Trên nấm mồ của nhà báo liệt sĩ Nguyễn Hồng, người viếng mộ thường thấy có một lon sữa đặt cạnh bát hương. Người luôn cúng bạn mình bằng hộp sữa ấy chính là nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Chuyện bắt đầu từ một đợt cõng hàng tại làng Tràng Chổi, xã Trà Cang (H.Trà My, tỉnh Quảng Nam) vào tháng 7.1971.
Cuộc đi B của các nhà văn tương lai
Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất vì sau tổng tiến công Mậu Thân 1968, Mỹ và quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ tăng cường vây ráp, đẩy các lực lượng vũ trang quân giải phóng vào tận rừng sâu. Chính trong giai đoạn khó khăn ấy, một lớp nhà văn mới ngoài 20 tuổi chuẩn bị lên đường đi B. Họ là lứa sinh viên khoa Văn và khoa Lịch sử thuộc hai trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa mới tốt nghiệp hoặc còn đang học dở dang năm cuối cùng.
Trước khi vượt Trường Sơn để vào Khu 5 hoặc vào tận Nam bộ, vào tháng 8.1970, Hội Nhà văn Việt Nam có mở một khóa bồi dưỡng viết văn tại Quảng Bá (Hà Nội). Để được tham dự lớp viết văn này, ngoài việc các học viên đã qua chương trình đại học hoặc đang dở dang năm thứ 4, họ phải là những người có năng khiếu viết văn, làm thơ và đã bộc lộ qua tác phẩm được đăng trên các tờ báo và tạp chí văn học uy tín lúc bấy giờ. Lớp nhà văn tương lai này được các đàn anh như Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân… hằng ngày lên lớp để bổ sung những kiến thức còn thiếu mà họ chưa kịp học ở trường cũng như từ thực tế. Đó là các cây bút trẻ, sau này thành danh như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng… Có những người sau này trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp trong Đảng như Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Đức Hạt - nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương. Lại cũng có người đi theo nghề báo như Nguyễn Trung Kiên (nguyên Tổng biên tập Báo Bình Ðịnh), Hoàng Trà (nguyên Tổng biên tập Báo Quảng Nam)…
Nguyễn Hồng là một trong những thành viên của lớp viết văn này và đã trở thành nhà báo. Anh luôn hừng hực bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng đến những nơi nguy hiểm nhất của chiến trường vào thời điểm ấy. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm, bạn cùng lớp với Nguyễn Hồng nhớ lại: "Hồng quê Hà Tĩnh, học khóa 12 khoa Văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh là người thẳng tính, bộc trực và khá quyết liệt trong đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Anh em chúng tôi đặt cho anh thêm cái đuôi phía sau là "Hồng vệ binh". Vào đến chiến trường Quảng Nam, Hồng xin đi thực tế ngay. Sau chuyến đi, anh có ngay tác phẩm Ðêm cao điểm là bút ký viết về bộ đội đặc công tham gia trận đánh vùng An Khê. Tác phẩm này đã được giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc bấy giờ".
Những kỷ niệm chiến trường
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm kể: "Giai đoạn ấy, chúng tôi hay đi cõng hàng. Là nói cho oai vậy chứ thực chất là đi gùi củ mì trên các rẫy của đồng bào thiểu số về chống đói. Vì dạo ấy vùng giải phóng bị thu hẹp, chúng tôi bị đánh bật khỏi địa bàn đồng bằng nên đói kinh khủng. Đi cõng hàng rất vất vả vì phải ngược nhiều con dốc, song suất ăn mang theo chỉ là một gói cơm mà chủ yếu là củ mì độn vài hạt gạo. Nhớ có lần tôi, Nguyễn Hồng và Nguyễn Bảo (nguyên Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội - NV) đi cõng sắn ở nóc Ông Giang thuộc xã Trà Leng, H.Trà My.
Ba đứa mang theo một gói cơm độn toàn củ sắn. Đến trưa, chúng tôi vừa leo lên khỏi một con dốc cạnh Bệnh viện dã chiến (tiền thân của Bệnh viện C Đà Nẵng hiện nay) ngồi nghỉ và lấy gói cơm "tiêu chuẩn" đó ra ăn. Chuẩn bị ăn thì thấy dưới dốc có một anh cán bộ đi lên. Thói quen của mấy thanh niên miền Bắc vừa vào chiến trường, chưa quen với "phong tục" của dân địa phương nên Nguyễn Hồng đã "mời cơm" anh cán bộ nọ. Chỉ là "mời xã giao" nhưng anh cán bộ kia đã "ngồi ngay vào mâm" và ăn rất thật tình. Chúng tôi đành phải san sẻ gói cơm độn củ ít ỏi ấy ra để cùng ăn. Vốn dĩ, 3 người ăn một gói cơm "tiêu chuẩn" ấy đã không thấm vào đâu, giờ lại thêm một người nữa nên thiếu lại càng… thiếu. Sau bữa cơm giữa con dốc ấy, mấy anh người Quảng Nam mới "vỡ vạc" cho Nguyễn Hồng: "Từ nay, tuyệt đối không được mời mọc kiểu "xã giao" nếu thấy không cần thiết vì người miền Nam rất thật thà. Thấy mình mời "nhiệt tình" là họ ăn thôi chứ không giữ kẽ".
Cũng trong một chuyến gùi hàng tại xã Trà Cang (H.Trà My), Nguyễn Hồng, Nguyễn Bá Thâm và Nguyễn Bảo có một kỷ niệm nhớ đời, trở thành nỗi ám ảnh suốt mấy chục năm qua đối với nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Hôm ấy, ba anh em vừa qua khỏi con dốc, ghé vào một "trạm gác", thực chất là căn chòi ven đường. Đang mắc võng nằm nghỉ lấy sức, cái đói đang réo sôi trong bụng ba chàng thanh niên thì bất ngờ, Nguyễn Hồng phát hiện một vỏ lon sữa bò vất lăn lóc trong góc căn chòi. Anh nhặt lên và thấy vẫn còn một ít sữa dưới đáy lon. Nguyễn Hồng vội nhóm bếp để "nấu" số sữa này. Mùi sữa thì ít mà mùi gỉ sắt từ vỏ lon thì nhiều. Thế nhưng, kể từ ngày vào chiến trường, đó là lần đầu tiên họ mới biết đến mùi sữa! Cái đói luôn ám ảnh lấy những nhà văn, nhà báo này. Họ luôn khao khát những ngày hòa bình, đất nước thống nhất và được tiếp cận với đồng bằng. Và trong một lần "tiếp cận" như thế vào cuối năm 1973, nhà báo Nguyễn Hồng đã ngã xuống trong một trận chống lấn chiếm sau Hiệp định Paris.
Nhắc lại những kỷ niệm trên, nhất là lý do vì sao trên mộ nhà báo Nguyễn Hồng luôn có hộp sữa, nhà văn Nguyễn Bá Thâm đã làm cho nhiều văn nghệ sĩ Khu 5 thời chiến tranh xúc động khi họ có dịp về nguồn thăm lại chiến trường xưa vào tháng 5.2022.
Rồi ông kết luận: "Những trang viết thời chúng tôi ở chiến trường luôn thấm đẫm những gian truân, đói khổ. Và để có những trang báo nóng hổi, có khi chúng tôi phải đổi bằng chính mạng sống của mình. Nhà báo liệt sĩ Nguyễn Hồng đây là một trường hợp như thế".
Bình luận (0)