TNO

Chuyện 'vận động hành lang' ở giải Oscar

28/01/2014 13:15 GMT+7

(iHay) Để có nhiều cơ hội chạm đến tượng vàng, các nhà sản xuất phim cũng dùng đủ 'chiêu trò'.

(iHay) Để có nhiều cơ hội chạm đến tượng vàng Oscar, các nhà sản xuất phim cũng dùng đủ 'chiêu trò' và chi ra không biết bao nhiêu tiền của.

>> Những ngôi sao nói không với Oscar 2013
>> Những bất ngờ đáng chờ nhất ở Oscar 2013

Chuyện "vận động hành lang" ở giải Oscar 1
Đoàn làm phim The Artist nhận giải Oscar 2012 cho Phim xuất sắc nhất - Ảnh: AFP

"Chiêu trò" mỗi độ... Oscar về

Trước thềm lễ trao giải Oscar, bao giờ các đoàn làm phim lọt vào danh sách đề cử cũng liên tục xuất hiện trên truyền hình hoặc trước công chúng. Lẽ đương nhiên, các hãng phim Hollywood sẵn sàng chi mạnh tay cho các chiến dịch vận động.

Năm ngoái, nhà sản xuất The Artist còn mang phim đến trình chiếu tại các trường học. Nhà sản xuất phim The Help thì tổ chức hẳn những hội nghị chuyên đề về "phim ảnh thay đổi xã hội". Hãng Warner Bros thành lập trang web riêng, chiếu các đoạn phim ngắn đặc biệt để quảng cáo cho loạt phim về "cậu bé phù thủy" Harry Potter. 

Tuy nhiên, không phải cách thức vận động nào cũng được chấp nhận, có khi còn phản tác dụng.

Đối với những chiến dịch “vận động hành lang”, Viện Hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh và Khoa học Hoa Kỳ (gọi tắt là Viện Hàn lâm) cũng có những quy định riêng, chẳng hạn như cấm những thông điệp mời chào phô trương, có tính hạ bệ những ứng cử viên khác, cấm mời mọc các thành viên của Viện Hàn lâm đến những buổi tiệc xa hoa...

Tại giải Oscar lần thứ 82, Nicolas Chartier, nhà sản xuất của The Hurt Locker, từng bị phạt vì "vận động hành lang" quá đà.

Chartier đã gửi email đến một số thành viên Viện Hàn lâm để thuyết phục họ bầu cho The Hurt Locker, thay vì “một phim 500 triệu USD khác”, cách nói ám chỉ phim Avatar. Khi đó, The Hurt LockerAvatar là hai ứng viên sáng giá cho danh hiệu Phim hay nhất.

Chuyện "vận động hành lang" ở giải Oscar 2
Các nhà làm phim The Hurt Locker tại lễ trao giải Oscar lần thứ 82 - Ảnh: AFP

Viện Hàn lâm cho rằng hành động này đã phạm luật vì có "tính tiêu cực và xúc phạm một bộ phim khác cùng tham gia tranh giải”. Chính vì thế, Chartier đã bị cấm dự lễ trao giải mặc dù The Hurt Locker vẫn đoạt giải Oscar Phim hay nhất năm đó.

 Oscar 2013- lịch sử lặp lại?

Cuộc bỏ phiếu chọn ra những cái tên chiến thắng giải Oscar lần thứ 85 đã chính thức khép lại vào sáng 20.2.

Trước đó là giai đoạn thật sự sôi nổi của giải Oscar khi hãng phim nào cũng mong muốn "phim nhà" thu hút sự chú ý của hơn 5.800 thành viên Viện Hàn lâm, những người sẽ bỏ phiếu chọn ra nhân vật/bộ phim giành chiến thắng ở 24 hạng mục.

Trang Los Angeles Times ước tính hãng Warner Bros (phim Argo) và hãng Walt Disney (phim Lincoln) đã chi khoảng 10 triệu USD cho chiến dịch vận động tranh giải Oscar lần này.

Chuyện "vận động hành lang" ở giải Oscar 3
Đoàn làm phim Argo - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, trang Hollywood Reporter đánh giá cao chiến dịch vận động của đoàn làm phim Lincoln.

Lý do là lúc các đoàn làm phim khác đang mãi bận rộn với những bữa tiệc cocktail và giao lưu thì Lincoln đã thực hiện một chiến dịch gần như hoàn hảo.

Giống như trường hợp Hugo của Martin Scorsese vào năm ngoái, Lincoln đã có màn ra mắt ấn tượng tại Liên hoan phim New York, sau đó là hàng loạt sự kiện quảng bá, ra mắt phim và trở thành "bom tấn" tại phòng vé với 112 triệu USD doanh thu trong nước.

Đặc biệt, phim còn có những buổi chiếu riêng dành cho các thành viên của Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ

Chuyện "vận động hành lang" ở giải Oscar 4
Một cảnh trong phim Lincoln - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn có thể xảy ra, cũng giống như trường hợp của Saving Private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan) tại giải Oscar cách đây 14 năm.

 
Lễ trao giải Oscar lần thứ 85 sẽ diễn ra vào tối 24.2 tại Nhà hát Dolby (Los Angeles, Mỹ) theo giờ địa phương, tức sáng ngày 25.2 theo giờ Việt Nam. Thanh Niên Online sẽ tường thuật trực tuyến lễ trao giải này để phục vụ bạn đọc.

Mặc dù có một chiến dịch "vận động hành lang" khá tốt nhưng bộ phim này lại để mất giải Phim hay nhất cho Shakespeare in Love.

Tuy vậy, Giải cứu binh nhì Ryan vẫn giành về 5 giải Oscar, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn gạo cội Steven Spielberg

Trang Hollywood Reporter cho rằng rất có thể Django UnchainedSilver Linings Playbook sẽ giành chiến thắng ngoạn mục tương tự như Shakespeare in Love mặc dù chiến lược "vận động hành lang" không xuất sắc bằng Lincoln.
 
Đạo diễn Canada gốc Việt Kim Nguyen, người cũng đang bận rộn quảng bá War Witch (tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar 2013), chia sẻ: "Những hoạt động trước thềm trao giải Oscar cũng giống như một chiến dịch vận động tranh cử chính trị vậy".

Ngát Ngọc

>> Diễn viên nhí Afghanistan được quyên tiền đi dự Oscar 2013
>> Brad Pitt ‘hộ tống’ Angelina Jolie nhận giải Oscar
>> Toàn cảnh lễ trao giải Oscar lần thứ 85
>> Những bộ cánh "xấu đau đớn" trong lịch sử giải Oscar
>> Vuột giải Oscar, sao có giỏ quà trị giá 45.000 USD "an ủi
>> Jennifer Lawrence chính thức nhận đề cử giải Oscar

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.