>> Kỳ 5: Nhiều lần suýt chết vì xiếc
Họ là những cô gái mê xiếc đến nao lòng. Nhìn họ kiên trì tập luyện mới hiểu để xuất hiện vài phút trên sân khấu, những nữ diễn viên này phải đổ không ít mồ hôi.
Nhiều cú té nhớ đời
Diệu Hiền trông còn trẻ so với tuổi 26. Cô là lớp học trò đầu tiên của nghệ sĩ xiếc Phi Sơn những năm 1998. Trước đây cô theo học thể dục nhào lộn nhưng rồi năm 13 tuổi bỗng “bén duyên” với xiếc nên tầm sư học đạo.
Trước đó, từ Đà Nẵng, Diệu Hiền theo gia đình vào tận Củ Chi lập nghiệp. Hằng ngày, cô kiên trì đạp xe mấy chục cây số về trung tâm để học và tập luyện xiếc. Có hôm được gia đình chở, hôm phải tự đi một mình. Diệu Hiền hiện là một trong những nữ diễn viên xiếc chủ lực của đoàn Xiếc TP.HCM. “Hằng ngày tập một vài tiếng, sau đó nghỉ ngơi để tối diễn”, Hiền cười cho biết. “Lần dự thi Liên hoan Xiếc toàn quốc 2006 ở Huế, tôi bị té một cú rất nặng, chân đập vào cạnh bàn máu tuôn xối xả, phải nhập viện khẩn cấp. Sinh nghề, tử nghiệp là chuyện bình thường”, Hiền nói bằng giọng tỉnh rụi. Nhìn dáng vóc nhỏ bé bên ngoài ít ai ngờ cô gái lại có nội lực mạnh mẽ đến thế.
Hiền kể lần khác cô đang diễn tiết mục đu dây cùng 3 nghệ sĩ nữ khác, bất ngờ móc bảo hiểm bị tuột, té đập mặt và hông xuống đất. “Lúc đó tôi quên cả đau, nhào ra sân khấu tiếp tục hoàn thành nốt phần biểu diễn của mình. Ngồi sau cánh gà, tôi bật khóc vì đau nhói nơi cổ tay, không thể cử động được. Khán giả đâu ai biết được nỗi đau của nghệ sĩ, nhất là giới nữ như chúng tôi. Đó là chưa kể đến chuyện “đến tháng” của phụ nữ. Nhiều hôm mắc kẹt mà vẫn tung người trên dây, leo trèo nhảy múa. Đêm về thân thể rã rời”. Diệu Hiền thường xuyên diễn các màn: hình tượng đôi, xe đạp một bánh, xà đơn, đu dây… Thỉnh thoảng cô cũng chạy thêm sô bên ngoài để cải thiện thu nhập. “Nhìn vậy chứ cát sê diễn viên xiếc “bèo” lắm. Nói không ai tin chứ một tiết mục diễn viên chỉ nhận vài chục ngàn thôi. Nhiều lúc diễn mà xót xa lắm. Đời nghệ sĩ cũng rực rỡ dưới ánh đèn màu mà sao nghệ sĩ xiếc hẩm hiu đến lạ!”, Diệu Hiền kết luận.
Lớp trước truyền nghề lớp sau
Trong cái nóng hầm hập của Sài Gòn, những diễn viên xiếc tập luyện ngay tại rạp xiếc TP.HCM ở Công viên 23.9. Mồ hôi nhễ nhại trên mặt và lưng nhưng ai cũng tập trung cho công việc của mình. Nơi góc khuất, Mỹ Hạnh (34 tuổi) lặng lẽ tập màn ngậm kiếm. Chị tập trung cao độ vì sai sót một chút thôi, lưỡi kiếm có thể cắm vào cổ họng hay ngực. Trưởng nhóm Bích Liên (37 tuổi) đang chỉ dạy đàn em như Trúc Vi (18 tuổi), Thanh Hoa (21 tuổi), Khả Văn (15 tuổi) những động tác uốn dẻo khó, đòi hỏi sức mạnh cơ bắp và sự dẻo dai khi xếp chồng lên nhau.
|
|
“Mới mấy tuổi đầu tôi đã gia nhập đội xiếc Nhà văn hóa Thiếu nhi TP.HCM, sau đó về đoàn Xiếc TP.HCM. Vậy mà đã 21 năm rồi. Cả tuổi thanh xuân của tôi đều ở đây. Lấy chồng sinh con cũng từ đây. Chồng tôi, Hoàng Vinh hiện là diễn viên xiếc của đoàn. Con trai 14 tuổi đang đi học cũng mê xiếc lắm nhưng tôi chưa cho tập vì để cháu tập trung học hành”, Bích Liên thổ lộ.
Bích Liên rất giỏi tiết mục lắc vòng. Một mình chị có thể điều khiển cả mấy chục chiếc vòng sắt xoay tròn theo nhịp từ đầu đến chân. Trong khi Hoàng Vinh chuyên đi xe đạp một bánh trên dây và tung hứng. “Nói bạc bẽo thì không hẳn nhưng diễn viên xiếc ai cũng chạnh lòng với nghiệp đã chọn. Tuy vậy, nghề này đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui dù thu nhập còn thấp. Khi xuất hiện trước công chúng nước ngoài, chúng tôi tự hào lắm vì mình thực hiện nhiều động tác khó, không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. Còn nghề nào cũng có lúc thăng lúc trầm. Nghệ sĩ xiếc không thể vụt sáng như một ngôi sao ca nhạc được vì buộc phải có sức mạnh của tập thể mới thành công trong một tiết mục. Đã làm nghề thì phải yêu nghề. Trong lúc diễn chợt thấy ấm lòng khi nhìn xuống hàng ghế khán giả, tôi nhận ra nhiều gương mặt hằng tuần đều đến đây xem. Tình yêu của họ với bộ môn nghệ thuật này là bất biến, đặc biệt các em nhỏ”.
Cũng như đa số ước mơ của nhiều nghệ sĩ khác, Bích Liên, Mỹ Hạnh, Trúc Vi, Thanh Hoa, Khả Văn đều mong một nhà hát xiếc để yên tâm làm nghề. Họ thiết tha kiến nghị UBND TP.HCM và Sở VH-TT-DL TP.HCM sắp xếp, bố trí cho một địa điểm để “an cư lạc nghiệp”, từ đó mới có thể nâng tầm về chất lượng nghệ thuật cho bộ môn đang dần bị mai một này.
Tôi chia tay cả nhóm mà trong đầu vẫn còn vang mãi lời tâm sự của nghệ sĩ Bích Liên: “Một nhà hát xiếc cứ mãi xuất hiện trong những giấc mơ của tôi trong 21 năm dài, từ khi tôi chỉ là cô bé tuổi ô mai đến với nghệ thuật xiếc, giờ đã là một phụ nữ trung niên, có chồng con mà vẫn chưa toại nguyện. Tôi đâu ngờ sự thờ ơ, vô cảm đã dần đốt cháy hết giấc mơ của chúng tôi”.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)