Chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, pha bước hụt của những ông lớn

01/03/2018 09:46 GMT+7

Rục rịch từ vài năm trước, tới thời điểm cận kề năm 2018 nhiều ông lớn chủ yếu đến từ Nhật Bản đã chuyển sang nhập khẩu thay vì lắp ráp trong nước để hưởng ưu đãi thuế nhưng đó lại là pha lỡ chân không mong muốn.

Nhanh chân nhập khẩu

Năm 2017 là năm đánh dấu bước chuyển mình của xe nhập khẩu, không chỉ tới từ những thương hiệu không có nhà máy lắp ráp trong nước mà cả những ông lớn đã trung thành với chiến lược này từ lâu. Tất cả chỉ bởi 2018 là năm thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN vào Việt Nam còn 0% thay vì 30% với những dòng xe có tỉ lệ nội địa hóa trên 40%. Tất nhiên, điều này không khó đối với những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Thái Lan hay Indonesia.

Trên thực tế, một số ông lớn đã “rắp tâm” bỏ lắp ráp chuyển sang nhập khẩu từ lâu. Điển hình là Toyota vào năm 2015 từng “bóng gió” rằng đang cân nhắc có nên tiếp tục lắp ráp hay chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ năm 2018. Tới năm 2017, Toyota đã chính thức đi bước đầu tiên khi dừng dây chuyền sản xuất Fortuner thế hệ mới thay vào đó là nhập khẩu hoàn toàn từ Indonesia.

Toyota Fortuner không còn hàng để bán vì chuyển sang nhập khẩu

Đây là 1 trong 3 mẫu xe bán chạy nhất của Toyota với khoảng 1.000 xe mỗi tháng nên việc chuyển sang nhập khẩu cũng có ảnh hưởng không nhỏ. Thậm chí, có tin đồn cho rằng hãng xe Nhật Bản còn có ý định tiến tới nhập khẩu cả Innova và Corolla Altis. Người đồng hương Honda khá kiệm lời nhưng lại sốt sắng bằng hành động khi chuyển sang nhập khẩu Civic vào cuối năm 2016 và cuối năm 2017 là CR-V thế hệ mới. Trong đó, CR-V cùng với City là hai mẫu xe bán chạy nhất của Honda ở thời điểm hiện tại.

Ai ngờ bước hụt

Việc chuyển sang nhập khẩu xe là phương án tối ưu của cả Toyota, Honda hay cả Ford giúp tối ưu sản xuất đồng thời tận dụng tốt mác nhập khẩu khi rào cản thuế quan được xóa bỏ. Tuy nhiên, Nghị định 116 ra đời “muộn” vô hình trung khiến các hãng xe nhập khẩu lẫn chuyển sang nhập khẩu gặp không ít khó khăn. Trong khi những thương hiệu xe Đức cho biết, có thể đáp ứng được yêu cầu của Nghị định 116 thì những hãng xe Nhật Bản như Toyota, Honda lại liên tục kêu khó.

Nhiều thông tin cho thấy nếu sớm thì cũng phải tới gần hết quý 2 năm nay những chiếc xe nhập khẩu như Toyota Fortuner, Honda CR-V… mới có thể cập bến thị trường Việt Nam. Với những mẫu xe bán chạy về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu như trên thì thông tin này thực sự không mấy vui vẻ. Các đối thủ chủ động về nguồn ra do được lắp ráp trong nước có thể nhân cơ hội này giành thị phần và quan trọng hơn là cơ hội thay đổi định kiến của người tiêu dùng về việc chọn xe trong phân khúc.

Mitsubishi nhanh chân đi "ngược"

Đấy mới là cái lo về lâu về dài, trước mắt cả Toyota lẫn Honda, thậm chí là Ford với Ranger sẽ bị hao hụt nguồn thu đáng kể bởi doanh số những mẫu xe không thể về nước nửa đầu năm đều có doanh số không nhỏ, thậm chí chiếm gần nửa doanh số của cả thương hiệu. Chính vì vậy, nếu vẫn tiếp tục lắp ráp trong nước hai ông lớn đến từ Nhật Bản có thể vẫn ở thế cạnh tranh công bằng hơn thay vì nhường hết lợi thế cho đối thủ đang kiên trì lắp ráp như Trường Hải (THACO) với Mazda/Kia, Thành Công với Hyundai… Thậm chí mới đây Mitsubishi cũng đi ngược khi chuyển sang lắp ráp mẫu xe bán ế Outander đi kèm giá bán giảm gần 200 triệu đồng so với bản nhập khẩu trước đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.