Chuyện về chiếc quan tài người Cơ Tu

06/08/2013 10:31 GMT+7

Xung quanh chiếc quan tài (T’rang) của người Cơ Tu sinh sống tại tỉnh Quảng Nam “dùng” khi về với Yàng (trời) có nhiều câu chuyện thú vị nhưng thấm đẫm tính nhân văn.

Xung quanh chiếc quan tài (T’rang) của người Cơ Tu sinh sống tại tỉnh Quảng Nam “dùng” khi về với Yàng (trời) có nhiều câu chuyện thú vị nhưng thấm đẫm tính nhân văn.

Quà quý của con rể thảo

Anh A Lăng Ngước - một người Cơ Tu bản địa quả quyết, tập tục tặng quan tài cho nhau vẫn còn phố biến trong cộng đồng của dân tộc anh đến ngày nay. Tôi cự, tại sao có nhiều món quà để tặng nhau thì cớ gì lại mang áo quan đến biếu, rồi thì người nhận sẽ phản ứng thế nào khi mang cái “bốn dài hai ngắn” biểu tượng của sự chết chóc đến cho họ. Ngước tỏ vẻ bí hiểm rồi kể lại câu chuyện của chính gia đình mình: “Cách đây 5 năm, khi bố tôi thập tử nhất sinh, anh rể tôi là A Lăng Thương (40 tuổi, trú tại thôn Đào, xã Sông Kôn, H.Đông Giang) đã tặng một chiếc quan tài cho ông. Đến khi bố tôi qua đời, ông đã ra đi thanh thản và ấm cúng trong chiếc quan tài đó. Đó là món quà cuối cùng, một tình cảm thiêng liêng mà anh rể muốn gửi đến bố tôi”.

Người Cơ Tu quan niệm, việc biếu quan tài là một nghĩa cử đẹp trong một số lễ tục cũng như trong đời sống tâm linh. Ngước cắt nghĩa đơn giản: “Người chết cần nhất là chiếc quan tài. Do vậy, cỗ quan cũng quý như nhiều món quà khác vậy. Tặng nhau một chiếc quan tài không phải là để trù ẻo người nhận nhanh chết, mà đó được xem như một điều tốt đẹp thể hiện sự trận trọng nhau”. Và quan tài càng đẹp về hình thức, bền về chất liệu thì càng thể hiện sự chân thành của người tặng. Đặc biệt, nếu chiếc quan tài đó được làm ra bởi chính bàn tay của người tặng thì ý nghĩa hơn.

Quan tài của người Cơ Tu thường được làm từ những thân cây gỗ lâu năm như: lim, gõ, kiền kiền... có đường kính khoảng 50 cm trở lên. Từ một thân gỗ tròn nguyên khối được xẻ làm hai phần, chiếc quan tài được “mặc định” với hai phần riêng biệt. Trong đó, phần trên áo quan được gọi là T’rang Aconh (quan tài bố), phần áo quan phía dưới gọi là T’rang Acăn (quan tài mẹ). Chiếc quan tài được đánh giá đẹp và tinh tế tùy thuộc vào đôi tay của người thợ đẽo quan. Nhưng thường thì các họa tiết được điêu khắc trên cỗ quan phải căn cứ theo mẫu tam giác cân hoặc hình trụ tròn. Theo ông Bh’ríu Quân, cán bộ Huyện ủy Tây Giang, người Cơ Tu các huyện miền tây Quảng Nam hay chọn mẫu quan tài hình tam giác cân để thể hiện các nét chạm, trổ.. Để đồng nhất các nét điêu khắc, chỉ một người có tay nghề cao về nghệ thuật truyền thống của đồng bào tự tay làm.

A Lăng Ngước cho biết thêm, ngoài ý nghĩa thể hiện tình cảm, sự biết ơn giữa con rể với cha mẹ vợ hoặc người thân, tục tặng quan tài còn thể hiện tính cộng đồng rất cao của người Cơ Tu. “Nhiều trường hợp vì quá nghèo không có nổi một cái quan tài để an táng thì vị già làng hoặc một người cao tuổi uy tín trong làng sẽ đứng ra mượn quan tài giúp. Sau khi chôn cất xong, người nhà có người thân vừa mất sẽ trả lại, hoặc có trường hợp người ta tặng luôn chiếc quan tài đó để chia sẻ khó khăn”, Ngước kể: “Tôi cũng từng chứng kiến trong các mối quan hệ sui gia, nhà trai mang chiếc quan tài đến biếu nhà gái. Họ xem như đó là món lễ vật quý. Tuy nhiên, nhà gái thường không đem về nhà ngày mà sẽ đến nhận khi có người thân vừa mất”.

Chuyện về chiếc quan tài người Cơ Tu
Ông Bríu Nga, người tặng nhà mồ khi bố vợ mất - Ảnh: P.G

Tự làm áo quan cho… mình

Đó là món quà mà theo già làng Y Kông (85 tuổi, hiện đang trú tại thôn Tống Coói, xã Ba, H.Đông Giang) là ông muốn tưởng thưởng cho chính bản thân mình khi theo Yàng về bên kia thế giới. Mất hàng tháng trời để tự đẽo cho mình một cái hòm khá ưng cái bụng, suy nghĩ một hồi lâu nữa già mới đặt cho nó cái tên T’rang Ch’ríh (chiếc quan tài kỳ lạ). Chưa hiểu nét văn hóa của đồng bào Cơ Tu dễ lầm tưởng, vị già làng này đang làm điều kỳ dị vì khi không đi đục cho mình cái áo quan mà đến hình thù cũng kỳ dị theo. Nhưng khi biết, người đàn ông Cơ Tu vốn thích tự mình làm lấy quan tài dễ hiểu vì sao ông Y Kông - một người am tường văn hóa bản địa lại công phu với cho chiếc quan tài này đến vậy.

Chiếc quan tài của Y Kông không lạ về cách làm. Nhưng nó lạ và “độc” ở chỗ, Y Kông đã bỏ nhiều thời gian để chạm lên hai đầu thân cây gỗ hình con trâu và hình con voi. Theo ông, con trâu là linh vật xuất hiện nhiều trong đời sống của người Cơ Tu, con voi là biểu tượng của sức mạnh của rừng già, ghép cả hai vào quan tài vì ông muốn có sự trường tồn. Cũng trên cỗ quan này, ông Y Kông còn tạc hai bên hông hình chiếc thuyền độc mộc với lý giải, đời người cũng như con thuyền trôi. “Tìm được cây rừng ưng ý phải có lễ xin trước rồi mới hạ cây, đem về nhà làm quan tài. Năm 2010, tôi phải nhờ mấy chục trai làng kéo gỗ về, sau đó tự tay mình làm tất cả mọi công đoạn, từ đục, đẻo, chạm trổ cho đến sơn phết. Để hoàn thành T’rang Ch’ríh, tôi đã mất 5 thàng ròng”, già Y Kông nói.

Cũng như già Y Kông nhiều già làng người Cơ Tu khác cho biết, người đàn ông thường muốn tự đẽo cho mình một quan tài để “phòng thân” khi ra đi đột ngột. Đơn giản vì, đã là con người thì có sinh có tử, mà tử thì không ai biết trước. Làm sẵn một chiếc quan tài xuất phát tự ý thức của mỗi người đàn ông, bởi họ không muốn liên lụy hay phiền đến xóm làng khi về nơi an nghỉ cuối cùng. Theo lý giải của già Y Kông, chiếc quan tài do chính tay mình làm nên cũng là thể hiện ý chí độc lập của người đàn ông, cũng thông qua đó mà biểu hiện được bản lĩnh của từng người.

“Ngày nay, giao thương rộng mở, một số người Cơ Tu không còn tự đẽo quan tài cho mình nữa. Khi có ma chay, người thâncủa họ thường phải mua quan tài như kiểu của người Kinh. Cho nên, tôi đục cỗ quan tài này còn để trưng bày giúp những người trẻ hiểu hơn về vốn văn hóa của dân tộc mình”, già Y Kông nói.

Làm nhà mồ tặng bố vợ

Ông Bríu Nga (trú tại thôn A Liêng, xã A Ting, H.Đông Giang, Quảng Nam), người được xem là già làng trẻ nhất của người Cơ Tu đã dành tặng một ngôi nhà mồ với lối kiến trúc hết sức độc đáo cho cha vợ mình. Người đàn ông tài hoa này đã dành nhiều tâm sức để dựng nên một nhà mồ với 6 cột, 4 kèo, chạm trổ đầu trâu cực kỳ tinh xảo.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.