Năm 2022, ông Bính bán xe gia đình để mua xe cứu thương thuận tiện hơn cho việc chở từ thiện. Đến nay, ông đã đồng hành cùng hàng trăm mảnh đời khó khăn, có người còn chưa kịp thấy mặt biết tên vì phải vội vã “đưa đường”.
Chuyến xe tình người
Chuyến xe yêu thương của ông Bính lăn bánh từ năm 2015. Thấy khoản chi phí di chuyển đắt đỏ mà bệnh nhân nghèo phải gồng gánh, ông Bính sẵn sàng “nhận cuốc” khi có người cần nếu bản thân đủ khả năng.
“Tôi từng lên vùng sâu vùng xa để chở bệnh nhân ung thư đi hóa trị, xạ trị, có lúc thì chở cấp cứu cho thai sản, người gặp tai nạn trên đường. Đến dịch COVID-19 xuất hiện tình trạng lợi dụng “chặt chém” dịch vụ vận chuyển bệnh nhân xấu số, chi phí đội lên tới 25-30 triệu. Từ đây, tôi “bén duyên” với công việc tiễn người đã mất trên những chuyến xe cuối cùng của họ”, ông chia sẻ.
Tâm niệm “lương y như từ mẫu”, ông không ngại tự bỏ tiền túi từ công việc chính là bốc thuốc để phục vụ cho chuyến xe 0 đồng. Mỗi tháng, ông nhận chở khoảng 4-6 ca, chi phí bỏ ra tầm 2-3 triệu đồng cho một chuyến đi, tự túc từ xăng xe đến tiền nghỉ ngơi, ăn uống.
Chặng đường dài nhất mà ông Bính từng đi là gần 900km Yên Bái - Huế, tốn gần 10 triệu đồng. Ông chạy liên tục 17 tiếng xuyên đêm không dám nghỉ để tiễn hai anh em ruột mất do sạt lở khi đi làm xa xứ kịp về làm ma chay. Trong khi đó, nếu thuê xe cứu thương dịch vụ, giá có thể dao động từ 50 triệu đồng trở lên.
Ông Bính cảm thấy quyết định mua xe cứu thương của mình là đúng đắn. “Hồi đó sử dụng xe 7 chỗ không đủ thiết bị, có thể gây biến chứng cho bệnh nhân, khiêng cáng lên xuống bất tiện. Tôi muốn mua lâu nay nên gom góp tiền rồi vay mượn thêm, phải ưu tiên người bệnh nhất”, ông nói.
Theo lời ông Bính, đang mệt mà có ai gọi đến là ông “khỏe ngay để lên đường”. Ông đã quá quen với những chuyến xe “bất thường” vào lúc đang dành thời gian với gia đình hoặc nửa đêm khi có người gặp tai nạn, bệnh nặng cần cấp cứu hay ra đi bất ngờ.
“Người phụng sự”
Trước mỗi chuyến đi, ông Bính đều chuẩn bị kĩ càng, rảnh rỗi là bảo trì xe, thay lốp, kiểm tra phanh. Thời gian đầu, ông đi một mình, sau này quãng đường xa hơn, ông kết nối những người biết lái xe đi cùng thay phiên để đảm bảo an toàn.
Không chỉ miễn phí tiền xe, nếu hoàn cảnh người được chở quá khó khăn, ông sẽ chủ động mua túi bọc xác, áo quan rồi kêu gọi quyên góp sau. Ngần ấy thời gian “đưa đường”, ông Bính đã kết nối được một mạng lưới “xe 0 đồng” khắp cả nước để hỗ trợ những mảnh đời còn nhiều vất vả.
Anh Lê Tâm An (39 tuổi, quê Nam Định) là một tài xế được ông Bính hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trên hành trình “lăn bánh” yêu thương. Theo anh, đây là một công việc khó khăn, về cả thủ tục xin cấp phép, đảm bảo chi phí vận hành và quan trọng nhất là làm sao để giữ vững tinh thần thiện nguyện.
“Tôi từng chứng kiến nhiều ca bệnh nhân đã mất nhưng người nhà phải trả khoản tiền rất lớn cho cứu thương dịch vụ, có trường hợp đi 7km mà lấy 6 triệu đồng. Tôi cũng như anh Bính, cảm thấy rất xót xa nên luôn ấp ủ mong muốn đồng hành cùng họ. Tôi xem anh Bính như anh ruột, rất trân quý người đã dìu dắt mình trên con đường thiện lành này”, anh nói.
Hiện tại, ông Bính để số điện thoại tại nhiều trụ sở công an, bệnh viện để kết nối với những trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đại diện công an huyện Văn Lâm cho biết đã nhiều lần báo tin và được ông Bính hỗ trợ rất nhiệt tình.
Trên kênh Youtube “Người Phụng Sự” của mình, ông thường xuyên đăng tải các video thiện nguyện về chuyến xe 0 đồng để lan tỏa giá trị tích cực. “Miễn còn khả năng, tôi luôn muốn dành thời gian còn lại trên đời giúp được nhiều người nhất có thể”, người đàn ông tâm niệm.
Bình luận (0)