Chuyện tử tế: Giúp người kiểu miền Tây

30/12/2024 07:54 GMT+7

Những câu chuyện tử tế, giúp người tại miền Tây đã đọng lại nhiều cảm xúc đặc biệt trong hành trình tác nghiệp của PV Thanh Niên suốt một năm qua.

NHỮNG "ÔNG BỤT, BÀ TIÊN" PHIÊN BẢN NÔNG DÂN, PHỤ HỒ

Chuyên mục "Chuyện tử tế" hằng ngày trên Báo Thanh Niên đã lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp, đầy nghĩa tình về việc giúp người, giúp đời. Những bài viết đã góp phần mang lại cho độc giả cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, từ đó có thêm niềm tin, hy vọng để không ngừng phấn đấu vươn lên.

Chuyện tử tế: Giúp người kiểu miền Tây- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Dân (55 tuổi, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) kiên trì vá đường suốt 10 năm nay

ẢNH: DUY TÂN

Chuyện tử tế: Giúp người kiểu miền Tây- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hồng Dân (55 tuổi, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) kiên trì vá đường suốt 10 năm nay

ẢNH: DUY TÂN

Chuyện tử tế: Giúp người kiểu miền Tây- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hồng Dân (55 tuổi, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) kiên trì vá đường suốt 10 năm nay

ẢNH: DUY TÂN

Dấu ấn miền Tây trong chuyên mục "Chuyện tử tế" không nhỏ khi những câu chuyện người tốt, việc tốt được đăng tải thường xuyên. Điều này mang lại cảm xúc vô cùng đặc biệt đối với bạn đọc, bởi so với mặt bằng chung cả nước thì cuộc sống người dân miền Tây vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng lại là nơi xuất hiện nhiều "ông bụt", "bà tiên" giữa đời thường. Bà con không đợi giàu sang, dư dả mới giúp người mà ngay cả người nông dân, thợ hồ, lái xe…cũng thể hiện tấm lòng thơm thảo.

Người miền Tây rộng rãi, phóng khoáng, một khi đã quyết giúp người thì họ không tiếc gì, không ngại khó khăn. Chúng tôi vô cùng cảm phục ông Trương Văn Kiềm (70 tuổi), sinh ra và lớn lên ở TP.Cần Thơ nhưng hành trình cất nhà từ thiện của ông không chỉ dành cho địa phương mình. Nghe nơi nào khó khăn thì ông lui tới tìm hiểu để giúp đỡ. Cứ như vậy, suốt 20 năm qua, ông cùng nhiều lão nông khác đã cất hơn 600 căn nhà khắp miền Tây, giúp nhiều người có nơi an cư lạc nghiệp.

Chuyện tử tế: Giúp người kiểu miền Tây- Ảnh 4.

Ông Đỗ Văn Quảng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trung Hưng, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ (giữa) truyền cảm hứng cho 50 người dân trong xã đăng ký hiến tạng

ẢNH: DUY TÂN

Nói về sự hào hiệp, những câu chuyện PV từng chứng kiến đã gây ấn tượng sâu sắc bởi tấm lòng cưu mang hết thảy phận đời, không phân biệt sang - hèn, sống - mất, hễ thấy người hoạn nạn thì mở lòng giúp đỡ. Đó là lý do khiến vùng đất này có rất nhiều đội mai táng từ thiện, đóng góp rất lớn cho cộng đồng. Chẳng hạn như những lão nông ở khu vực Thới Trinh A, P.Thới An, Q.Ô Môn (TP.Cần Thơ), trong 10 năm đã đóng hơn 2.500 cỗ quan tài miễn phí cho người nghèo. Ngoài đóng quan tài, họ còn phụ trách luôn việc lo hậu sự, tẩm liệm, thậm chí hiến đất để những người tha phương có nơi yên nghỉ cuối cùng.

Câu chuyện tử tế còn diễn ra hằng ngày trong những ngôi chùa. Chùa Phước Lâm (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) được thượng tọa Thích Giác Thời (78 tuổi, trụ trì chùa) sử dụng hàng chục ngàn mét vuông đất để xây dựng mái ấm cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Hay thượng tọa Lý Hùng (trụ trì Chùa Pitu Khôsa Răngsây, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đã dành gần 30 năm chăm lo hơn 1.000 học sinh, sinh viên nghèo. Từ ngôi chùa hiếu học này, nhiều sinh viên người dân tộc Khmer được lo chỗ ăn nghỉ miễn phí, an tâm học tập, đỗ đạt thành tài, làm bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, trở thành người có ích cho xã hội.

Thật khó kể hết những câu chuyện về tình người, nhưng có thể tô đậm hai chữ "tử tế" bằng những việc như xây cầu, vá đường, chạy xe chuyển bệnh từ thiện và nấu ăn miễn phí cho học sinh nghèo. Đó là bao ngày đêm, những người đứng ra làm từ thiện ray rứt khi thấy nhiều em nhỏ thiếu thốn điều kiện tới trường, bà con sống quanh mình lâm vào tình cảnh ngặt nghèo, hoặc đường quê đứt quãng do đặc thù sông nước.

Chuyện tử tế: Giúp người kiểu miền Tây- Ảnh 5.

Ông Trần Văn Ri (62 tuổi, ngụ Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) thành lập đội chữa cháy tình nguyện để giữ yên bình cho làng xóm

ẢNH: DUY TÂN

Sự trùng hợp những việc làm từ thiện nhiều nơi đôi khi giống nhau như vậy, cho thấy ở miền Tây có một tập thể đồng tâm hiệp lực giải quyết những vấn đề khó khăn của vùng. Sự vào cuộc mạnh mẽ đã gieo cho bà con một niềm tin mãnh liệt, luôn hy vọng 2 "điểm nghẽn" lớn của miền Tây là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực rồi sẽ thông thoáng, vươn mình phát triển.

ĐAM MÊ LÀM TỪ THIỆN

Khi làm thiện nguyện, tâm thế sẵn sàng của người miền Tây rất đáng trân quý. Một khi đã muốn giúp người yếu thế thì bà con sẽ hết lòng tìm cách, không ngại vất vả và không sợ người khác đánh giá mình thế nào. Người gây xúc động không ít cho độc giả có lẽ là thầy Nguyễn Nhựt Tân (42 tuổi, giáo viên Trường tiểu học TT.Phong Điền 1, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ). Mỗi ngày sau giờ đứng lớp, thầy lại rong ruổi trên nhiều nẻo đường để bán vé số lấy tiền giúp đỡ học sinh nghèo. Hay khi không đủ tiềm lực kinh tế, chị Phạm Thị Thanh Tiền (31 tuổi, ngụ Sóc Trăng) nghĩ ra cách bán bánh mì gây quỹ để duy trì hoạt động từ thiện. Mỗi ổ bánh mì, chị Tiền trích 3.500 đồng góp vào quỹ hỗ trợ bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, khiến nhiều người cảm kích.

Chuyện tử tế: Giúp người kiểu miền Tây- Ảnh 6.

20 năm qua, ông Trương Văn Kiềm (70 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) đã cùng các thành viên đội từ thiện của mình cất hơn 500 căn nhà tặng người nghèo

ẢNH: DUY TÂN

Điều quen thuộc ở vùng đất nhiều sông rạch là có rất nhiều người bỏ tiền túi làm việc nghĩa trong âm thầm, chẳng kêu gọi ai góp sức. Hoặc giả, khi có lời ngỏ ý thiết tha đóng góp thì bà con cũng chỉ nhận vật phẩm, không nhận tiền để giữ "tâm sạch lòng trong". Lại có những người sống trong cảnh túng bấn cũng hết lòng đi hỗ trợ những người khốn khổ hơn mình. Chính điều này đã đọng lại trong lòng bạn đọc Thanh Niên tình cảm hết sức đặc biệt về những con người chân chất, hết lòng cống hiến cho xã hội và hiểu hơn về hai chữ "đam mê" trong việc làm thiện nguyện.

Đó là đam mê của ông Nguyễn Hồng Dân (55 tuổi, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) với một bên chân bị liệt cùng căn bệnh tim thỉnh thoảng hành hạ, lại có thể kiên trì vá đường suốt 10 năm nay. Nếu không có đam mê, ở tuổi 95, điều gì đã khiến cụ ông Nguyễn Văn Đấu (xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh, Hậu Giang) vẫn mỗi ngày đi tìm dược liệu để cung cấp cho các phòng khám từ thiện ròng rã 40 năm qua? Và điều gì đã thôi thúc lão nông Trần Văn Ri (62 tuổi, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ), ngoài việc đồng áng còn thành lập đội chữa cháy tình nguyện để giữ yên bình cho làng xóm, nếu không phải là đam mê từ thiện!

Chuyện tử tế: Giúp người kiểu miền Tây- Ảnh 7.

Cụ Nguyễn Văn Đấu (95 tuổi, ngụ xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh, Hậu Giang) tìm dược liệu cung cấp cho các phòng khám từ thiện suốt 40 năm qua

ẢNH: DUY TÂN

Ở miền Tây, trong chuyện làm từ thiện, bà con cũng phát huy nét đẹp văn hóa tối lửa tắt đèn, tính cộng đồng và tình làng nghĩa xóm. Điển hình như gia đình ông bà Lữ Văn Tiển (50 tuổi) và Nguyễn Thị Diểu (48 tuổi, ngụ xã Long Trị, TX.Long Mỹ, Hậu Giang). Thấy người hàng xóm đơn thân bị bạo bệnh, cả vợ chồng con cái thay phiên nhau mang cơm ra bệnh viện, tận tâm chăm sóc như người thân trong nhà. Sự chu đáo, tận tình của chủ nhà khiến người bệnh thấm thía câu "Bán anh em xa mua láng giềng gần".

Do đặc thù phần lớn bà con làm nghề nông, sản xuất theo mùa vụ nên lúc nông nhàn, họ lại "rủ" nhau đi làm từ thiện. Vì thế, có nhiều đội nhóm từ thiện với hàng chục, thậm chí là hàng trăm thành viên. Vậy nên, hiếm có nơi nào đặc biệt như ở xã Trung Hưng (H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ). Từ việc ông Đỗ Văn Quảng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã đăng ký hiến tạng, rồi có tới 50 người dân đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Hầu hết đều là nông dân, tuy không liên quan nhưng đều mong muốn góp phần cho ngành y khoa phát triển.

***

Viết về lòng bao dung, sự đùm bọc giữa người với người trong lúc lận đận, khốn đốn bao giờ cũng là cảm xúc khó tả đối với những phóng viên như chúng tôi. Đặc biệt, việc giúp người với sự vô tư, nhiệt thành theo kiểu miền Tây càng khiến người viết yêu quý hơn về một vùng đất hào hiệp, nghĩa tình!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.