1. Năm trước nữa, chồng tôi đi đám tang về, có vẻ tần ngần. Hỏi mãi, mới nghe chồng kể, người qua đời vốn là đồng nghiệp cũ, hiện đang làm quản lý cấp trung của một nhà mạng di động, đã tự kết liễu cuộc sống của mình...
Vợ trẻ, con thơ, cuộc sống sự nghiệp đang rộng mở, tại sao lại phải như thế? Đáp lại câu hỏi của tôi, chồng chỉ trầm ngâm ngắn gọn rằng, “ăn được đồng lương khủng của bên ấy thật không phải dễ dàng gì”.
Là người chung ngành, tôi nhanh chóng biết nguyên nhân cái chết của người đàn ông tạm coi là thành đạt so với bạn bè cùng thời. Áp lực công việc nối tiếp không dứt, ngày chỉ ngủ được một hai tiếng chập chờn lo âu, luôn phải kết nối trực tuyến với những người đang trực dự án, hễ sự cố xảy ra là buông bỏ tất cả để chúi mũi xử lý.
Chồng tôi kể, từ ngày anh này rời công ty cũ, hầu như chẳng ai còn thấy mặt vì quá bận rộn, túi bụi suốt, vợ con cũng họa hoằn mới gặp gỡ giao tiếp. Cà phê thuốc lá trở thành cứu cánh, khiến anh già sọm đi sau khoảng thời gian chẳng phải là dài.
Nghe bảo, vợ anh dường như không còn khóc nổi bên quan tài chồng. Nỗi mất mát đột ngột khiến chị lịm đi vì hoảng loạn đau đớn. Chị nói, không ngờ bi kịch đến mức này, dù đã có lúc cảnh báo rằng, anh cứ đi suốt, gia đình như vầy thì chẳng ổn chút nào.
Từng có lúc chị muốn khuyên anh dừng lại. Đừng cố thêm nữa. Tiền bạc biết bao nhiêu cho đủ, mà đời người thì ngắn ngủi vô cùng.
Giờ thì đã muộn màng mất rồi...
2. Khi đó, văn phòng của tôi chưa dời đi thật xa. Chưa đối mặt với việc đơn vị tái cơ cấu, cắt giảm nghiêm trọng lương bổng của nhân viên, thậm chí không còn được một nửa. Tôi chẳng còn trẻ để mang tâm lý thích là nhảy việc.
Cơ hội tôi không có nhiều, chuyên môn bằng cấp đã thành lạc hậu. Tôi cũng không thể liều lĩnh bởi còn trách nhiệm với hai đứa con nhỏ và phía nhà chồng rất nặng gánh. Tôi đành miễn cưỡng làm tiếp công việc nhàm chán của mình, trong cảm giác “không cam lòng” thường xuyên hiện hữu.
Thời điểm ấy, chồng tôi cũng chưa phát sinh chuyện nhậu nhẹt, đi sớm về khuya như bây giờ. Thi thoảng chúng tôi còn nói năng, chia sẻ với nhau đôi chút. Nên nghe câu chuyện của người đàn ông vì áp lực công việc đến mức phải từ bỏ cuộc sống, tôi có phần khó hiểu. Gì mà đến nỗi! Thương vợ con anh ở lại. Thầm trách anh nông nổi dại dột. Vậy thôi.
Bây giờ, tôi mỗi sáng bươn bả trong dòng xe cộ và khói bụi hơn một tiếng đồng hồ để đến chỗ làm. Chiều về kẹt xe nên tốn nhiều thời gian hơn. Bếp núc lạnh tanh, chẳng ai còn muốn nhen lại chút lửa. Lương không đủ trang trải, tôi đành bấm bụng xài dần vô tiền tiết kiệm.
Đau đáu lo âu toan tính buôn bán kinh doanh suốt, nhưng tôi lại không có vốn lẫn kinh nghiệm. Loay hoay một mình. Càng chẳng dám phiền ai bởi họ cũng bận giải quyết các vấn đề riêng của mình, trút thêm muộn phiền của tôi vào nữa thì thật là...
Có hôm tôi chạy xe về mà nước mắt buồn tủi cứ tự động chảy ra, không sao kiểm soát được. Đời sao lại nếm trải tới khúc quanh khắc nghiệt khốn khó đến mức này nhỉ? Hai chữ “cô đơn” nghe xa xôi và xa xỉ thế, hóa ra lại rất gần và rất thật...
3. Trong những ngày u ám ấy, tình cờ làm sao, K. thường gọi cho tôi. Lời chào thông thường mà chúng tôi hay sử dụng trước mỗi lần trò chuyện là: “Trong ấy (ngoài đó) mưa hay nắng vậy?”. Câu trả lời cũng khá là quen thuộc: “Chán lắm, thời tiết ẩm ương ngán ngẩm hoài, chẳng có gì mới đâu...”.
Tưởng là hỏi han chung chung xã giao kiểu mây nước vớ vẩn nhưng thâm tâm chúng tôi muốn biết về mảng đời của nhau mấy hôm gần đây, từ lần gọi trước đến giờ có gì tươi sáng hơn không. Họa hoằn lắm, mới nghe giọng K. có chút nhẹ nhõm, là “miền Bắc có tí nắng rồi, bạn à”...
K. nhỏ hơn tôi vài tuổi, là biên tập viên của một nhà xuất bản thuộc nhà nước, sống ở thủ đô. Anh có vợ và một con trai nhỏ, gia đình vướng vào cái lòng luẩn quẩn của thời hiện đại: con dâu mâu thuẫn chẳng muốn sống chung bên chồng. Anh đứng giữa, vật vã chấp nhận bị cả hai phía ghẻ lạnh, hăm dọa, trách móc suốt.
Thu nhập ít ỏi, cơ chế cũ kỹ chậm chạp, công việc nhiều đam mê ban đầu dần trở thành gánh nặng bó buộc. K. không phải mẫu người năng động, giỏi bươn chải nhưng anh cũng đành muối mặt nhào ra đường kiếm thêm ít đồng tiền chợ về đưa vợ, hầu cứu vãn cái gia đình không còn mấy ngày vui của mình.
Bạn biết không, có những chiều hết giờ làm mà tớ thật chẳng biết nên đi đâu về đâu. Bố mẹ tuyên bố từ mặt, vợ con thì lạnh lùng im ỉm, đùm túm chúng bạn thì trống rỗng tốn kém, tớ cứ phân vân chẳng biết nên rẽ trái hay phải trên đường.
Ngày mai rồi sẽ thế nào, hay cứ như này mà tiếp diễn? Thật kinh khủng... Lời K. thì thầm bên kia điện thoại, buồn tênh đến không tin nổi. Còn gì đáng sợ hơn khi sau cả ngày dài vạ vật ở chỗ làm, khi mừng rỡ hết giờ thì chực nhớ ra, mình chẳng có nơi chốn nào thật sự để đi về...
4. Thời buổi này nó thế. Tình hình chung là vậy. Ở đâu cũng kinh tế khó khăn nên mọi thứ liên quan đều khiến mình mệt mỏi muốn phát điên. Đấy là những lời tôi và K. hay động viên nhau. Dù thật sự nhiều lúc, chúng tôi cũng không rõ mình đang nói gì, muốn gì, chờ mong hy vọng gì ở tương lai nữa...
Có gì nghiêm trọng đâu nhỉ? So với bao người đang phải chật vật kiếm ăn từng bữa, nợ nần, đau bệnh thì tôi, chồng tôi, anh đồng nghiệp đã khuất của chồng tôi và cả K. nữa, chúng tôi đâu tới nỗi nào phải bi quan tuyệt vọng? Vậy thì hà cớ gì, những ý nghĩ tiêu cực chán nản cứ quanh quẩn, phủ lấp lên cuộc sống đã quá nhiều nỗi phải vất vả lo toan thế này?
Do người ta ngày càng nhiều tham vọng, ấp ủ những dự định này nọ mà ít biết bằng lòng? Xung quanh thiên hạ giàu nhanh và dễ quá, vật chất sang trọng ê hề mà ta cứ lẹt đẹt giậm chân tại chỗ, tháng tháng lãnh lương, vỏn vẹn, ít ỏi, tạm bợ? Hay chính bởi người thân khiến mình phải khổ sở? Mà họ có sung sướng hạnh phúc gì hơn chăng?
“Càng sống càng thấy ít niềm vui. Thấy mình như đang tồn tại, vật vờ, luẩn quẩn, than thở thì giống như tự nâng quan điểm vậy. Thậm chí muốn đạp đổ hay thử thay đổi, cũng chẳng đủ can đảm...” - K. kết luận trong chua chát.
Có lẽ, chút an ủi ấm áp bé nhỏ và vô hình từ cái thành phố đông đúc và bon chen nhất của hai đầu đất nước ấy đã níu tôi và K. lại, trong giới hạn nào đấy, không làm gì dại dột hơn với chính bản thân. Mà cứ kéo dài cảnh ơ hờ này, thật không biết phía trước là điều gì chờ đón nữa...
Bình luận (0)