Chuyện tử tế: Lão nông miền Tây hơn 40 năm sưu tầm dược liệu cứu người

08/06/2023 07:29 GMT+7

Ở tuổi 94 nhưng cụ Nguyễn Văn Đấu (ngụ ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh, Hậu Giang) vẫn ngày ngày đi tìm dược liệu cung cấp miễn phí cho các phòng khám từ thiện.

ĐỒNG VỢ ĐỒNG CHỒNG

Dẫn chúng tôi đi xem những cây thuốc trồng khắp vườn nhà và ven kênh rạch, đường nông thôn, cụ Nguyễn Văn Đấu cho biết để nhận biết hàng trăm loại thuốc, cụ tự tìm hiểu qua sách vở, học hỏi lương y và ghi nhớ công dụng của từng loại.

Cụ kể cụ sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông nên thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo khi ốm đau, bệnh tật. Khoảng năm 1980, khi cuộc sống gia đình ổn định, cụ bắt tay vào việc sưu tầm cây thuốc và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của vợ là cụ Nguyễn Thị Chăm (năm nay 84 tuổi). "Để nhận biết cây thuốc, đi đến đâu sưu tầm, tôi đều hỏi kỹ các lương y, nghe họ chỉ dẫn. Tìm được cây thuốc, vợ chồng tôi mang về cắt nhỏ, phơi khô, cho vào bao cẩn thận rồi mang đi tặng các phòng khám từ thiện", cụ Đấu chia sẻ.

Chuyện tử tế: Lão nông miền Tây hơn 40 năm sưu tầm dược liệu cứu người - Ảnh 1.

Cụ Đấu ngày ngày đi tìm dược liệu cung cấp cho các phòng khám từ thiện

DUY TÂN

Với tâm huyết giúp bệnh nhân nghèo, hơn 40 năm qua, vợ chồng cụ Đấu đã đi rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để sưu tầm dược liệu. "Trong suốt nhiều năm đi sưu tầm, tôi đã từng bị tai nạn nhiều lần, bởi cây thuốc vốn mọc tự nhiên, nơi nào um tùm hoang sơ là mọc nhiều nhất. Khi vào những nơi đó tìm kiếm, bị ong chích là chuyện thường xảy ra. Có lần bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nhưng may mắn tôi có học về thuốc, đã dùng cây thuốc tìm được tự chữa trị nên không gặp vấn đề nghiêm trọng", cụ Đấu kể.

CON CHÁU NỐI GÓT LÀM THIỆN NGUYỆN

Đến nay, cụ Đấu đã sưu tầm được rất nhiều loại dược liệu có giá trị. Mỗi tháng, cụ cung cấp hơn 300 kg dược liệu khô cho chùa Tịnh độ cư sĩ Hưng Đức Tự (P.7, TP.Vị Thanh) và các phòng khám từ thiện, góp phần đa dạng hóa nguồn thuốc nam chữa bệnh cho người dân.

Chuyện tử tế: Lão nông miền Tây hơn 40 năm sưu tầm dược liệu cứu người - Ảnh 2.

Dược liệu sau khi phơi xong được cho vào từng bao, bọc ghi tên đầy đủ mới đem cho

Theo cụ Đấu, việc làm của cụ xuất phát từ mong muốn giúp người nghèo. "Ở tuổi này, tôi thấy may mắn khi còn sức khỏe để đi tìm cây thuốc. Cũng nhờ công việc này, mà cuộc sống tuổi xế chiều của tôi có ý nghĩa hơn, tinh thần, sức khỏe cũng tốt, ít bệnh tật", cụ Đấu nói.

Cây thuốc nam nay không còn nhiều như xưa, công việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Nhưng niềm vui với đôi vợ chồng già như nhân lên khi 9 người con và các cháu của cụ cũng dành thời gian, công sức đi tìm dược liệu. "Tụi nó thấy vợ chồng lớn tuổi, đi xa không được nên kêu ở nhà, rồi tụi nó kiếm đem về để vợ chồng tôi sơ chế. Đứa đi mần cỏ thuê cũng tranh thủ kiếm dược liệu. Mấy đứa con gái cũng rong ruổi đi tìm rồi chở về, cùng vợ chồng tôi chặt, phơi cho vào bao. Thấy con cháu chung lòng làm thiện nguyện như vậy, vợ chồng tôi vui lắm", cụ Đấu xúc động.

Chị Nguyễn Kim Phượng, con gái của cụ Đấu, cho biết thấy cha mẹ tâm huyết với công việc giúp đời, thấu hiểu được việc làm nhân văn, ý nghĩa của cha mẹ nên 9 người con và cháu quyết định nối gót làm công việc thiện nguyện. Hằng ngày, bên cạnh việc lo cho cuộc sống riêng, những lúc rảnh rỗi cả gia đình cùng đi sưu tầm dược liệu, rồi quây quần chặt, phơi khô để đem cho.

Ông Trần Văn Thiện, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, cho biết cụ Đấu là người lớn tuổi nhất, cũng là người có thâm niên lâu nhất ở địa phương làm công việc sưu tầm thuốc nam tặng phòng khám từ thiện. "Trước đây cũng có một số người làm công việc này, nhưng tuổi cao đã qua đời, giờ chỉ còn mỗi mình vợ chồng cụ làm. Việc thiện nguyện đã lan tỏa đến con cháu và họ cũng góp sức làm cùng 2 cụ. Điều đó khiến người dân địa phương ai cũng khâm phục", ông Thiện nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.