Chuyện tử tế: Lớp dạy chữ Khmer cho trẻ em trong phum sóc

03/08/2024 06:57 GMT+7

Suốt 14 năm qua, mỗi dịp nghỉ hè, ông Đào Hoa (70 tuổi, ngụ xã Thới Xuân, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) tổ chức lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho trẻ em trong phum sóc.

Ông Đào Hoa (còn gọi là Sáu Hoa) hiện là Phó ban Quản trị chùa Settodor (H.Cờ Đỏ). Tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa dân tộc, năm 2010, vợ chồng ông mở lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho trẻ em trong phum sóc vào dịp hè. Biết thầy Danh Hở và cô Thạch Diễm thông thạo chữ Khmer và có kỹ năng sư phạm, nên ông mời về dạy.

Chuyện tử tế: Lớp dạy chữ Khmer cho trẻ em trong phum sóc- Ảnh 1.

Thầy Danh Hở dạy chữ Khmer cho các em tại nhà ông Sáu Hoa

ẢNH: DUY TÂN

Lớp học ban đầu được tổ chức trong khuôn viên chùa Settodor. Đến năm 2023, nhằm tạo điều kiện cho học sinh không phải đi xa, vợ chồng ông Hoa cho mượn nhà làm nơi dạy học. Bàn ghế mượn của trường học gần đó, thiếu bàn thì ông mua gỗ, thuê thợ đóng để các em có chỗ học đàng hoàng. "Điều quan trọng hơn hết là làm sao cho các em biết viết và nói được tiếng dân tộc; biết văn hóa truyền thống, lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc mình. Vì lẽ đó, tôi luôn mong muốn duy trì lớp học này", ông Hoa chia sẻ.

Hằng năm, lớp học diễn ra từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8. Mỗi ngày, các em học từ 7 giờ 30 - 9 giờ 30, riêng ngày 15 và 30 âm lịch, học sinh được nghỉ để cùng gia đình đi chùa. Đến lớp, các em được dạy tập đọc, viết và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Khmer. Kết thúc khóa học, hầu hết đều đọc tròn vành và viết rõ chữ.

Hè năm nay, lớp có 31 học sinh, độ tuổi từ 8 - 14, thuộc địa bàn ấp Thới Trường 1, Thới Trường 2 của xã Thới Xuân. Đặc biệt, vợ ông Hoa là bà Danh Thị Hiền còn dạy các em múa hát, với những điệu múa truyền thống, giai điệu cổ truyền của người Khmer. "Nhìn thấy mấy cháu yêu thích, ham học hỏi văn hóa dân tộc, vợ chồng tôi vui lắm. Những điệu múa cổ truyền tôi học từ ông bà, cha mẹ, nay dạy lại để các cháu giữ gìn và phát huy", bà Hiền chia sẻ.

Ông Hoa cho biết lớp học được duy trì đến nay là nhờ sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân; từ Hội LHPN xã Thới Xuân đến Ban Nhân dân ấp Thới Trường 1, Ban Quản trị chùa Settodor và tấm lòng của những người tâm huyết bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer ở địa phương.

Em Lý Đào Thanh Phong, học sinh lớp 9, có mẹ là người dân tộc Khmer, quê xã Thới Xuân, H.Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ), hiện sinh sống tại TP.HCM. Nghỉ hè, em được cha mẹ đưa về nhà ngoại ở xã Thới Xuân. Vì yêu quý tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer của ông bà ngoại và mẹ nên em tham gia lớp học do ông Hoa tổ chức. Năm nay là năm thứ hai, em theo học chữ Khmer.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Xuân, cho biết nhiều em trong lớp là thành viên Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự tiến bộ". "Các em được trau dồi kỹ năng, khẳng định giá trị bản thân, chung tay gìn giữ văn hóa dân tộc Khmer. Việc làm của vợ chồng ông Sáu Hoa được người dân trong vùng ủng hộ và trân quý", bà Loan nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.