CLB Becamex Bình Dương chưa biết tham gia tiếp V-League hay không nếu dời sang năm 2022

05/08/2021 18:35 GMT+7

Đó là ý kiến của ông Hồ Hồng Thạch, Chủ tịch CLB bóng đá Becamex Bình Dương khi nói về việc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Ban điều hành giải V-League quyết định lùi mùa giải vô địch quốc gia năm 2021 sẽ thi đấu trở lại kể từ tháng 2 năm 2022.

 
Theo Chủ tịch CLB bóng đá Becamex Bình Dương Hồ Hồng Thạch: “Không riêng chúng tôi mà rất nhiều CLB bức xúc trước việc VPF đưa ra kết luận từ phiếu thăm dò xong phán rằng đa số đồng ý với phương án mà họ đưa ra và giữ nguyên phương án đó. Nghĩa là bắt các đội phải tiếp tục nuôi quân, chờ đợi thêm gần 6 tháng để đến tháng 2.2022 thi đấu tiếp mùa giải V-League 2021. Đồng ý rằng hệ thống thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam do VPF quản lý bao gồm V-League và hạng nhất, cổ đông thì cũng tập trung 2 lực lượng này, nhưng trong thực tế bóng đá Việt Nam hiện nay thì mỗi giải có cơ chế đặc thù riêng. Vì V-League bao giờ cũng tiêu tốn tài chính rất nhiều, liên quan đến chuyển nhượng, cầu thủ ngoại. lương bổng cho công ty quản lý CLB và các thành viên đội bóng lên đến gần cả trăm con người, các chế độ chính sách khác..
Bên cạnh đó nguồn thu từ các hợp đồng tài trợ, doanh thu từ bán vé và cách chi, cách vận hành cũng riêng biệt, hoàn toàn khác với cách tổ chức và đầu tư của các đội hạng nhất . Thế nên nhiều CLB V-League nếu phải kéo dài mùa giải sẽ gặp không ít khó khăn về tài chính, rất cần sự đồng cảm, chia sẻ của VPF. Theo tôi lẽ ra VPF phải lấy ý kiến riêng của các đội V-League, cần có ít nhất một cuộc họp trực tuyến giữa VPF và các CLB để có hướng giải quyết thỏa đáng chứ không thể đánh đồng với các đội ở giải hạng nhất rối áp đặt theo phương án mà VPF đưa ra. Như thế là chưa công bằng cho các đội V-League”.
Theo ông Hồ Hồng Thạch, việc tổ chức họp trực tuyến giữa VPF và các CLB V-League đâu có gì khó khăn, nhưng tại sao VPF đến giờ không làm? Bây giờ trong tình hình dịch bệnh phức tạp này từ Chính phủ, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể..từ trung ương đến địa phương đâu đâu cũng họp trực tuyến để nêu thực trạng, tìm nguyên nhân, hiến kế, rồi cùng nhau thực hiện các biện pháp cụ thể để giải quyết mọi chuyện thì vì sao VPF không làm với các CLB V-League mà họ lại ‘bế quan tỏa cảng’. Phải chăng có điều gì bất ổn hay VPF không muốn đối mặt với 14 CLB V-League để tìm tiếng nói chung?

Trận Becamex Bình Dương thắng Sài Gòn FC

Khả Hòa

Ông Thạch cũng cho rằng báo chí vừa qua cũng đã góp ý, hiến kế để V-League có thể tiếp tục theo ‘cơ chế bong bóng’ đá xen kẽ giữa các lượt đấu của đội tuyển quốc gia tại vòng loại World Cup 2022 vào tháng 9, 10, 11 tới, nhất là sau khi Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn sẽ chỉ áp dụng cách ly 7 ngày và sẽ chỉ theo dõi trong 7 ngày tiếp theo cho những ai nhập cảnh vào Việt Nam sau khi chứng minh đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính.. thì sau khi đội tuyển đi Ả Rập Xê Út, Oman hay Trung Quốc trở về hoàn toàn có đủ thời gian cần thiết để tiến hành tiếp các lượt trận còn lại của V-League, nhưng vì sao VPF lại không muốn tổ chức? Nếu muốn thì VPF chỉ cần ngồi lại với các CLB là tìm ra ngay bài toán giải quyết rốt ráo vấn đề này, còn nếu không có sự đồng thuận hoặc khó khăn nào đó thì có thể dừng giải công nhận kết quả chứ không phải bắt V League dời sang năm 2022. 
Về phần đội Becamex Bình Dương, theo ông Hồ Hồng Thạch, việc lùi giải sang năm 2022 sẽ khiến đội bóng gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Trước hết là chuyện làm sao thực hiện tiếp các hợp đồng tài trợ đã ký khi bắt buộc mùa giải phải thực thi để kết thúc trong năm 2021. Cho dù lý do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến V-League không thể tiến hành theo ý muốn, nhưng phần lớn các nhà tài trợ của đội bóng là ký hàng năm và đều “chốt” yêu cầu hợp đồng phải được thanh lý trong năm 2021 không thể kéo dài qua năm 2022.

Trận Becamex Bình Dương thắng Hà Nội trên sân Hàng Đẫy

Minh Hoàng

Rồi chuyện giữ chân cầu thủ cũ và đàm phán cầu thủ mới cũng đa số là ký từng năm, trừ những cầu thủ được đào tạo thì ký dài hơi hơn. Tất cả cũng không thể thương thảo, đàm phán từ nay đến khi V-League đá lại nên đặt CLB vào sự lúng túng. Đó là chưa kể chuyện ngoại binh hợp đồng rất phức tạp vì tháng 10 là hết hạn, kéo dài đến tháng 3 sang năm sẽ tạo ra những hệ lụy. Họ sẽ yêu cầu tiền chuyển nhượng hoặc phí lót tay thêm khiến ngân sách CLB sẽ đội lên rất nhiều, chưa kể lẽ ra giải đến tháng 10 dừng thì giờ phải nuôi quân thêm 3-4 tháng nữa sẽ ngốn chi phí không hề nhỏ .Tài chính của đội xây dựng cho năm 2021 chỉ từng đó bây giờ phát sinh thêm hàng chục tỉ đồng lấy đâu ra để chi. Điều này sẽ làm cho các CLB kiệt quệ, đội nào không chịu được sẽ phải nợ nần để trang trải, không chừng lâm vào cảnh bế tắc. CLB Becamex Bình Dương cũng đang đối mặt với tình trạng đó.

Ông Hồ Hồng Thạch, Chủ tịch CLB Becamex Bình Dương

BFC

Thế nên theo ông Hồ Hồng Thạch nếu VPF không thay đổi mà vẫn giữ nguyên sự áp đặt phương án thi đấu này thì nếu V-League trở lại đầu năm 2022, chưa chắc CLB Becamex Bình Dương có thể tham gia tiếp được vì khó khăn về tài chính đang hiển hiện.Khi đó tùy tình hình cụ thể mà Công ty cổ phần bóng đá Becamex Bình Dương cùng với đội bóng sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền việc nên hay không nên tiếp tục sân chơi V-League 2021.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.