Tình yêu của NSƯT xiếc Phi Vũ dành cho vợ - diễn viên Ngọc Hương bắt đầu từ tai nạn sau lần biểu diễn ở miền Trung.
>> Kỳ 4: Ba thập niên trên lưng ngựa
Được con gái bà chủ gánh xiếc chăm sóc
Giọng Huế nhỏ nhẹ, Phi Vũ cười lớn khi nhắc lại chuyện vợ chồng: “Năm 1980, tôi bất ngờ bị tai nạn khi đang diễn tận Ninh Hòa cùng đoàn Xiếc Độc Lập. Một tháng trời nằm viện, cô con gái của bà chủ đoàn xiếc này (sau đổi tên là Tuổi Trẻ, tiền thân của đoàn Xiếc TP.HCM ngày nay) chăm lo cho tôi từng chút một. Kết quả là giờ đây gia đình nhỏ của tôi đã có thêm 2 thành viên, con trai đang học ĐH Tôn Đức Thắng năm thứ 4, con gái 12 tuổi. Cả hai đứa từng chứng kiến những lần tôi suýt chết vì xiếc nên sợ. Nghề này quá nhọc nhằn nên tôi không cố ép chúng. Đứa nào thích thì theo thôi. Con trai Hữu Kha và con gái Như Quỳnh đều có năng khiếu với xiếc, đặc biệt là uốn dẻo”.
Dù quá khó khăn với nghiệp mà mình đã theo, nhưng Phi Vũ không ngồi đó mà than thân trách phận. Anh cùng anh em nghệ sĩ bắt tay vào sáng tác nhiều tiết mục xiếc mới, gắn với kịch, cải lương để thu hút khán giả, đổi mới mô hình biểu diễn. Những vở do anh dàn dựng phần tạo hình xiếc như Romeo & Juliet, Mụ phù thủy và chiếc đũa thần, Cuộc phiêu lưu trên hoang đảo... được khán giả đánh giá cao vì sự đột phá trong sáng tạo, đưa xiếc gần gũi hơn với người xem. |
Là con út trong gia đình có 10 anh chị em, Phi Vũ được các anh khuyến khích theo nghề xiếc từ bé vì anh giỏi leo trèo, giữ thăng bằng. Mới 11 tuổi, Phi Vũ nổi tiếng xứ Huế nhờ tài múa lân, leo cột. Các anh Phi Vũ đều là những nghệ sĩ xiếc thành danh tại TP.HCM như Phi Hùng, Phi Lâm. Hiện 4 con vừa trai vừa gái của 2 người anh đang làm việc chung với chú Phi Vũ trong đoàn Xiếc TP.HCM.
Năm 1978, Phi Vũ theo chân các anh vào Sài Gòn học nghề xiếc và bắt đầu biểu diễn. Anh tự hào khoe: “Cả gia đình nội ngoại đều theo nghề xiếc. 2 người chị và 1 em trai của vợ cũng là diễn viên xiếc”. Những tưởng cả nhà theo nghiệp xiếc, cuộc sống của gia đình Phi Vũ sẽ khấm khá nhưng cuộc đời khác xa với sân khấu. Năm 1990-1991 khi phim truyện video của Đài Loan, Hồng Kông tràn ngập thị trường thì cũng là lúc nghệ thuật xiếc nói riêng và ca múa nhạc nói chung lâm vào giai đoạn hẩm hiu nhất. NSƯT Phi Vũ buộc phải tìm cách mưu sinh. Anh làm thợ gò hàn rồi chuyển sang công nhân bốc xếp ở Bến xe Miền Tây. Nhọc nhằn thế nhưng không làm vợ chồng Phi Vũ bỏ nghề. Năm 1993 khi tình hình sân khấu khả quan hơn, vợ chồng anh quay lại với đam mê của đời mình. Phi Vũ từng là nhân vật chính của chương trình truyền hình Câu chuyện ước mơ phát sóng năm 2009 trên Đài truyền hình TP.HCM dành cho những gia đình nghèo. Một câu chuyện đầy cảm động của người NSƯT vươn lên khỏi số phận, bám nghề, bám sân khấu.
|
Một nhà hát xiếc trong mơ
Là nghệ sĩ xiếc đầu tiên ở miền Nam được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1997, Phi Vũ ngậm ngùi: “Xiếc là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi tài năng và lòng đam mê. Với cách quản lý hiện nay, tôi tin nghệ thuật này sẽ dần mai một. Giờ đây nhiều gia đình biết con em mê xiếc đã dứt khoát từ chối, không cho theo nghề vì quá nguy hiểm mà thu nhập thực sự chẳng đủ sống. Sở VH-TT-DL TP.HCM đã ra quyết định sáp nhập đoàn Xiếc TP.HCM với đoàn Múa rối thành phố. Theo tôi, việc này không hợp lý vì xiếc nên gắn với ảo thuật, còn múa rối là loại hình nghệ thuật khác, không nên kết hợp với xiếc. Muốn nghề này phát triển, các vị lãnh đạo cần có kế hoạch lâu dài, phát triển chuyên sâu hơn là cách làm đối phó tình thế như hiện nay. Anh em nghệ sĩ xiếc đang hoang mang. Cuộc sống thiếu hụt, họ còn theo nghề vì tình yêu xiếc. Giờ tương lai mù mịt khiến ai cũng nản lòng. Bạn bè tôi - thế hệ nghệ sĩ từng tốt nghiệp xiếc ở Liên Xô trước đây - đã bỏ nghề gần hết”. Phi Vũ tâm sự, diễn viên xiếc mất từ 6 tháng đến 1 năm để tập tiết mục mới, hàng “sao” xiếc như anh cũng chỉ lĩnh cát sê 35.000 đồng/tiết mục.
|
Tiếng ồn ào trong nhà bạt rạp xiếc Công viên 23.9, TP.HCM vọng ra. Phi Vũ buột miệng: “Nhiều lúc tủi thân lắm. Cả đời cống hiến cho nghệ thuật, giờ nhìn lại chẳng được gì. Gia đình tôi thừa nhân lực thành lập đoàn xiếc tư nhân nhưng đào đâu ra vốn liếng, kinh phí để vận hành? Xã hội hóa xiếc cực khó vì đòi hỏi phải đầu tư lớn. Chẳng nhà đầu tư hay ông bầu nào dám bỏ tiền vì hiệu quả kinh doanh thấp. Còn nghệ sĩ xiếc thực thụ lấy đâu ra tiền mà đầu tư. Mơ lắm một nhà hát xiếc để có thể làm được như những gì đoàn xiếc quốc tế Cirque du Soleil (Xiếc mặt trời) đã từng. Lúc đó nghệ thuật xiếc mới được nâng đúng tầm nghệ thuật. Còn bây giờ mình diễn cứ như gánh hát rong”.
Tôi nhìn phía sau gáy của NSƯT Phi Vũ. Cổ anh vẫn còn sưng tấy, phải bóp thuốc do bị trật gân lúc luyện tập một tiết mục mới. “Chỉ khi nào sức khỏe cạn kiệt mới bỏ nghề, còn không thì tôi vẫn diễn. Xa sân khấu, xa ánh đèn nhớ lắm!”, Phi Vũ chia sẻ.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)