|
Hy sinh vì đất mẹ
Trong tập truyện ký Đất lành tụ nghĩa, cố nhà văn Trình Minh có nhắc đến hai anh em ruột lai Tây con của một người trí thức gốc Pháp là Lê Thị Xi (Ba Sy) tham gia chống Mỹ và hy sinh trên Núi Dài (H.Tri Tôn, An Giang) ở tuổi 31.
|
Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về cô Tây lai chống Mỹ vẫn còn lưu truyền ở vùng Bảy Núi. Ông Phan Văn Mì, nguyên Bí thư Huyện ủy Tri Tôn, nhớ lại: “Chị Ba Sy rất đẹp, dáng cao thanh tú, mắt nâu đục, tóc vàng hoe, mũi cao nhìn là biết Tây liền. Lúc ấy, nhiều anh em ngạc nhiên lắm bởi có người Tây tham gia kháng chiến”. Về cái tên người đẹp “bom bi”, ông Mì cho biết lúc đó giặc tập trung bom đạn tấn công căn cứ Núi Dài ác liệt, rải bom bi là bom có sức sát thương lớn thời ấy. Chị Ba Sy là nữ nhưng vẫn hăng hái cùng du kích, dân quân, bộ đội đi lượm bom về cưa lấy thuốc đạn chế tạo lại vũ khí nên nhiều người gọi chị là người đẹp “bom bi”.
Gợi nhớ lại chuyện xưa, ông Mì kể tiếp: “Một ngày của tháng 3.1969, chị Ba Sy dìu một chiến sĩ bị thương nặng vượt qua núi đến chỗ cứu thương. Bất ngờ máy bay địch quần thảo thả bom, bắn đạn dữ dội, chị Ba Sy trúng đạn hy sinh trên núi. Tôi và đồng đội hay tin đã lên chôn xác chị trên triền núi. Sau đó, hai lần phần mộ chị Ba Sy bị trúng bom đạn của giặc ”.
Ông Mì cho biết Ba Sy còn người anh ruột là Hai Sạt, tức Lê Văn Sạt là đại tá Quân đội nhân dân VN đã nghỉ hưu, hiện đang sống tại TP.HCM. Ông Mì kể sau giải phóng, ông Sạt nhiều lần về chiến trường xưa thăm đồng đội. Khi nhắc đến Ba Sy, ai nấy đều thương và cảm mến người con gái xinh đẹp đã hòa xác thân vào đất mẹ.
Tự hào là con dân Việt
Chúng tôi tìm đến căn nhà riêng của ông Hai Sạt ở đường Nguyễn Minh Hoàng (P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM). Hai Sạt cho biết Ba Sy tên tiếng Pháp là Védrenne Lucie, sinh năm 1938 tại xóm Hòa Hưng (Sài Gòn). Ông và Ba Sy là con của bà Lê Thị Ngọc Dung (quốc tịch VN) và ông Adrenne Marcel (quốc tịch Pháp). Ông Hai Sạt kể mẹ mất lúc anh em ông mới vài tuổi. Năm 1944, cha ông quyết định trở về Pháp sống, ông và Ba Sy quyến luyến VN nên xin ở lại quê ngoại Tri Tôn (An Giang).
Nhắc đến kỷ niệm xưa, ông Hai Sạt kể về thời thơ ấu nơi quê ngoại với biết bao kỷ niệm. Do ngoại hình đặc biệt, với mái tóc vàng hoe nên hai anh em ông được người ở xóm gọi là Tây Sạt. Năm 1947, Hai Sạt tham gia kháng chiến sau đó tập kết ra Bắc, lúc ấy Ba Sy quấn quýt không muốn xa anh. Hai Sạt khuyên em ở lại chiến đấu cùng anh em. Ông lên đường ra Bắc mà đâu ngờ đó là lần chia tay vĩnh viễn.
Ông Sạt nói:“Tôi nhớ Ba Sy tướng cao ráo, mặt trái xoan, tóc vàng, giống cha nhiều hơn tôi. Lúc em nó hy sinh, tôi đang ở ngoài Bắc nên đâu có hay. Đến năm 1973, tôi trở về Nam mới biết tin. Năm 1999, tôi đã đưa cốt em về nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM. Ba Sy và tôi rất tự hào là con dân Việt, chọn đất mẹ VN để sống và cống hiến”. Chúng tôi ngỏ ý tìm tấm ảnh cô Ba Sy chụp lại nhưng nét mặt ông buồn. Ông Hai Sạt trầm ngâm vì khi con cháu nghe chuyện cô Ba Sy dũng cảm kiên cường đều nằng nặc đòi xem ảnh cho biết mặt. Bản thân ông đã nhiều lần về Tri Tôn tìm gặp các đồng đội của Ba Sy để tìm xem có ai lưu lại hay chụp ảnh chung, ông xin về làm kỷ niệm nhưng đều không có. Ông kể tiếp, rồi ngóng tin nghe đồn ai là người yêu của Ba Sy, ông bèn tới dọ hỏi nhưng thất vọng. Bởi có nhiều người ngỏ ý nhưng Ba Sy cứ chối, bảo rằng chuyện hôn sự phải chờ anh Hai Sạt quyết định...
Thanh Dũng
Bình luận (0)