Bà Nữ (tên thường gọi là Út Nữ) cho biết gia đình có truyền thống làm nghề hốt thuốc nam chữa bệnh. Lúc nhỏ, bà thường theo cha mẹ đi tìm thuốc và được truyền dạy kỹ lưỡng nên thông thuộc hầu hết đặc tính của các loại thuốc nam. Đến năm 1981, khi đang làm giáo viên, thấy nhiều người dân địa phương bị bệnh nhưng không có tiền chạy chữa, bà quyết định áp dụng kiến thức được truyền dạy giúp họ vượt qua hiểm nghèo. Vừa dạy học, bà vừa dành thời gian hốt thuốc chữa bệnh cho bà con.
Đến năm 1983, thấy việc chữa bệnh cứu người quan trọng và cấp thiết hơn, bà Út Nữ xin nghỉ dạy để chuyên tâm chữa bệnh. “Đối với nghề giáo, số lượng giáo viên học ra trường nhiều, việc tìm người thay thế dễ dàng hơn nghề thuốc, bởi nghề thuốc phải trải qua thời gian dài học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mới có thể hành nghề. Trong khi đó, tôi đã có thời gian theo học nghề thuốc khá lâu nên quyết định xin nghỉ dạy và chuyên tâm chữa bệnh bằng thuốc nam”, bà Út Nữ chia sẻ.
tin liên quan
Chuyện tử tế: Kho gạo tình thương cho người nghèoNhờ tận tâm với nghề, cách trị bệnh có hiệu quả nên phòng khám của bà ngày càng có nhiều người tìm đến. Trung bình mỗi ngày có hơn 50 người, không chỉ người dân địa phương mà còn có nhiều người ở các tỉnh xa như: Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp...
Bên cạnh nguồn dược liệu do các nhà hảo tâm đóng góp, bà Út Nữ còn thành lập tổ chuyên trồng thuốc nam và vận động bà con địa phương trồng các loại dược liệu quý hiếm để kịp thời cung ứng. Bà luôn tâm niệm rằng: “Chỉ có giúp đời, giúp người thì cuộc đời mới thực sự đáng sống. Dù sức khỏe hiện tại không tốt nhưng tôi sẽ cố gắng gắn bó với nghề lâu nhất có thể để giúp đỡ được cho nhiều người hơn nữa”.
Ông Nguyễn Văn Lực (70 tuổi, ngụ xã Đông Phú) cho biết: “Năm 2014, tôi bị bệnh viêm phế quản nên tìm đến phòng khám từ thiện tại đây để điều trị. Nhờ sự tận tâm và cách điều trị có hiệu quả của cô Út Nữ nên bệnh tình thuyên giảm nhiều. Đặc biệt, tôi được hốt thuốc chữa bệnh miễn phí nên giảm được phần nào gánh nặng tiền bạc. Tôi vô cùng biết ơn cô Út Nữ và những tình nguyện viên tại phòng khám”.
Tương tự, ông Trần Văn Ơn (60 tuổi, ngụ H.Châu Thành, Hậu Giang) nói: “Tôi đưa mẹ đến điều trị cũng khoảng 3 tháng nay. Nhờ cô Út Nữ chữa trị tận tình nên sức khỏe của mẹ tôi cải thiện rõ rệt, ăn uống cũng tốt hơn trước. Mỗi lần đến đây đều được cô thăm hỏi tận tình như người thân nên mẹ tôi cảm thấy vô cùng gần gũi và quý mến cô. Riêng tôi rất cảm kích việc làm đầy ý nghĩa của cô Út Nữ”.
Bình luận (0)