‘Trăm mối tơ vò’ ô tô nhập gặp khó, chưa hẹn ngày về VN

27/01/2018 11:48 GMT+7

Nút thắt với ô tô nhập khẩu không được nới lỏng khi Thông tư 03/2018 vừa ban hành, hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 vẫn bao gồm những điều khoản vô hình tạo rào cản đối với hoạt động nhập khẩu ô tô vào VN từ năm 2018.

Gần 3 tháng sau khi Nghị định 116/2017 NĐ-CP (Nghị định 116) quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ô tô được ban hành, góp phần tạo nên những biến động trên thị trường ô tô VN trong giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Mới đây, Thông tư 03/2018/TT-BGTVT do Thứ trưởng Bộ Giao Bộ Giao thông Vận tải ký ngày 10.1.2018, với nội dung hướng dẫn thực hiện các quy định của Nghị định 116, vừa chính thức công bố.
Theo đó, khi một số quy định mới trong Nghị định 116, khiến các DN nhập khẩu ô tô than “khó”, vẫn chưa được nới lỏng, Thông tư 03/2018 còn có những nội dung, quy định được đánh giá sẽ khá khắt khe đối với hoạt động nhập khẩu ô tô của các DN.
Ô tô nhập khẩu về cảng, muốn thông quan, DN phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô
Nút thắt không được nới lỏng
Việc phải cung cấp “giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài” cùng với quy định kiểm tra theo từng lô xe, được xem là thách thức lớn nhất đối với các DN nhập khẩu ô tô từ năm 2018. Trước đó, một số DN thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã 4 lần gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ mong muốn “nới lỏng” các thủ tục giấy tờ với ô tô nhập khẩu, đồng thời lùi thời gian thi hành Nghị định 116 khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, thông tư 03/2018 vừa ban hành đã dập tắt những tia hy vọng của các DN nhập khẩu ô tô.
Cụ thể, thông tư 03/2018 vẫn giữ nguyên quy định về việc DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp đầy đủ các thủ tục giấy tờ, trong đó phải có bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Đây được xem là khó khăn lớn nhất khiến các DN chưa thể nhập xe về VN.
Theo đại diện một hãng xe thuộc VAMA cho biết: “Dù hiện nay, một số hãng đã có Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô do Bộ Công thương cấp, DN có thể nhập xe về cảng nhưng nếu không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu thì không thể hoàn thành hồ sơ đăng ký, kiểm tra để làm thủ tục thông quan”.
Bên cạnh đó, trước những thắc mắc của các DN nhập khẩu liên quan đến loại giấy tờ này, Thông tư 03/2018 cũng nêu rõ, “giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô” là giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô.
Vấn đề tiếp theo liên quan việc kiểm tra theo từng lô xe cũng được quy định rõ trong Thông tư 03/2018. Theo đó, với mỗi lô xe được DN nhập về VN. Cơ quan kiểm tra sẽ lấy 1 mẫu xe đại diện cho từng kiểu loại trong lô xe nhập khẩu để đối chiếu các thông số kỹ thuật trên xe với nội dung hồ sơ đăng ký kiểm tra. Sau đó, cơ quan kiểm tra sẽ lấy 1 hoặc 2 mẫu ô tô (với trường hợp DN có yêu cầu dùng 1 xe để thử nghiệm an toàn và 1 xe để thử nghiệm khí thải) đại diện cho từng kiểu loại trong lô xe nhập khẩu đã được kiểm tra để DN tự đưa xe đến các cơ sở thử nghiệm. Điều này, sẽ góp phần giúp mỗi lô xe nhập về VN đều đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi phân phối đến tay người tiêu dùng.
Mỗi lô xe nhập về VN phải mang một chiếc đi kiểm tra, thử nghiệm an toàn, khí thải
Tuy nhiên, theo các DN nhập khẩu, quy định này sẽ gây ra những lãng phí về thời gian, chi phí khi mỗi xe mang đi thử nghiệm phải mất ít nhất 10.000 USD và ít nhất 2 tháng để hoàn tất. Điều này sẽ phần nào làm kéo dài thời gian giao xe đến tay khách hàng đã đặt mua. Bởi chưa kể thời gian đặt hàng nhà sản xuất, DN nhập khẩu phải mất hàng tháng trời để vận chuyển về VN đối các xe nhập từ châu Âu và khoảng 7 - 10 ngày cho các xe nhập từ ASEAN… Cùng với thời gian kiểm tra thử nghiệm theo quy định mới, mỗi lô xe từ khi được DN nhập khẩu đến khi đến tay người tiêu dùng cũng phải mất ít nhất 3 tháng. Điều này sẽ khiến ô tô nhập khẩu gặp khó khăn để thuyết phục khách đặt mua xe.
Ngoài ra, Thông tư 03/2018 cũng quy định, DN nhập khẩu ô tô phải có cung cấp bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính xe… được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Đặc biệt, DN còn phải cung cấp mã số VIN của nhà sản xuất xe, bản sao tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của DN sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra mẫu ô tô được nhập khẩu.
DN nhập khẩu ô tô phải có cung cấp bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu...
Ô tô nhập khẩu vẫn chưa hẹn ngày về
Những vướng mắc xoay quanh Nghị định 116 đang khiến hoạt động nhập khẩu ô tô của các DN bị ngưng trệ. Hầu hết các mẫu xe nhập từ ASEAN vẫn chưa thể về VN dù thuế nhập khẩu 0% đã được áp dụng từ đầu năm 2018.
Một số dòng xe nhập hút khách như Toyota Fortuner, Ford Explorer… rơi vào cảnh khan hàng, các đại lý không còn xe để bán. Đại diện một hãng xe thuộc VAMA cho biết: “Hoạt động nhập khẩu ô tô đang bị ngưng trệ, hãng không có xe cung cấp cho đại lý phân phối dù đang bước vào mùa bán hàng cao điểm cận Tết Nguyên đán. Hiện tại chúng tôi đang cố gắng hoàn thành các thủ tục giấy tờ để đưa lô xe nhập khẩu đầu tiên trong năm 2018 về VN nhưng chưa biết thời điểm cụ thể”.
Một số mẫu ô tô nhập khẩu vốn hút khách đang rơi vào cảnh khan hàng
Trong khi đó, hàng loạt mẫu xe mới từng được các hãng xe ra mắt vào năm ngoái như Toyota Wigo, Honda Jazz, Chevrolet Trailblazer… nằm trong diện xe nhập khẩu từ ASEAN hưởng thuế nhập khẩu 0% đến nay vẫn chưa hẹn ngày về VN.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1.2018 chỉ có 60 xe ô tô được nhập về VN, trong đó chỉ có vỏn vẹn 6 xe du lịch, dưới 9 chỗ ngồi và hầu hết nhập theo đường ngoại giao. Một số DN nhập khẩu ô tô cho biết, nếu đáp ứng các thủ tục giấy tờ trong tháng 1.2018, cũng phải mất vài tháng những lô xe đầu tiên nhập về trong năm 2018 mới có thể thông quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.