Tin liên quan
Ô tô 'nội' đua giảm giá, áp lực đè nặng xe nhập khẩuĐón đầu những thay đổi về chính sách thuế, ô tô lắp ráp trong nước ồ ạt giảm giá bán, gia tăng áp lực cạnh tranh với dòng xe nhập khẩu vốn đang đối mặt với những trở ngại khi cột mốc 2018 cận kề.
1. "Điệp khúc" giảm giá ô tô
Điệp khúc “giảm giá xe” được các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô “tấu” thành bản nhạc sôi động trên thị trường ô tô Việt Nam năm 2017.
Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào VN giảm từ 40% năm 2016 xuống 30% năm 2017 và còn 0% từ năm 2018. Điều này, tạo nên biến động lớn về giá bán ô tô trên thị trường.
|
Từ đầu năm 2017, nhiều hãng xe tung ra chương trình giảm giá, trong khi tâm lý chờ đợi thuế giảm, giá xe tiếp tục giảm của người tiêu dùng đã tạo nên bầu không khí ảm đạm bao trùm thị trường ô tô VN năm 2017. Sức mua giảm, DN kinh doanh ô tô tiếp tục điệp khúc giảm giá bán xe. Đỉnh điểm trong tháng 6, tháng 9.2017, giá bán một số mẫu ô tô đã giảm hàng trăm triệu đồng tạo nên những “cú sốc” cho người mua xe.
Từ các DN lắp ráp ô tô trong nước như Trường Hải (THACO), Hyundai Thành Công, Nissan, Honda và ngay cả “ông lớn” Toyota cho đến các thương hiệu ô tô nhập khẩu… đã tạo nên cuộc đua giảm giá lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam. “Với vai trò là doanh nghiệp ô tô lớn tại VN, THACO tự nhận trách nhiệm tham gia ổn định thị trường và mang lại giá trị thiết thực cho người tiêu dùng. Trong thời gian qua, THACO cũng đã tiên phong giảm giá theo lộ trình hội nhập khi thuế nhập khẩu linh kiện về bằng 0% vào năm 2018”, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO chia sẻ.
2. VinFast hồi sinh giấc mơ ô tô Việt
Đầu tháng 9.2017 giấc mơ ô tô mang thương hiệu Việt đứng trước cơ hội hồi sinh khi Tập đoàn Vingroup bất ngờ khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ, Cát Hải, TP.Hải Phòng. Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công dự án VinFast, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Vingroup sản xuất ô tô là một kỳ công, một hành động yêu nước. Ô tô không chỉ là ô tô, mà còn là một thương hiệu quốc gia, một quốc gia có hơn 50 triệu dân thì phải có công nghiệp ô tô”.
|
Với tổng vốn đầu tư lên tới 3,5 tỉ USD, VinFast lên kế hoạch sản xuất ô tô động cơ đốt trong, ô tô điện và xe máy điện. Sau 24 tháng, VinFast sẽ xuất xưởng 2 mẫu ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt. Mục tiêu VinFast hướng tới là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á, với công suất 500.000 xe/năm vào năm 2025. Các xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và Euro 6, tỉ lệ nội địa hóa khoảng 60%.
Một tháng sau khi khởi công, VinFast đã công bố 20 mẫu thiết kế cho dòng xe sedan và SUV, đồng thời trưng cầu ý kiến người tiêu dùng. Việc VinFast ra đời mang lại nhiều hy vọng về một thương hiệu ô tô Việt Nam trong tương lai gần.
3. Hyundai Thành Công, Trường Hải đẩy mạnh lắp ráp ô tô
Cùng với sự ra đời của VinFast, trong năm 2017 Hyundai Thành Công và Trường Hải (THACO) cũng đẩy mạnh đầu tư dây chuyền láp ráp ô tô tại VN, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu ô tô ra nước ngoài khi thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018.
|
Từ việc nhập khẩu, những mẫu xe chủ lực như Hyundai Grand i10, Tucson... lần lượt được Hyundai Thành Công chuyển sang lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình. Đơn vị này cũng giành quyền sản xuất, phân phối xe thương mại mang thương hiệu Hyundai tại VN. “Chúng tôi đều là DN Việt, có lòng tự trọng, sự khát khao và mong muốn ngành công nghiệp ô tô được duy trì mặc dù không dễ một chút nào. Đặc biệt, nếu không cố gắng tăng cường nội địa hóa trong nước, rất khó có cơ hội giảm giá sản phẩm”, ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Hyundai Thành Công cho biết.
|
Trong khi đó, tham vọng trở thành nhà lắp ráp, sản xuất ô tô hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được Trường Hải hiện thực hóa khi khởi công nhà máy lắp ráp xe Mazda tại Khu kinh tế Chu Lai, Quảng Nam. Tháng 12.2017, Trường Hải này tiếp tục khánh thành nhà máy sản xuất xe Bus với công suất 20.000 xe/năm. Hiện tại, Hyundai Thành Công và Trường Hải được ví như những lá cờ đầu trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
4. Trường Hải giành quyền phân phối BMW, Fuso
Trung tuần tháng 9.2017, BMW châu Á thông qua Trường Hải phát đi thông cáo về việc hợp tác giữa hai hãng, thể hiện ý định chọn Trường Hải trở thành nhà nhập khẩu, phân phối xe BMW và MINI tại thị trường VN từ ngày 1.1.2018, thay thế Euro Auto đã bị cơ quan chức năng khởi tố về hành vi buôn lậu.
|
Đầu tháng 12.2017, Trường Hải tiếp tục khiến nhiều người bất ngờ khi chính thức tiếp nhận toàn bộ mảng sản xuất, kinh doanh xe tải, xe bus Fuso từ Mercedes-Benz Việt Nam (MBV). “Nếu làm tốt và thành công với Fuso, THACO sẽ có cơ hội sản xuất, phân phối tiếp các thương hiệu xe thương mại khác của tập đoàn Daimler tại VN. Trước mắt, THACO đặt mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa lên trên 40% hướng đến xuất khẩu Fuso sang các nước trong khu vực ASEAN với lợi thế lớn từ ưu đãi thuế còn 0%”, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO chia sẻ.
5. Nghị định 116/2017/NĐ-CP, thắt chặt nhập khẩu ô tô
Giữa tháng 10.2017, Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được Chính phủ ban hành đã tác động đến thị trường ô tô VN.
|
Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN tưởng chừng đã rộng cửa vào VN khi thuế suất thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018, tuy nhiên các DN kinh doanh ô tô đang phải đối mặt với rào cản mới của Nghị định 116. Theo đó, Nghị định 116 quy định DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Bên cạnh đó, mỗi một lô xe nhập về Việt Nam phải mang 1 chiếc thuộc từng kiểu loại ra kiểm tra thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật.
Ngoài ra, Nghị định 116 với những quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe hơi cũng như các loại giấy tờ về cam kết triệu hồi khi xe bị lỗi… đã đóng chặt cánh cửa nhập khẩu với các DN kinh doanh ô tô có quy mô nhỏ lẻ.
|
Nghị định 116 sau khi được ban hành đã tạo ra các ý kiến trái chiều. Nhiều thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, Nghị định 116 đang gây ra những khó khăn cho hoạt động nhập khẩu ô tô. Trong khi đó, các DN lắp ráp ô tô trong nước như Trường Hải, Hyundai Thành Công lại cho rằng, các quy định tại Nghị định 116 phù hợp, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có thể thực hiện được.
6. Nghị định 125/2017/NĐ-CP, cơ hội cho ô tô lắp ráp
Giữa tháng 11.2017, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP quy định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
|
Theo đó, các DN lắp ráp ô tô trong nước sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ở mức 0%, nếu đạt được các điều kiện theo quy định trong từng giai đoạn từ năm 2018 - 2022. Ngay sau khi Nghị định 125 ban hành nhiều hãng ô tô tại Việt Nam đã tính toán mức giảm giá ô tô giai đoạn cuối năm 2017 cũng như công bố giá xe 2018. Liên quan đến Nghị định này, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO cho biết: “Thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0% vào năm 2018, cùng với việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện về 0%, sẽ khuyến khích và duy trì sản xuất lắp ráp ô tô trong nước”, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO cho biết.
Tuy nhiên, Nghị định 125 cũng tạo ra rào cản lớn đối với ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng khi áp dụng mức thuế tuyệt đối, mức thuế hỗn hợp cho mỗi dòng xe. Với việc Nghị định 125 cùng với Nghị định 116 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018, cánh cửa cho ô tô đã qua sử dụng về VN dần khép lại. Điều này khiến nhiều DN kinh doanh ô tô nhỏ lẻ phải đóng cửa trong năm 2017.
Tin liên quan
Ô tô nhập khẩu đội giá bán, xe cũ đắt hàng dịp cuối nămÔ tô nhập khẩu “tắc đường về” đúng vào thời điểm nhu cầu gia tăng dịp cuối năm, khiến một số mẫu xe khan hàng đội giá bán, xe cũ theo đó cũng vượt giá xe mới niêm yết trên thị trường khi lượng cung không đủ cầu.
Bình luận