Nằm dưỡng bệnh tại nhà riêng ở Bình Thới, Q.11, TP.HCM nhưng khi hỏi về nghề, máu nghệ sĩ trong ông trỗi dậy.
Chống chọi với bệnh tật
Bước sang tuổi 76, ảo thuật gia Tony Quang bất ngờ lâm trọng bệnh. Tuổi già cộng với những năm tháng bôn ba với nghiệp diễn đã quật ngã ông. Mới tháng trước thôi còn ra sân khấu mà bây giờ ông đành chịu nằm đây, ăn uống, sinh hoạt đều một tay vợ lớn, bà Nguyễn Thị Phấn (74 tuổi) chăm nom.
Giọng thều thào, thân thể gầy yếu, song đôi mắt ông vẫn sáng khi nhắc đến ngày xa xưa. Năm 1956, theo học nghề ảo thuật của thầy Tony Jatcotlole (Pháp) tại Sài Gòn. Nhớ ơn thầy, ông lấy nghệ danh Tony Quang từ đó.
Bàn tay bà Phấn nhẹ nhàng xoa bóp cho chồng, trong khi bà Nguyễn Thị Lan (tự Lan Đài, 60 tuổi) ngồi cạnh trả lời thêm những thông tin xoay quanh cuộc đời Tony Quang. Bà Lan là bạn diễn của ông trong những năm 1960 - 1970. “Xem ông diễn, khoái quá nên xin theo phụ. Riết rồi thương ổng lúc nào chẳng biết và chấp nhận làm vợ lẻ, sinh thêm 2 đứa con”, bà Lan kể. Bà Phấn chẳng ghen tị mà ngược lại còn lo cho gia đình thứ hai của ông dù bà đã sinh cho ông 10 người con cả trai lẫn gái, giờ đa số đều sinh sống ở nước ngoài. “Cháu cố đã 12 đứa, còn cháu nội ngoại đông lắm, không nhớ hết”, bà Phấn cười.
Nhắc đến Tony Quang, khán giả yêu ảo thuật Sài Gòn mấy mươi năm trước hẳn còn nhớ đến những trò như Thôi miên (cô gái lơ lửng trên ngọn tre), Màn đen (biến hóa mọi thứ trên sân khấu tối mịt) hay Cưa người... Thời đó và cả sau ngày hòa bình, hằng đêm ông vẫn đóng đô thường xuyên ở rạp Lệ Thanh B trên đường Trần Hưng Đạo.
Với ông, ảo thuật là máu thịt. Ông thừa nhận những trò ảo thuật có thể nhiều người biết nhưng cái “duyên” trên sân khấu không phải ai làm cũng được. Nhiều lần ông tưởng “bể mánh” khi diễn với bồ câu vì chúng không làm theo ý muốn nhưng ông biết cách chuyển sơ sót đó thành sự chủ động, để khán giả không nhận ra. “Ảo thuật là nghề đòi hỏi sự tỉnh táo, dứt khoát không được uống rượu trước khi diễn. Khán giả xem ảo thuật đều hết sức tập trung để cố phát hiện sai sót hay tìm ra cách lý giải từng trò. Nếu chỉ một lần mình sẩy tay thôi, khán giả sẽ quay lưng”, ông kết luận.
|
|
Bàn tay già nua, nhăn nheo vì tuổi tác của Tony Quang bỗng linh hoạt, ma thuật khi biểu diễn cho tôi xem trò giấu điếu thuốc lá. Ông nói ảo thuật chỉ là kỹ năng đánh lừa các giác quan thôi.
Gặp David Copperfield
Gần 60 năm theo nghề, Tony Quang bôn ba khắp thế giới. Los Angeles, Washington, Las Vegas, San Francisco (Mỹ) hay London (Anh)... đều in dấu chân ông. Năm 2007, trong một lần sang London biểu diễn ông gặp David Copperfield, ảo thuật gia Mỹ lừng danh thế giới.
“David thương người Việt lắm. Biết tôi từ Việt Nam sang, ông chủ động đến hỏi thăm. Gặp David, ban đầu tôi không dám bắt tay chứ đừng nói chi trò chuyện vì David nổi tiếng và giàu có quá. Tài sản của ông ấy hơn cả tỉ USD. David ôm tôi thật chặt rồi bày tỏ: “Ảo thuật gia Việt Nam đến đây biểu diễn tôi rất vui và vinh dự được gặp. Ông là một người bạn, một đồng nghiệp với tôi mà. Nếu có khó khăn hay cần giúp đỡ gì, xin ông cứ nói”. David cực kỳ khiêm tốn và dễ thương. Đó là một nhân cách lớn”, Tony Quang nhớ lại.
Trước đó, xem những màn biểu diễn của David Copperfield như làm tượng Nữ thần tự do biến mất, vượt qua Vạn Lý Trường Thành, làm cả đoàn tàu hỏa có người ngồi bên trong mất hút... Tony Quang bàng hoàng và thán phục. “Nhưng rồi khi biết những “chiêu” của David, tôi nhận ra rằng nhờ đội ngũ kỹ sư âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, David có thể làm mọi thứ như thầy phù thủy. Màn vượt qua Vạn Lý Trường Thành, David chui vô cái túi để đi xuyên qua nhưng thật sự là cạnh tường thành có một lối đi nhỏ. Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng thực hiện những trò này nhưng vì mình không đủ tiền, thiết bị mà thôi”.
Ngôi nhà của ông treo đầy bằng khen, giấy chứng nhận hành nghề, đạo cụ. Ông mở lớp dạy ảo thuật cho học trò đủ mọi lứa tuổi, ta có tây cũng có. “Tôi sẽ truyền hết nghề lại cho thế hệ sau. Bởi nếu sau này qua đời, lớp trẻ mới có cơ hội phát triển, đưa ảo thuật Việt Nam hội nhập thế giới. Nhiều ảo thuật gia cứ khư khư ôm lấy bí quyết nghề nghiệp, sống để bụng chết mang theo nên mai một dần. Đôi lúc tôi ngậm ngùi lắm. Lỡ đam mê nghiệp ảo thuật đành chịu thôi. Cả đời thèm một nhà hát ảo thuật đúng nghĩa nhưng chẳng thấy, đến giờ tuổi “cổ lai hy” rồi mà vẫn còn mơ. Là ảo thuật gia có thể biến không thành có mà tôi đành bất lực, không thể hóa phép cho nghề này có một cái nhà hát đàng hoàng. Giữa thành phố hoa lệ, ngày đêm người ta xây cao ốc, nhiều ngôi nhà đẹp mọc lên nhưng nghệ sĩ làm ảo thuật thì vẫn hẩm hiu, ngóng nhìn tương lai bằng sự ngao ngán”.
Màn cưa người rất ăn khách của Tony Quang, nhắc lại người Sài Gòn vẫn nhớ. Ông là ảo thuật gia đầu tiên đưa màn này lên sân khấu. Bà Lan Đài là người sát cánh cùng ông với tiết mục này. Cái máy cưa do ông tự thiết kế và đặt thợ làm. Lưỡi cưa to đùng, khi bật điện quay tít đến rợn người. Cái hộp bà Lan nằm có 2 lớp nên khi lưỡi cưa xuyên qua, không chạm vào thịt da được. Tony Quang kể ngày xưa khi xem màn này, nhiều khán giả hồi hộp, có người bịt cả mắt vì sợ. |
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)