Kết quả rà soát cũng cho thấy, Bamboo Airways là hãng hàng không nội địa duy nhất tại Việt Nam hiện nay, chưa từng sử dụng phi công Pakistan.
Câu hỏi về quy trình tuyển dụng và đào tạo phi công tại Bamboo Airways - gương mặt mới và đang có tốc độ phát triển vào loại nhanh nhất thị trường hàng không Việt Nam hiện tại đã được người viết bài này đặt ra.
Chọn rất kỹ từ đầu vào
“Câu chuyện gian lận bằng cấp, gian lận về khai báo kinh nghiệm bay của phi công đã từng xảy nhiều nơi, nhất là tại những quốc gia có thị trường hàng không phát triển mạnh và nhu cầu thuê phi công nước ngoài cao”, ông Trần Quốc Chiến - Giám đốc khối Khai thác kiêm Đoàn trưởng Đoàn bay Bamboo Airways - bình luận khi được hỏi về đợt rà soát phi công nước ngoài tại Việt Nam mới đây của Cục Hàng không.
Đối với Bamboo Airways, ông Chiến cho biết, từ những ngày đầu thành lập, một quy trình tuyển dụng phi công vô cùng chặt chẽ đã được hãng xây dựng, trong đó tham khảo kỹ lưỡng kinh nghiệm và bài học từ các hãng hàng không lớn trên thế giới, cũng như các thị trường hàng không có lịch sử phát triển lâu đời.
|
“Từ nguồn phi công do đối tác tin cậy cung cấp, chúng tôi tiến hành rà soát, xác minh thông tin của các phi công thông qua các hãng bay và cơ quan quản lý hàng không nơi họ đã từng làm việc. Sau đó, chúng tôi sẽ đánh giá trực tiếp năng lực của phi công thông qua các bài kiểm tra lý thuyết, phỏng vấn và bay trên buồng lái mô phỏng”, ông Trần Quốc Chiến mô tả cụ thể hơn về quy trình tuyển dụng phi công tại Bamboo Airways.
Tất cả các công đoạn đều thực hiện công khai, dưới sự đánh giá của các giáo viên phi công có trình độ, kinh nghiệm và uy tín. Đồng thời, các bộ phận chức năng như ban nhân sự, kiểm soát nội bộ, an toàn chất lượng lại giám sát độc lập mọi khâu trong quá trình tuyển dụng. Toàn bộ các kết quả kiểm tra năng lực phi công đều lưu lại để đảm bảo minh bạch tuyệt đối.
“Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống giám sát an toàn khai thác bay hiện đại và hiệu quả. Những vi phạm giới hạn chỉ số an toàn bay, những nguy cơ uy hiếp an toàn trên mỗi chuyến bay đều được ghi nhận và báo cáo. Nhờ đó, chúng tôi thường xuyên đánh giá được năng lực khai thác của cả đội bay nói chung, cũng như cá nhân từng phi công nói riêng”, ông Chiến kể.
Vị Đoàn trưởng Đoàn bay Bamboo Airways nêu một ví dụ khác về quy trình nâng cấp từ cơ phó lên cơ trưởng tại hãng. Theo quy trình này, bên cạnh yêu cầu tối thiểu về số giờ bay, một danh sách thứ tự ưu tiên nâng cấp phi công được xây dựng và cập nhật công khai 3 tháng/lần, nhằm theo dõi và ghi nhận quá trình làm việc, trau dồi nghề nghiệp, đóng góp cho công ty của mỗi phi công.
Chủ động tự đào tạo
Để mở rộng mạng lưới đường bay, Bamboo Airways dự kiến nâng quy mô đội bay lên 40 tàu vào cuối năm 2020, hướng tới duy trì mục tiêu đội 50 tàu đặt ra hồi cuối năm 2019.
“Trung bình, mỗi máy bay thân hẹp cần từ 10-12 phi công và mỗi máy bay thân rộng cần 16-18 phi công. Giả sử khai thác 40 máy bay thân hẹp và 10 máy bay thân rộng thì cần tới khoảng 600 phi công”, ông Chiến lý giải. Do đó, Bamboo Airways đang tăng nguồn phi công tự đào tạo, coi đây là nguồn lực bổ sung nòng cốt trong tương lai.
|
Đoàn trưởng Đoàn bay Bamboo Airways cũng cho biết, sắp tới, hãng sẽ hợp tác với một số tổ chức uy tín trên thế giới đưa ứng viên Việt Nam đi đào tạo tại nước ngoài. Công trình Viện Đào tạo hàng không của hãng cũng đang được tiếp tục xây dựng, nhằm tuyển sinh và đào tạo phi công, tiếp viên, thợ máy và các chuyên viên chuyên ngành khác sau khi đi vào hoạt động.
Bình luận (0)