Chuyện nhỏ nhưng khó vượt qua
|
Hà Nguyễn Hoài Ny, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Trưởng ban tổ chức cuộc thi, bày tỏ: “Mình thấy đây là vấn đề tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ chút nào. Vì nó như chuyện cơm bữa nên mọi người chủ quan. Bởi ngày nào cũng có chuyện để buồn, chuyện để than vãn, nhưng cứ buồn như thế sẽ khiến cuộc sống thêm ảm đạm, thiếu động lực, nhiều khi trở nên trầm trọng và không có lối thoát”.
Ny chia sẻ thêm: “Mình không hiểu sao những chuyện rất nhỏ nhặt cũng làm tâm trạng trở nên tệ hại. Đơn giản như tin nhắn trên Facebook của mình bạn đã xem nhưng không thấy trả lời cũng làm mình giận dữ hay buồn bã. Rồi đánh một bài word 10 trang mà quên bấm lưu, tự dưng máy gặp sự cố tắt ngang giữa chừng, thế là than vãn cả ngày chẳng làm được việc gì nữa cả. Thật tệ hại nếu cứ để những chuyện nhỏ như thế làm xấu đi tâm trạng của mình”.
Ny cho biết có rất nhiều câu chuyện bạn trẻ gửi về cho cuộc thi với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn bè đồng trang lứa. Trong đó có chia sẻ của C.T.C.T, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM: “Tôi đã từng rất đam mê nghề hướng dẫn viên du lịch và khi ra trường được làm đúng công việc mình yêu thích. Thế nhưng làm chưa đầy 5 tháng thì biến cố xảy ra, mà bây giờ tôi nghĩ lại đó chỉ là một chút khó khăn nhỏ thôi, nhưng lúc đó đã làm tôi thấy nản. Rồi khi những khó khăn khác đến tôi đã không đủ động lực bước tiếp, thế là tôi bỏ cuộc. Bây giờ đi làm công việc trái ngành khiến tôi càng chán nản hơn”.
Hãy trang bị thật nhiều kỹ năng
|
Còn tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Một số bạn trẻ rất “mong manh dễ vỡ”, dễ chán nản, hay thổi phồng các biến cố... Nguyên nhân có thể do cuộc sống ngày càng phức tạp, đặt ra cho các bạn nhiều “bài toán”, nhưng các bạn lại chưa được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề. Bài toán trên lớp thầy giao dễ hơn nhiều so với bài toán ngoài đời. Mà toán trên lớp nhiều bạn còn nản chí không chịu khó làm, thì bài toán cuộc đời đặt ra cũng chịu thua khi giải”.
Tiến sĩ Hiếu chia sẻ thêm: “Vùng biển lặng khó tạo nên thủy thủ giỏi, những cây mạnh mẽ nhất mọc trên những mảnh đất khắc nghiệt nhất. Do đó, những sự cố hằng ngày sẽ giúp cho người trẻ chúng ta ngày càng biết đối đầu với sóng to, biết điềm tĩnh trước những cơn gió ngược. Những rắc rối sẽ giúp ta học kỹ năng giải quyết vấn đề. Những muộn phiền không như ý sẽ giúp ta học kỹ năng làm chủ cảm xúc, để rồi một ngày đạt đến cảnh giới an nhiên”.
Tiến sĩ Hiếu khuyên: “Khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thất bại nhiều hơn thành công. Đó là quy luật của cuộc sống. Khó khăn càng lớn, thất bại càng nhiều, thì thành công sau đấy mới càng ý nghĩa. Sau cơn mưa, rồi trời lại sáng. Cuối cùng mọi việc sẽ ổn, nếu chưa ổn thì chưa phải cuối cùng. Đứng trước một bài toán, thay vì lo lắng, hãy tìm cách giải. Nếu không giải được bằng cách cũ, phải tìm cách giải mới. Gặp trắc trở không có nghĩa là cùng đường, mà là ta phải đi xuyên qua hoặc phải đi bằng một con đường khác”.
Bình luận (0)