Chuyện tử tế: Ông Hai Lúa bắc cầu, làm đường cho dân đi

09/09/2023 04:30 GMT+7

Gắn bó với việc thiện nguyện xây cầu, làm đường hơn 20 năm, lão nông Nguyễn Văn Bé Hai (67 tuổi, ngụ ấp Tân An, xã Tân Bình, H.Châu Thành, Đồng Tháp) được người dân yêu mến gọi là "ông Hai Lúa".

Ông Hai Lúa sinh ra trong gia đình thuần nông. Nhờ chịu khó làm ăn, kinh tế gia đình phất lên với nghề sản xuất lúa giống. Từ đó, ông mong muốn làm từ thiện giúp đời. Năm 2000, ông Hai bắt đầu hành trình thiện nguyện bằng việc bắc cầu, làm đường. Bởi theo ông, ở vùng sâu, vùng xa, bà con rất cần những cây cầu vững chắc, đường lộ giao thông thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. "Miền Tây sông ngòi chằng chịt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, bà con đi lại rất khó khăn. Thời điểm năm 2000, khi nước lũ dâng cao đến khi rút đi, nhiều cây cầu thô sơ bị xiêu vẹo, đường sá sạt lở, trôi hết. Thế nên, tôi chọn việc bắc cầu, làm đường để giúp đỡ bà con", ông Hai cho biết.

Chuyện tử tế: Ông Hai Lúa bắc cầu, làm đường cho dân đi - Ảnh 1.

Ông Hai (phải) bên một cây cầu đang xây dựng

DUY TÂN

Ban đầu, ông tham gia cùng chính quyền địa phương xây cầu, làm đường, cất nhà tình thương... Sau khi có kinh nghiệm, ông đứng ra thành lập Đội xây cầu từ thiện gồm 4 thành viên. Từ dạo đó, nhiều cây cầu mới, con đường phẳng hoàn thành, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tình nguyện tham gia. Đến nay, đội xây cầu của ông Hai có 15 thành viên.

Ông Hai kể lúc đầu ông chỉ làm cầu gỗ. Đến năm 2004, thấy cầu gỗ mau xuống cấp nên ông bàn bạc với chính quyền thay bằng cầu bê tông tải trọng thấp. Kể từ năm 2010, ông chuyển sang làm cầu bê tông, tải trọng trên 2 tấn. Tính từ năm 2000 đến nay, ông Hai đã vận động kinh phí và xây dựng trên 200 cây cầu khắp các tỉnh miền Tây như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An… Mỗi cây cầu có kinh phí từ 300 - 600 triệu đồng.

Chuyện tử tế: Ông Hai Lúa bắc cầu, làm đường cho dân đi - Ảnh 2.

Những cây cầu mới nối nhịp bờ vui do đội ông Hai xây dựng

Theo ông Hai, việc xây cầu cũng lắm vất vả, nhưng các thành viên trong đội đều quyết tâm làm để học sinh an tâm đến trường, người dân lưu thông dễ dàng. "Công việc này phải có cái tâm mới được. Tiền thì có nhà hảo tâm hỗ trợ, nếu thiếu thì chính quyền vận động thêm. Cả đội phối hợp chặt chẽ, đồng tâm hiệp lực mới làm được tới bây giờ. Bản thân tôi luôn cố gắng hết mình. Tôi làm ruộng 1 vụ lúa 3 tháng, nhưng thật ra làm có 1 tháng, 2 tháng còn lại thì đi xây cầu giúp bà con", ông Hai chia sẻ.

Nhờ kỹ thuật bắc cầu, làm đường bài bản chẳng khác nào kỹ sư, ông Hai được tín nhiệm đảm nhận vai trò Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường H.Châu Thành (Đồng Tháp).

Ngoài việc bắc cầu, làm đường, từ nguồn tài trợ của nhà hảo tâm và gia đình đóng góp, thời gian qua, ông Hai còn tổ chức nhiều đợt đưa bệnh nhân nghèo bị bệnh đục thủy tinh thể lên TP.HCM chữa trị. Đến nay, đã có trên 11.000 lượt bệnh nhân được mổ mắt miễn phí.

Ông Phạm Văn Nhanh, Phó bí thư Đảng ủy xã Tân Bình, cho biết ông Hai rất tâm huyết trong công tác thiện nguyện nên được người dân quý mến. Với những đóng góp cho công tác thiện nguyện, ông Hai Lúa nhiều lần nhận bằng khen, giấy khen của T.Ư và tỉnh. Đặc biệt, năm 2014, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.