Khi đám tang Hoàng Diệu được đưa từ thành Hà Nội về Gò Nổi, thì Trần Cao Vân khi đó đang là thư sinh 17 tuổi cũng đến viếng. Nhà yêu nước Trần Cao Vân quê làng Tư Phú, tổng Đa Hòa (nay là xã Điện Thọ, H.Điện Bàn, Quảng Nam). Cuộc đời cụ là một chuỗi dài hành động: bị bắt giam ở các ngục Phú Yên, Bình Định do dính dáng đến cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và “vụ án Trung thiên dịch”, bị đày ra Côn Đảo, cùng các đồng chí lập ra “Việt Nam Quang phục hội”, liên lạc với vua Duy Tân để khởi nghĩa năm 1916… Cơ mưu bại lộ, chí sĩ Trần Cao Vân - cố vấn trong chính phủ lâm thời - bị bắt cùng với Phan Thành Tài (thống lãnh quân đội toàn quyền, giữ ấn Kinh lược Nam Ngãi), Lê Đình Dương (Bộ trưởng ngoại giao, giữ ấn Tổng trấn Nam Ngãi), Thái Phiên (Tổng trấn Kinh thành Huế)… Do hai cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên nhận hết trách nhiệm về mình, nên vị vua trẻ yêu nước Duy Tân thoát chết. Khi lên đoạn đầu đài, cụ Trần đã ung dung đọc 4 câu thơ: Trời chung không đội với thù Tây/ Quyết trả ơn vua nợ nước này/ Một mối ba giềng xin giữ chặt/ Thân dù thác xuống rạng đài mây.
|
Người giữ mộ
Nhưng câu chuyện về chí sĩ Trần Cao Vân không chỉ dừng ở tuổi 50 nơi bãi chém An Hòa phía bắc kinh thành Huế. Nhiều tư liệu chép rằng, sau khi chém, thực dân Pháp và triều đình Huế vùi lấp thi thể cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề; đồng thời sai lính canh gác cẩn mật. Năm 1922, con trai cụ Trần xin cải táng nhưng không được. Ba năm sau, một nữ đồng chí tên Trương Thị Dương (làng Tân Điền, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) lén thuê người dời mộ cụ Trần. Khoảng 3 giờ sáng một ngày đầu tháng 5.1925, nhóm của bà Dương thuê đã dời mộ cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên, đặt hài cốt vào chiếc thúng rồi gánh đi (riêng hài cốt cụ Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề cũng đã được người khác chuyển đi mai táng trước đó). Cho mãi đến năm 1956, bà vẫn thường vào Huế thăm mộ. Trước khi mất (năm 1957), bà đã kịp tiết lộ bí mật này cho con cháu, dựng bia nhỏ. Mãi đến tháng 7.1992, tại khu di tích Đồi thông chùa Từ Hiếu (xã Thủy Xuân, TP.Huế), lăng mộ hai cụ chính thức được tu bổ, tôn tạo khang trang. Trên ngôi mộ khắc chữ “Trần Cao quý công, Thái Duy quý công”, chính là những chữ mà cụ bà Trương Thị Dương từng viết lên tấm bia nhỏ từ hàng chục năm trước…
Nơi ra đời “Trung thiên dịch”
Có một ngôi chùa khác ở Quảng Nam cũng in dấu trong cuộc đời chí sĩ Trần Cao Vân. Nằm trên ngọn đồi phía bắc làng Hà Nha (xã Đại Đồng, H.Đại Lộc), chùa Cổ Lâm được người xưa truyền kể là do Minh Hải thiền sư, một nhà sư Trung Quốc xây dựng từ thế kỷ 18 làm nơi trụ trì, thuyết giảng đạo pháp Phật học. Chùa được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh tháng 8.1997. Bia dựng trước chùa ghi rõ: Từ năm 1888 đến năm 1891, chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân mượn hình thức một nhà sư để che mắt kẻ thù đã đến đây hoạt động. Ông chuyên tâm khảo cứu “Trung thiên dịch” và quy tụ nhiều nhà yêu nước trong và ngoài tỉnh để mưu cầu việc giải phóng dân tộc. Đến năm 1891, chùa Cổ Lâm bị thực dân Pháp khám xét, lùng sục. Chí sĩ Trần Cao Vân được các đồng chí của mình bảo vệ và bí mật đưa đi nơi khác để tránh tai mắt kẻ thù… Giai đoạn này cũng được ghi trong cuốn “Quảng Nam, đất nước và nhân vật” (Nguyễn Q.Thắng, NXB Văn hóa, 1996) nhưng có khác biệt chút ít về thời gian. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng, năm 1886 Trần Cao Vân vào tu tại chùa Cổ Lâm rồi ra mở trường dạy học nhằm chiêu tập chiến sĩ. Năm 1892, cụ Trần từ giã Quảng Nam vào hoạt động ở Bình Định, Phú Yên. (sđd, trang 358).
Dù chỉ là giai đoạn ngắn trong một đời hành động xuyên suốt, nhưng ngôi chùa Cổ Lâm cùng với sáng thuyết “Trung thiên dịch” là điểm dừng thú vị để hậu thế nhìn nhận cụ Trần Cao Vân không chỉ là chí sĩ, nhà tổ chức cách mạng mà còn là nhà nghiên cứu, dịch thuật. “Trung thiên dịch”, theo nhiều nhà nghiên cứu, là do cụ Trần Cao Vân phối hợp dịch “Tiên thiên” của Phục Hy và “Hậu thiên” của Văn Vương, tiếc rằng bản thảo này đã thất lạc sau vụ án “yêu thơ yêu ngôn”. Nhưng cụ Trần vẫn kịp để lại một thi phẩm triết học lộ tỏ chí khí và thế giới quan qua bài “Vịnh Tam tài”, được cho là sáng tác tại nhà ngục Huế trước ngày ra pháp trường. Bài thơ độc đáo ở chỗ câu nào cũng có trời - đất - ta (thiên, địa, nhân):
Trời đất sinh ta có ý không/Chưa sinh trời đất có ta trong/Ta cùng trời đất ba ngôi sánh/Trời đất in ta một chữ đồng/Đất nứt ta ra trời chuyển động/Ta thay trời mở đất mênh mông/Trời che đất chở ta thong thả/Trời đất ta đây đủ hóa công.
Như tấm bia trước chùa Cổ Lâm ghi rõ, “ngoài không gian tĩnh mịch, êm đềm, chùa Cổ Lâm còn là nơi có phong cảnh đẹp, phù hợp làm nơi ẩn dật của khách ưu thời, mẫn thế”. Thú vị thay, trong con người hành động của chí sĩ Trần Cao Vân, lại có thời điểm ẩn dật nơi chùa ở quê và được chôn giấu thi thể trong một ngôi chùa cổ khác.
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)