Chuyến trở về “định mệnh” của Họa Mi

20/12/2009 23:24 GMT+7

21 năm xa quê hương là chừng ấy thời gian khắc khoải. Từ Paris (Pháp), ca sĩ Họa Mi đã chia sẻ với Thanh Niên nhiều nỗi niềm của một nghệ sĩ viễn xứ. Mời nghe đọc bài


Ca sĩ Họa Mi - Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Đây là lần đầu tiên chị về biểu diễn trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam (DDVN). Sau bao năm xa quê, xa khán giả, cảm xúc của chị như thế nào?

- Điều hạnh phúc của một ca sĩ như Họa Mi là được tham gia chương trình ca nhạc lớn, lại mang tính từ thiện như DDVN. Niềm vui nữa là được hội ngộ bạn bè trong giới văn nghệ sĩ thế hệ trước cũng như những nghệ sĩ trẻ trong nước và gặp lại khán giả trong nước. Cảm giác bồi hồi, xúc động y như ngày xưa khi mình còn trẻ, mới bước chân ra sân khấu lần đầu. Hơn 20 năm xa quê, xa sân khấu, lần trở về này quá nhiều ý nghĩa với tôi. Đó đúng là chuyến trở về của định mệnh.

* Chị có thể kể sơ qua về cuộc sống hiện tại cũng như con đường âm nhạc của chị từ khi xa quê hương đến nay?

- Tôi cùng ông xã điều hành một xưởng bánh và bán kem. Ngoài ra, tôi còn có một cơ sở làm bánh mì, bán trong thị trường Pháp. Thỉnh thoảng tôi bay sang Mỹ ghi âm DVD khi nhận được lời mời. Không giống như thế hệ đàn anh, thời ca sĩ của những năm 60, 70 thế kỷ trước, phong cách làm việc, sáng tác, biểu diễn và kỹ năng hát của thế hệ sau này hoàn toàn khác. Xã hội càng văn minh thì âm nhạc cũng theo đó mà thay đổi.

“Tiếng hát của một người nghệ sĩ được thấu hiểu, được cảm thông cùng lời tạ lỗi chân thành là những gì Họa Mi sẽ dành cho khán giả đã hết lòng yêu thương mình suốt mấy mươi năm qua”.

Ca sĩ Họa Mi

Ký ức về Sài Gòn

* 21 năm xa quê, xa khán giả, chị có nhớ những năm tháng xa xưa, ngày chị vẫn còn là ngôi sao ca nhạc tại Sài Gòn? Trong ký ức, Sài Gòn với chị như thế nào?

- Sài Gòn luôn là khung trời đầy ắp kỷ niệm trong tim tôi. Sài Gòn cũng là nơi đã tạo nên tên tuổi của Họa Mi. Những năm đầu sau 1975, Họa Mi hát trong đoàn Kim Cương. Mỗi đêm, tôi phóng xe máy lòng vòng các rạp hát trong thành phố diễn show. Sau đó tụ điểm ca nhạc ở các nhà văn hóa được mở ra, tôi "lên đời" khi hát ở đó. Cuộc sống bận rộn hơn nhưng bù lại kinh tế gia đình có phần "dễ thở".

* Chị có thể tâm sự thêm về cuộc ra đi nhiều sóng gió của chị năm 1988 tới Pháp?

- Sẽ không có sự chọn lựa trong đời tôi. Những gì đã xảy ra ở từng thời điểm đều có những lý do riêng. Mỗi người ai cũng có hoàn cảnh riêng và đó mới là cuộc đời, là số phận. Họa Mi cũng như những phụ nữ Việt Nam bình thường khác, lấy sự hy sinh cho gia đình, cho chồng con là niềm hạnh phúc, là bổn phận. Tôi tin, rồi tất cả sẽ qua đi, nỗi buồn cũng sẽ vơi đi.

Trở về để sốngvới đam mê

* Vì sao chị không phát hành album nào ở hải ngoại, đến khi 54 tuổi mới ra mắt album đầu, chị có cho rằng mình đã lỡ hẹn với âm nhạc?

- Thời gian đầu ở Pháp, Họa Mi trình diễn khắp châu u rồi sang Mỹ, Úc, Nhật Bản... Nhưng đây là lần đầu tiên Họa Mi tự thực hiện CD cho mình. Lý do trước đây con cái còn nhỏ không thể vắng bóng bàn tay chăm sóc của mẹ; bây giờ, con đã trưởng thành, bổn phận làm mẹ tạm yên, tôi mới bắt đầu nghĩ về bản thân, về nghề nghiệp. Tôi chợt giật mình khi 20 năm vùn vụt trôi qua... Tôi quyết định thu xếp thời gian, công việc để được sống cho niềm đam mê của cả đời mình.

* Tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Lê Tấn Quốc - chồng cũ, đã đưa tiếng hát chị bay cao. Đĩa nhạc mới sắp phát hành của chị, anh Lê Tấn Quốc vẫn thổi kèn đệm. Trong âm nhạc có lẽ anh chị chưa bao giờ xa nhau?

- Tôi là người thiếu thốn tình thương của ba mẹ. Sung sướng nhất là những ngày còn bé khi ba tôi chưa qua đời. Ông rất cưng tôi vì là con gái út. Nhưng sau khi ba mất, mẹ bệnh suốt. 7 năm sau tôi mất luôn mẹ. Bước ra đời trong cô quạnh, mồ côi nên khi gặp anh Quốc - một người con hiếu thảo, tôi rất cảm động và làm vợ anh. Giữa tôi và anh có một sự cảm thông xen lẫn quý trọng. Cho nên dù số phận và duyên nợ không còn, tôi và anh vẫn luôn xem nhau như hai người bạn tốt. Nợ tình cảm đã hết nhưng duyên trong âm nhạc vẫn còn thì Họa Mi vẫn có cơ hội gặp lại anh trong âm nhạc.

* Chị viết lời bạt trong CD sắp phát hành Một thời yêu nhau: “Ngày tháng đã qua đi trong chớp mắt, tóc đã điểm bạc... Tôi muốn quên đi những chuỗi ngày của buồn đau, của những vết thương lòng đã chôn chặt từ lâu...”, điều đó có ý nghĩa gì?

- Tôi chấp nhận hy sinh nghề nghiệp để được sống gần các con khi chúng còn quá nhỏ. Bây giờ tôi muốn sống với âm nhạc nhiều hơn để bù lại những ngày dài thiếu vắng...

Đỗ Tuấn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.