.
Hòn La và Lệ Thủy không có khách sạn nào cho ra... khách sạn, và nói chung, là những gì có thể níu chân du khách.
Quảng Bình rất chậm trong chuyện này. Chuyện đáng để cho lãnh đạo Quảng Bình suy nghĩ.
Hòn La là nơi có thể làm cảng nước sâu, hiện đã đầu tư hạ tầng, đường sá rất đẹp, đất đã có chủ nhưng nhận xong để đó. Còn Lệ Thủy thì mọi thứ vẫn cứ... từ từ.
So sánh thì khập khễnh nhưng không thể không so để biết, quanh Hội An có làng rau, làng lụa, làng nghề, làng bích họa… đều thành những vệ tinh du lịch. Vậy sao An Xá (quê Đại tướng) không làm được?
Có thể biến làng An Xá thành làng du lịch về nông nghiệp với sự tham gia của người dân, trong đó trung tâm là một bảo tàng công cụ sản xuất lúa nước được không?
An Xá nằm bên bờ Kiến Giang, một dòng sông cực đẹp, nếu tiếng lòng còng vang lên thì thú vị vô cùng (lòng còng là một kiểu đánh cá bằng thuyền mà không cần dùng lưới, chỉ có chiếc thuyền và tấm ván sơn màu trắng cùng tiếng gõ… lòng còng lòng còng là cá tự nhảy vô thuyền).
Du khách có thể đến, ở lại và trải nghiệm làm nông hoặc đánh cá.
Có lần, người viết bài này đã nêu ý tưởng này với vài lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, nhưng hầu như ai cũng thấy khó khi nêu lý do Lệ Thủy thường bị ngập lụt. Ngập lụt thì sao? Thì du khách trải nghiệm mùa lũ khi chống bối (bè đóng bằng cây chuối), đi thuyền, thả lưới… được không?
Trên đường về nhà lưu niệm của Đại tướng, du khách đi qua quê ông Ngô Đình Diệm. Nền đất nhà ông vẫn bỏ hoang, bên cạnh có một ngôi nhà của bà con ông. Ông Diệm, dù hiểu kiểu nào thì cũng là một nhân vật lịch sử và cả nhà ông, anh em ông, đều là nhân vật lịch sử.
Làm du lịch trước hết là để khách đến, nhưng mình có khách đến rồi thì không giữ họ được, lại tiếp tục kêu gọi khách đến... Có gì đó sai sai.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với bà con quê ông: “Tôi làm tướng nhưng không phải là người làm quan để cả họ nhờ”. Về già, Đại tướng nói: “Khi tôi mất mà làm gì giúp được cho quê hương cũng vẫn giúp”.
Hai câu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi ghi lại lời của Đại tướng từ phim tài liệu của nhà văn - nhà báo Nguyễn Thế Tường. “Khi tôi mất mà làm gì giúp được cho quê hương cũng vẫn giúp”. Càng nghĩ, càng thấy tầm nhìn của Đại tướng. Không làm thì thật có lỗi với ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.