Hầu hết các đại biểu có mặt đều đánh giá luật sửa đổi lần này có tiến bộ, đáng hoan nghênh nhưng vẫn chưa đột phá về mặt chính sách, chưa thể hiện hết yêu cầu của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn. Đa số ý kiến cho rằng vai trò của quản lý nhà nước về du lịch còn chung chung, chưa được đề cập chi tiết, chưa có cơ chế phù hợp, chưa làm rõ trách nhiệm của UBND các cấp. Vì vậy, cần thay đổi về thể chế liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. “Bộ luật dự thảo này còn rườm rà, chưa cụ thể. Cần nói rõ quản lý nhà nước về du lịch chủ yếu, cơ bản là chính quyền địa phương. Bộ chỉ thực hiện một số quy định thanh tra, kiểm tra, chính quyền địa phương mới chịu trách nhiệm trực tiếp, kể cả về vấn đề quy hoạch” - chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch nhận xét. Ông Lịch cũng đề nghị luật cần minh bạch hơn điều khoản thể hiện chính sách chuyển từ phát triển điểm du lịch sang vùng du lịch, liên kết phát triển vùng du lịch đồng thời có chính sách chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Luật sư Trương Thị Hòa thì cho rằng cần làm nổi bật quyền con người, quyền công dân trong luật Du lịch. Bà cho rằng phạm vi điều chỉnh của bộ luật dự thảo này còn thiếu một phần rất quan trọng là khách du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Bên cạnh đó, bà cũng yêu cầu thành lập lực lượng cảnh sát, thanh tra du lịch: “Du lịch là ngành rất chuyên ngành, nên cần phải có thanh tra du lịch chuyên ngành để giải quyết tình trạng vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Cần có một chương riêng quy định về thanh tra du lịch chuyên ngành”. Đề xuất này của luật sư Hòa nhận được nhiều sự đồng tình từ các chuyên gia cũng như đại diện sở, ngành liên quan.
Vấn đề khác được quan tâm đó là việc phát triển du lịch bền vững, song song với bảo vệ văn hóa, di sản, thiên nhiên. Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, đóng góp thêm vào điều 4 về nguyên tắc phát triển du lịch: “Phải nhấn mạnh rằng khi có mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, phải ưu tiên cho bảo tồn, nhất là đối với các di tích đã xếp hạng, các khu thiên nhiên đặc thù đã được trao danh hiệu thế giới”. Theo bà Nguyễn Thế Thanh, hiện nay xuất hiện nhiều tình trạng các nhà đầu tư, những người có thẩm quyền xét duyệt tại các địa phương đang ngày càng nhượng bộ, tập trung phát triển du lịch kinh tế và xem nhẹ việc bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa.
Các chuyên gia cũng góp ý nên có thêm chính sách cụ thể liên quan đến việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng tại từng địa phương, tạo sự khác biệt để thu hút khách, tạo điều kiện cho khách tiêu tiền.
Bình luận (0)