Từ cuộc hành trình đầy sóng gió...
Với vốn tiếng Anh bập bẹ, Yan Maing Soe, 22 tuổi - một trong hai ngư dân Myanmar vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại cuộc hành trình đầy sóng gió, tưởng chừng như phải bỏ mạng giữa biển khơi. Soe cho biết, anh đang theo học nghề lái xe tải tại Yangoon (Myanmar). Do cuộc sống gia đình khó khăn, anh phải tạm nghỉ học để tìm việc làm kiếm sống, phụ giúp gia đình. Đầu tháng 5.2009, người bạn của Soe là Ye Min Maing (25 tuổi) - một người có thâm niên lao động trên biển rủ anh đi làm trên một tàu đánh cá Thái Lan (không rõ số hiệu). Ngoài 2 người Myanmar là Soe và Maing, trên tàu cá có 6 thuyền viên khác là người Thái Lan.
Sau 3 tháng hành nghề trên biển, do bất đồng trong thanh toán tiền lương và mâu thuẫn trong sinh hoạt giữa nhóm thuyền viên Thái Lan và Myanmar, nên khoảng 12 giờ ngày 1.8, trong khi đang ngồi ăn cơm trên tàu, anh Maing bị nhóm thuyền viên trên tàu đẩy xuống biển. Thấy vậy, anh Soe quơ vội 5 phao cứu sinh nhảy xuống biển theo bạn.
Theo trung tá Nguyễn Văn Đỏ, Đồn trưởng Đồn biên phòng 456, ngoài vụ cứu sống hai ngư dân Myanmar, ngư dân Bình Thuận từng cứu giúp các ngư dân nước bạn. Cụ thể, ngày 18.1.2006, ông Mai Bá Ngọc, ngụ P.Bình Tân, thị xã Lagi là thuyền trưởng thuyền BTh 99433TS cứu sống một người nước ngoài quốc tịch Thái Lan (45 tuổi) tên là Lăm Mun Khu Phướm đang trôi dạt trên biển (cách cửa biển Lagi khoảng 350 hải lý); ngày 22.7.2006, thuyền BTh 0459TS, do ông Hồ Văn Ri (SN 1966), ngụ Phước Lộc, Lagi (Bình Thuận) làm thuyền trưởng đã cứu sống một thuyền viên quốc tịch Campuchia, tên là Yan, sinh năm 1987 cũng đang trôi dạt trên biển, trong tình trạng nguy kịch, đuối sức. |
Sau 2 ngày trôi dạt trên biển, 4 giờ ngày 4.8, hai ngư dân nước ngoài được thuyền BTh 0644TS, do ông Trần Liên (SN 1958, trú KP 8, Phước Hội, Lagi) làm thuyền trưởng cứu trên vùng biển thuộc tỉnh Cà Mau, trong tình trạng nguy kịch, đuối sức; toàn bộ cơ thể bị phồng rộp, da bong tróc do tiếp xúc với nước biển và ánh sáng mặt trời quá lâu. Anh Soe bị ngất xỉu vì kiệt sức. Sau khi được các thuyền viên VN sơ cứu, hai thuyền viên Myanmar đã dần tỉnh lại.
Do còn hành nghề trên biển, nên vào lúc 9 giờ ngày 6.8, tại tọa độ 07029’ độ vĩ bắc - 104005’ độ kinh đông, cách Hòn Khoai (Cà Mau 60 hải lý về phía tây nam) ông Liên đã nhờ thuyền BTh 1033TS, do ông Huỳnh Văn Thân (trú KP 10, Bình Tân, Lagi) làm thuyền trưởng đang trên đường đánh cá trở về, đưa giúp hai thuyền viên nước ngoài vào đất liền. Vào lúc 12 giờ 30 ngày 9.8, ông Thân đã bàn giao hai ngư dân nước ngoài cho Đồn biên phòng Phước Lộc 456 (thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận) thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận.
...đến vùng đất đầy ắp tình người
Trưa 27.8, khi chúng tôi đến Đồn biên phòng Phước Lộc 456, cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ tại đây đang tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 22 cho Yan Maing Soe và kết hợp lễ ra quân cho 4 chiến sĩ hết thời hạn phục vụ tại ngũ. Căn phòng truyền thống của Đồn biên phòng 456 như vỡ òa khi các cán bộ, chiến sĩ cùng hai người bạn nước ngoài cất lên bài Happy birthday. Buổi mừng sinh nhật đơn sơ, chỉ có bánh, kẹo và nước trà, nhưng mọi người vẫn cảm thấy vui vẻ. Nhận những lời chúc mừng sinh nhật và món quà đơn sơ của các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 456 tặng, Yan Maing Soe tỏ ra xúc động và chỉ biết nắm tay từng người, thốt lên những câu tiếng Việt: “Cám ơn anh! Cám ơn anh!...”.
Đại úy Trần Quang Vinh, Chính trị viên phó kiêm Bí thư Chi đoàn Đồn 456 kể lại: Sau khi tiếp nhận hai người bạn từ ngư dân, Đồn biên phòng đã đưa Soe và Maing đến Bệnh viện thị xã Lagi để kiểm tra sức khỏe ban đầu. Sau đó, ban chỉ huy đồn biên phòng đã bố trí chỗ ăn, ở, đồng thời cử người ra chợ mua sắm quần áo, những vật dụng sinh hoạt cá nhân hằng ngày cho hai người bạn mới.
Khi chúng tôi hỏi cảm nghĩ của hai ngư dân gặp nạn về những người bạn mới ở VN, cả Soe và Maing đều đưa ngón tay lên và nói: “Police Việt Nam, very good!” và liên tục nói câu “Cám ơn”, “Cám ơn” bằng tiếng Việt lơ lớ.
Niềm vui của Soe và Maing như được nhân lên gấp bội khi được Ban chỉ huy đồn biên phòng thông tin dự kiến ngày 31.8, cả hai sẽ được cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận bàn giao cho Đại sứ quán Liên bang Myanmar để trở về đoàn tụ với gia đình. Nghe tin này, cả hai ngư dân nước ngoài không cầm được nước mắt và chạy đến ôm chầm từng cán bộ, chiến sĩ và nói hai chữ quen thuộc: “Cám ơn, cám ơn!”.
Trước giờ sắp chia tay hai người bạn nước ngoài, chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn thấy trung úy Nguyễn Ngọc Bình, Đội trưởng Đội trinh sát Đồn biên phòng 456, lần móc trong bao ni-lông ra từng mảnh giấy tờ tùy thân của Soe và Maing, vừa được phơi khô, sau đó đem đi ép nhựa cho thẳng thớm, trước khi trao trả lại cho khổ chủ.
Chiều 26.8, ông Trần Liên, thuyền trưởng thuyền BTh 0644TS cùng các thuyền viên đã đến thăm hỏi và tặng quà cho Soe và Maing. Vừa nhìn thấy những ân nhân cứu sống mình, Soe và Maing vội chạy đến, hai tay chắp trước ngực cúi lạy và nói “Cám ơn, cám ơn” trong nước mắt. Còn ông Trần Liên, khi được hỏi về cảm nghĩ của ông khi cứu vớt hai ngư dân nước ngoài đang trôi dạt trên biển, ông chỉ nói gọn: “Đó là bổn phận và trách nhiệm của mỗi ngư dân VN khi thấy người gặp nạn trên biển”.
Minh Nam
Bình luận (0)