NGÔI NHÀ CHUNG
Khoảng 10 giờ một ngày vào đông, chúng tôi tới ký túc xá (KTX) 115. Tại khu bếp nhỏ, chị cấp dưỡng Đinh Thị Hồng Gấm (38 tuổi, trú thôn Giang Châu, xã Ea Dăh) đã chuẩn bị xong cơm trưa cho 163 em học sinh (110 em bậc tiểu học, 53 em bậc THCS) và đang tiếp tục chuẩn bị thực phẩm cho buổi chiều. "Tôi bắt đầu một ngày vào lúc 3 giờ, phải dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho các cháu. Cố gắng tranh thủ thời gian nấu những bữa ăn ngon nhất có thể để các cháu có đủ năng lượng cho một ngày học tập", chị Gấm chia sẻ.
Ký túc xá dành cho học sinh H’Mông xa bố mẹ ở thôn hẻo lánh và nghèo nhất xã
Năm 2019, KTX 115 được xây dựng nhằm đáp ứng chỗ ăn ngủ cho các em ở thôn Giang Đông, nằm cách trung tâm xã Ea Dăh khoảng 10 km. Con số 115 là số học sinh bán trú vào thời điểm đó. Bố mẹ của các em học sinh lưu trú tại KTX 115 đa số đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà chăm sóc. Cuối tuần, các em sẽ được bố mẹ hoặc ông bà đón về nhà.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Sùng A Thọ, quản lý KTX 115, cho biết trong sinh hoạt hằng ngày, đối với các em lớp 1, lớp 2, phải chỉ bảo từng chút cách giữ gìn vệ sinh chung. Các anh chị lớn cũng phải hỗ trợ các em nhỏ giặt giũ quần áo, sinh hoạt, học tập, đùm bọc lẫn nhau. "Các em lớp 1, lớp 2 sẽ có anh, chị cấp 2 hỗ trợ, chăm sóc. Nếu có em nào đau ốm, tôi là người trực tiếp đưa đi khám bệnh, lấy thuốc tại trạm xá thay cho bố mẹ", anh Thọ cho biết.
GIẢM TỶ LỆ HỌC SINH BỎ HỌC
Vừa trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt của anh Thọ vừa liên tục hướng về phía cổng chính lúc học sinh về phòng. "Mỗi em mỗi tính cách nên việc chỉ dạy cũng khá khó khăn. Đôi khi tôi cũng buồn bực vì nói các em không nghe, nhưng cũng phải cố gắng vì xem các em như con cháu mình", anh nói và kể thêm: "Buối tối, tôi hỗ trợ dạy kèm cho các em lớp 1, lớp 2. Đa số các em là người H'Mông nên chưa rành tiếng phổ thông, chưa biết làm toán. Tôi cũng là người H'Mông nên có thể nói với các em bằng tiếng dân tộc mình, sau đó dịch sang tiếng phổ thông để các em nắm kiến thức. Tôi kèm chủ yếu là môn toán vì các em hầu như không biết làm, và cũng hướng dẫn học thêm bảng chữ cái".
Anh Thọ cho biết bản thân biết chút ít về máy tính nên thỉnh thoảng cũng chiếu lên màn hình để các em dễ hiểu hơn. Anh không có trình độ sư phạm nên chủ yếu hỗ trợ thêm cho các em.
Ở bán trú nhưng các em sinh hoạt như nội trú, có người nấu ăn và bảo vệ an ninh KTX. Nhờ mô hình này, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm nhiều. "Thôn Giang Đông là nơi nghèo nhất, khổ nhất, nên nhà trường cùng chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh theo học con chữ. Hiện nay KTX đang quá tải về chỗ ở, các em lớp 1 phải nằm ghép 2 em một giường. Mong chính quyền địa phương cũng như các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm chỗ ăn, chỗ ở cho các em", thầy Bùi Minh Đô, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Trưởng ban quản lý KTX 115, bày tỏ.
Bình luận (0)