Tiết kiệm 6,5 tỉ USD nhờ giảm ô nhiễm không khí
Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo cuối kỳ “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện”. Báo cáo nêu rõ: Trong ngành giao thông vận tải, quá trình đốt cháy xăng và dầu diesel của các phương tiện giao thông đường bộ đến nay là tác nhân lớn nhất gây ra phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 85%.
Quá trình đốt cháy xăng và dầu diesel của các phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong thải ra một lượng đáng kể các chất ô nhiễm không khí như: oxit nitơ, oxit lưu huỳnh và vật chất dạng hạt có đường kính 10 micromet trở xuống (PM10). Các khí thải này gây ô nhiễm không khí cục bộ, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, đe dọa đến sức khỏe của người dân.
Trong số các phương tiện giao thông đường bộ, năm 2022, xe hai bánh (2W), bao gồm xe máy và xe gắn máy, chiếm 28% lượng phát thải, tiếp theo là xe buýt và xe khách liên tỉnh chiếm 11%, ô tô con chiếm 6%. Phân khúc phương tiện đường bộ phát thải nhiều nhất là xe tải đủ cỡ, đóng góp khoảng 54% vào lượng phát thải của giao thông đường bộ. Xe buýt đô thị đóng góp lượng phát thải nhỏ nhất trong tất cả các phân khúc phương tiện đường bộ, khoảng 1%.
Do đó, điện khí hóa đội xe vận tải đường bộ thuộc mọi loại hình là chiến lược then chốt trong "Chương trình hành động để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050". Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, ít nhất 50% phương tiện giao thông đô thị sử dụng điện và năng lượng xanh; đến năm 2050, tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc sẽ sử dụng điện và năng lượng xanh.
Trước đó, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới “Clean air for Ha Noi: What will it take?” năm 2022 cho thấy nếu đạt được mục tiêu trên, đến năm 2030, Việt Nam có thể tránh được lượng phát thải oxit lưu huỳnh là 302 tấn, oxit nitơ 1.857 tấn và bụi mịn PM là 181 tấn. Đến năm 2050, khi quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện mở rộng sang ô tô con, xe tải và xe khách đường dài, tác động này sẽ tăng lên thêm 162 lần đối với oxit lưu huỳnh (khoảng 48.842 tấn), tăng 66 lần đối với oxit nitơ (122.079 tấn) và tăng 48 lần đối với bụi mịn PM10 (8.607 tấn).
Mức độ giảm ô nhiễm không khí này giúp Việt Nam tiết kiệm được tổng cộng khoảng 30 triệu USD chi phí thiệt hại môi trường vào năm 2030 và con số này sẽ tăng lên 6,4 tỉ USD vào năm 2050.
Bên cạnh đó, các chuyên gia từ Ngân hàng thế giới tính toán việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện có thể tạo ra tổng cộng 6,5 triệu việc làm sản xuất mới tại Việt Nam tính đến năm 2050, cũng như nhiều công ăn việc làm khác trong lĩnh vực bảo trì và sửa chữa xe điện.
"Thị trường xe điện ở Việt Nam được coi là một cơ hội rất lớn, dự kiến sẽ thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất phương tiện và cơ sở hạ tầng sạc. Nhu cầu sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì và tái chế xe điện dự kiến sẽ tăng mạnh. Ngành xe điện sẽ cần lực lượng lao động có năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về nhân công nhằm hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng này" - báo cáo nêu rõ.
Thay đổi nhận thức, phải đi kèm động lực kinh tế
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, nhìn nhận công cuộc "đổi màu" phương tiện giao thông là bắt buộc, song sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của phương tiện "xanh", nhà nước còn cần các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để người dân thực hiện việc chuyển đổi.
Ông dẫn chứng: Để hỗ trợ việc chuyển đổi xanh, hầu hết các quốc gia đều dành nhiều nguồn lực để đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng, như trạm sạc ở những nơi công cộng, bến bãi, nhà chờ, trạm dừng…; đồng thời có nhiều chính sách cho các đối tượng này.
Đơn cử, Thái Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện từ 8% xuống còn 2%, thuế nhập khẩu từ 0 - 40%, mỗi xe sản xuất trong nước bán ra được trợ cấp 4.600 USD. Singapore và Malaysia tổ chức lắp đặt trạm sạc điện ở các nơi công cộng... Tại Na Uy, để có 70 - 80% phương tiện sử dụng năng lượng điện như hiện nay, nước này đã ban hành hàng loạt chính sách như hỗ trợ thuế, giảm phí đường bộ, miễn phí đậu xe, tổ chức làn chạy riêng cho xe buýt điện… Còn tại Trung Quốc, trong giai đoạn 2012 - 2022, mỗi người dân mua xe điện được chính phủ hỗ trợ một khoản tiền hoàn trả lên đến 8.300 USD; những người mua xe điện dưới 41.000 USD được trợ thuế 10% giá trị xe cho tới tận năm 2025 và sẽ tiếp tục giữ mức trợ thuế 5% vào 2 năm sau đó. Mới nhất, từ nay đến hết tháng 12, Thượng Hải trợ cấp hơn 2.000 USD cho những người dân đổi xe cũ thành xe điện mới trị giá hơn 6.000 USD. Các khoản trợ cấp 1.500 USD cũng được áp dụng cho người dân muốn đổi xe cũ lấy xe tiết kiệm nhiên liệu mới.
Ở Việt Nam, các chính sách từ nhà nước hiện còn ít và ngắn ngủi: Chính sách miễn phí trước bạ cho xe điện chỉ kéo dài 3 năm (2022 - 2025); chính sách miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 30% xuống 15% chỉ kéo dài đến tháng 8.2027. Ngành GTVT đã trình Thủ tướng chính sách tài trợ 1.000 USD khi đầu tư một xe ô tô điện, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
"Do vậy, ở phạm vi chính sách chung cho cả nước, hiệp hội chúng tôi đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành những chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư xe điện như: tiền hỗ trợ nhà đầu tư, người mua xe tiên phong, lãi suất vay ưu đãi, thời gian trả góp dài theo chu kỳ đầu tư, ưu tiên khi xe lưu thông, đậu đỗ…", ông Lê Trung Tính đề xuất.
Đồng tình, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay phần nào thay đổi nhận thức, đang thấm dần sự thúc bách về việc phát triển xanh, chuyển đổi giao thông xanh. Song, nhận thức phải đi liền với động lực kinh tế. Không thể mong người dân chỉ vì muốn bảo vệ môi trường mà sẵn sàng bỏ tiền đổi xe, chạy xe điện.
Thực tế đã chứng minh, lượng xe điện của VinFast bán ra tại thị trường nội địa lập kỳ tích liên tiếp những tháng vừa qua là đến từ những cam kết ưu đãi gây choáng cho nhiều người. Từ việc miễn phí tiền điện suốt 2 năm, tri ân gói bảo dưỡng, hỗ trợ lãi suất và rủi ro tiếp cận vốn vay, hỗ trợ khách hàng thu xe xăng cũ đổi xe điện mới, cho tới hỗ trợ tạo ra mạng lưới nạp điện tiện lợi, đơn giản tới mức tối thiểu những thủ tục trong quá trình đổi xe… VinFast đã ứng trước vốn, bỏ ra chi phí cực lớn nhằm khuyến khích sự thay đổi trong thị trường. Cùng với đó là những "chiêu" tiếp thị hiệu quả, đưa ra những chương trình ai mua trước, mua sớm được hưởng nhiều quyền lợi...
"VinFast đã đánh thẳng vào lợi ích kinh tế, tạo ra động cơ để mọi người muốn mua xe điện. VinFast làm thế để người dân hiểu, người dân chọn xe điện, người dân hưởng lợi ích, đóng góp cho một xã hội xanh. Thế nhưng, một mình doanh nghiệp gánh thì không thể bền được. Chuyển đổi xanh không thể chỉ là hành động đơn lẻ, đơn độc của từng doanh nghiệp mà cần sự chung tay của cộng đồng ở tất cả lĩnh vực, của mỗi người dân. Ở đó, người tiêu dùng cần hiểu rõ mục đích của doanh nghiệp để tự hào và ủng hộ, còn nhà nước nên tiếp cận hướng sử dụng xe điện như một chương trình quốc gia. Ngoài ra, cần sự ủng hộ, phối hợp của chính quyền địa phương để thực hiện các chương trình chuyển đổi giao thông xanh hướng tới đô thị xanh" - chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
VinFast và đối tác FGF công bố hợp tác triển khai chương trình "Thu cũ - Đổi mới" đặc biệt kể từ 1.11 nhằm hỗ trợ mạnh mẽ cho các chủ sở hữu ô tô xăng trên toàn quốc chuyển đổi xanh sang các dòng ô tô điện VinFast VF 7, VF 8 và VF 9.
Theo đó, nếu khách hàng sở hữu các loại xe xăng VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0, sau khi bán cho FGF để chuyển sang ô tô điện VinFast, sẽ được ưu đãi thêm 30 triệu đồng cho VF 7 và VF 9 thuê pin, 50 triệu đồng cho VF 8 thuê pin, 70 triệu đồng cho VF 9 mua pin, 80 triệu đồng cho VF 7 mua pin và 120 triệu đồng cho VF 8 mua pin. Với các loại xe động cơ đốt trong khác, sau khi bán cho FGF để chuyển sang ô tô điện VinFast, khách hàng sẽ được ưu đãi thêm 15 triệu đồng cho VF 7 và VF 9 thuê pin, 25 triệu đồng cho VF 8 thuê pin, 40 triệu đồng cho VF 9 mua pin, 50 triệu đồng cho VF 7 mua pin và 80 triệu đồng cho VF 8 mua pin. Các mức ưu đãi này được áp dụng đồng thời với các chương trình khác đang được triển khai.
Bình luận (0)