Qua 10 năm đi về tham gia trực tiếp những hoạt động đào tạo nhằm phát triển ngành tâm lý học đường tại Việt Nam, ông nhận xét như thế nào về nhu cầu dịch vụ tâm lý cho trẻ em ở trong nước?
Nhu cầu này rất cao, từ những hình thức rất xa ngành tâm lý như trại hè giúp cho trẻ kỹ năng tự lập, cho tới vấn đề những trẻ khuyết tật, những trẻ bị rối loạn… nguyên một phổ như vậy. Kể cả những trẻ là thần đồng, tại các quốc gia tân tiến, đó cũng là nhiệm vụ của chuyên viên tâm lý, đặc biệt là tâm lý học đường, để tư vấn phương pháp sư phạm cho giáo viên giúp trẻ thích thú hơn trong chuyện học và phát triển tối đa khả năng của chúng.
Những người học ngành tâm lý cũng có thể mở phòng khám không khác gì bác sĩ. Tại đó, có thể cung cấp các dịch vụ như tham vấn, can thiệp trực tiếp cho trẻ em, chỉ dạy các phương pháp kỹ năng học tập, tổ chức những lớp, những nhóm nhỏ kỹ năng sống, tập huấn cho phụ huynh cách dạy con, hoặc dịch vụ đánh giá khiếm khuyết, hay đánh giá trí thông minh, hoặc quản lý cùng nhà trường, bệnh viện trong trường hợp các em có những chứng rối loạn nặng nề hơn. Hoặc thành lập các nhóm hỗ trợ phụ huynh nuôi dạy con trẻ cho tốt hơn... Rất nhiều dịch vụ mà một chuyên viên được huấn luyện đàng hoàng và có kinh nghiệm có thể cung cấp được.
Nên nếu dùng chữ thị trường, thì thị trường tâm lý ứng dụng ở Việt Nam rất bao la, mặc dù có thể còn có những lệch lạc trong nhận thức về việc sử dụng dịch vụ đó như thế nào.
Ông có thể cho ví dụ về chuyện nhận thức lệch lạc đó?
Chẳng hạn chuyện trẻ tự kỷ. Ở Việt Nam tình trạng hiểu lầm về kết quả của việc can thiệp và điều trị còn rất nhiều. Sai lầm khi nghĩ can thiệp tâm lý là chiếc đũa thần vạn năng có thể giải quyết được tất cả các vấn đề. Nhiều người nghĩ một đứa trẻ tự kỷ sau một thời gian được chữa trị sẽ hoàn toàn hết tự kỷ! Thật ra tất cả những phương pháp tối ưu trên thế giới chỉ có xu hướng giúp giảm dần những tính chất làm cản trở việc giao tiếp của trẻ mà thôi. Càng can thiệp sớm, can thiệp đúng, thì những điểm bị giới hạn của trẻ càng giảm. Và vẫn phải có môi trường để trẻ tự kỷ có thể sinh hoạt được, phát triển những khả năng của mình thay cho môi trường bình thường.
|
Mặt ngược lại, khi nhu cầu tăng cao như vậy, khi còn sự hiểu biết lệch lạc về một số chứng bệnh tâm lý, lại có những chuyên gia giả dạng, mạo nhận có thể chữa bệnh này, bệnh kia…Hiện tượng các phòng can thiệp mở ra khá nhiều, thậm chí những trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ cũng nhiều. Tôi chỉ được quan sát và theo dõi một số, thì thấy trong đó có một số điều còn bất cập. Đó là điều đáng tiếc.
Những điều bất cập như ông nói, có thể gọi tên là những điều gì?
Chẳng hạn như phương pháp can thiệp thật sự nhiều nơi còn chung chung quá. Nó không phải là phương pháp can thiệp riêng cho trẻ tự kỷ, mà là phương pháp can thiệp cho trẻ bị chậm nói chung. Có một số trung tâm chỉ như giữ trẻ chứ không phải can thiệp, dù có thể giữ trẻ nghiêm ngặt hơn chỗ bình thường, nhưng chỉ vậy thôi. Hoặc tỷ lệ giữa số chuyên viên và trẻ còn chênh lệch, một giáo viên phải lo quá nhiều trẻ. Còn chưa nói tới những việc như phòng tham vấn vẫn còn là nơi đưa ra lời khuyên. Hoặc dịch vụ của phòng tham vấn còn giới hạn.
Luôn luôn có tình trạng những chuyên gia giả hiệu cung cấp những dịch vụ chưa đạt chất lượng đến cho phụ huynh, học sinh. Theo ông việc giải quyết vấn nạn đó nên như thế nào?
Việc giải quyết đó trên thế giới rất rõ ràng, minh bạch. Chúng ta không cần sáng tạo điều gì, chỉ cần học theo các quốc gia tiên tiến. Như cá nhân tôi sau khi tốt nghiệp đại học, phải tối thiểu là thạc sĩ, thì mới được học thêm một năm để lấy chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ đó phải có thời gian thực tập. Rồi phải lăn tay xem trong quá khứ có hành vi tội phạm nào hay không. Ở tiểu bang có Hội đồng Khoa học xã hội của tiểu bang (thuộc chính quyền của tiểu bang nhưng chủ yếu do các nhà khoa học làm việc) ấn định những yêu cầu, tiêu chuẩn cho một người làm ngành tâm lý học đường, cấp chứng chỉ... Nhưng sau khi được cấp chứng chỉ, người đó mới chỉ được hoạt động trong nhà trường mà thôi. Nếu muốn mở phòng khám hay làm những dịch vụ ở ngoài, mỗi tiểu bang quy định có khác nhau, nhưng ở California thì phải có chứng nhận của Học khu là đã thực hành nghề nghiệp trong trường học 3 năm. Đó là về quy định hành nghề.
Còn quy định về đạo đức, về tri thức lại do một tổ chức gồm những chuyên gia đầu ngành, những người có sự tín nhiệm trong lĩnh vực là Hiệp hội Quốc gia tâm lý học đường Hoa Kỳ. Hiệp hội không thuộc về chính phủ, có quyền đề ra những khuyến cáo mà chính quyền của mỗi địa phương có thể sử dụng để xây dựng tiêu chuẩn cho chứng chỉ. Người nào vi phạm là bị sa thải. Ở Hoa Kỳ thì Hiệp hội chỉ có tính chất gợi ý, tôn trọng lẫn nhau. Họ đề ra những kiến nghị, yêu cầu. Trường đại học nào áp dụng tiêu chuẩn của họ thì được họ cấp cho chứng nhận. Nhưng nếu có một trường nào đào tạo có vấn đề thì trong giới đều biết, sinh viên đều biết cả.
Những điều này ở ta hoàn toàn có thể làm được. Chỉ có điều quy chế đó phải thật rõ ràng, minh bạch. Và những người làm trong hội đồng xét duyệt chứng chỉ hành nghề như vậy phải là những người công tâm.
Quy trình chuẩn để đánh giá trẻ em có khiếm khuyết tâm lý hay không khi các chuyên gia như ông thực hiện là như thế nào?
Đầu tiên người chuyên viên đọc lại tất cả các hồ sơ, sau đó phỏng vấn phụ huynh, học sinh, giáo viên để có cái nhìn toàn cảnh…Sau đó chúng tôi quan sát em học sinh đó sinh hoạt ở các môi trường khác nhau. Có một điều các giáo viên sẽ rất ngại chúng tôi, đó là chuyên viên tâm lý học đường cũng sẽ vào tận lớp, quan sát phương pháp sư phạm của giáo viên, có lý do gì khiến các em biểu hiện ra có vẻ như khuyết tật hay không. Ví dụ giáo viên giảng bài rất nhàm chán, mà em học sinh đó lại rất thông minh, thì em sẽ quay sang chọc phá người khác để tìm hưng phấn…
Sau khi có những thông tin đầy đủ mới bắt đầu chẩn đoán. Công cụ trắc nghiệm là cuối cùng. Chẳng hạn trắc nghiệm về nhận thức và trí thông minh. có một số dạng công cụ trắc nghiệm, nhưng người chuyên gia tâm lý phải được đào tạo tốt để có quyết định lâm sàng là sử dụng công cụ gì cho thích hợp. Ví dụ có một dạng tạm gọi là trắc nghiệm trí năng, khảo sát từng phần, như khảo sát khả năng xử lý thông tin qua ngả thính giác, thị giác, hay là sự phối hợp giữa mắt và tai ..vv.. Nếu em đó gốc Tây Ban Nha, tiếng Anh chưa giỏi, hay em bị ngọng, hoặc là phát âm có vấn đề, thì tôi sử dụng bài trắc nghiệm trí thông minh không thông qua ngôn ngữ. Chỉ riêng việc sử dụng bài tập trí thông minh không thôi đã như vậy rồi. Nên quyết định lâm sàng rất quan trọng.
Công việc của người chuyên viên tâm lý học đường cũng không giới hạn vào chữa trị, can thiệp và tham vấn cho những trẻ gặp những vấn đề khiếm khuyết. Khi nói tới tâm lý người ta chỉ nói tới tham vấn, tới cảm xúc, nhưng sự thực tâm lý học đường, tâm lý giáo dục là xem phương pháp giáo dục nào có thể cải thiện và tăng trí thông minh của đứa trẻ nữa. Vì với đứa trẻ thiên phú tài năng chắc chắn vẫn còn phát huy thêm khả năng học tập, nhận thức nữa. Nên lĩnh vực của người chuyên viên tâm lý học đường bao trùm từ trẻ khuyết tật tới trẻ thiên phú tài năng. Từ trẻ có lo âu, trầm cảm cho tới tự kỷ, thiểu năng, khuyết tật trí tuệ vv… đồng thời cũng có những chương trình phòng ngừa và hỗ trợ cho các em bình thường hoặc thiên tài mà thiếu những kỹ năng xã hội - là những khiếm khuyết có thế giải quyết được.
Nói tới việc đánh giá những khuynh hướng của trẻ hay đánh giá tài năng thiên phú, có cả một trào lưu đi sinh trắc vân tay dự đoán thiên hướng trẻ.
Hiện tượng có những công ty nghiên cứu vân tay để xác định thiên hướng của trẻ em trong việc học tập cũng như thành công trong tương lai không chỉ xuất hiện trong những năm gần đây. Từ năm 2007 khi về Việt Nam hỗ trợ ngành tâm lý học đường, tôi đã biết có một số công ty từ nước ngoài qua bán sữa, và có câu chuyện cứ bao nhiêu kg sữa bột thì sẽ lại được làm bài trắc nghiệm vân tay miễn phí. Rất tiếc là có một số giảng viên ngành tâm lý đã cộng tác, và vô tình để tên của mình quảng cáo cho những công ty này. Khi chuyện này phổ biến thì những người làm công việc này bắt đầu thu tiền.
Nghiên cứu vân tay là một ngành nghiên cứu khoa học, nhưng trong lĩnh vực tội phạm học chứ không phải lĩnh vực trí thông minh hay thiên hướng trong tương lai, mà cũng không liên quan gì tới cá tính cả. Đơn giản nhất hãy dùng công cụ tìm kiếm google, tìm những bài nghiên cứu về vân tay và cá tính, trí thông minh bằng tiếng Anh thì sẽ thấy số lượng rất ít, xuất phát từ một số nước Đông Âu cũ, một số nước Phi Châu và Trung Quốc, chứ không có trong các nghiên cứu của những trung tâm uy tín trên thế giới. Tôi biết khi nói ra sẽ đụng chạm tới công ăn việc làm của nhiều người, nhưng việc dùng vân tay để tiên đoán tương lai, cá tính của một người cũng như xác định thiên hướng trong tương lai là bịp bợm.
Bình luận (0)