Vụ việc khá hy hữu và chưa có tiền lệ xảy ra ngày 13.2.2008. Ông Toh Siew Kee, nay 54 tuổi, chui hàng rào vào lô đất thuộc sở hữu của Công ty đóng tàu Ho Ah Lam Ferrocement (HAL), và bị một sợi cáp neo tàu của Công ty nâng dỡ thiết bị hàng hải Asian Lift ở đó đập trúng. Kỹ sư Toh khi đó được cử đi sửa một thiết bị radar của một con tàu neo ở một nhà máy đóng tàu, nhưng ông đã đi nhầm qua một nhà máy đóng tàu khác nằm bên cạnh lô đất nói trên. Trong lô đất thuộc khu công nghiệp Tuas nằm ở phía tây nam Singapore này còn có Công ty tàu biển Lal Offshore Marine (LOM) tọa lạc.
Bị thương nặng, ông Toh đi kiện đòi bồi thường. Ông kiện hai công ty Asian Lift và LOM theo luật truy cứu trách nhiệm của người đang sử dụng đất; đồng thời kiện hai công ty này và cả chủ đất HAL theo luật truy cứu trách nhiệm do lơ là.
Các cáo buộc của ông ban đầu bị tòa bác bỏ, dẫn đến việc ông kháng án lên tòa phúc thẩm. Tòa phúc thẩm trong phán quyết ngày 26.4 quyết định chỉ một mình Công ty Asian Lift có trách nhiệm đối với ông Toh vì đã lơ là để thiết bị của mình đập trúng người khác. Tuy nhiên, do ông Toh là một kỹ sư dày kinh nghiệm, lẽ ra ông phải đi bằng cổng chính và qua cửa kiểm soát an ninh đàng hoàng thay vì “chui rào”. Vì vậy, “ông Toh cũng phải chịu 50% trách nhiệm cho hành vi của mình”. Tòa án sẽ tính toán mức thiệt hại và “cưa đôi” trách nhiệm trong những ngày tới.
Vụ việc của ông Toh cũng đặt ra câu hỏi liệu sự tồn tại song song của 2 quy phạm luật nói trên có chồng chéo và gây ra sự lúng túng không cần thiết? Theo thẩm phán V.K. Rajah, trong những trường hợp như trên, luật truy cứu trách nhiệm do lơ là nên được áp dụng. Lý do là nó đơn giản, quy định thẳng trách nhiệm chủ nhân là phải có các biện pháp đảm bảo công trình của mình an toàn, và bồi thường cho thương vong xảy ra ở công trình. Trong khi đó, luật truy cứu trách nhiệm của người đang sử dụng đất thiên về việc xác định trách nhiệm của chủ đối với đối tượng bị thiệt hại là “khách đến nhà” hay là kẻ xâm nhập trái phép. Mà để xác định “đúng tên” đối tượng là một điều khó khăn, xưa nay Singapore thường chỉ làm theo thông luật truyền thống. Các thẩm phán cho rằng đã đến lúc nên bỏ luật này.
Vì vậy, lần đầu tiên, phán quyết của tòa phúc thẩm với 3 thẩm phán hàng đầu Singapore ngày 26.4 cũng quyết định người bị thiệt hại trong các sự cố như trên về sau chỉ khởi kiện duy nhất theo luật truy cứu trách nhiệm do lơ là.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Bình luận (0)