Điểm đến của sao Nhật
Tối 3.8.2019, CLB Sint-Truidense so tài với Club Brugge ở giải vô địch quốc gia Bỉ. Đội bóng của HLV Marc Brys khi ấy thua chóng vánh 0-4 chỉ trong 45 phút đầu. Trên băng ghế dự bị, Nguyễn Công Phượng chờ cơ hội được tung vào sân. Ngồi cùng với anh là Wataru Endo, tiền vệ người Nhật Bản mới cập bến Sint-Truidense trước đó 1 năm từ CLB Urawa Red Diamonds.
Khi ấy, Endo đang chờ đợi để chuẩn bị sang CLB VfB Stuttgart (Đức) thi đấu. Với Endo, CLB Sint-Truidense chỉ là đường băng, để lăn trên đó, lấy đà rồi cất cánh đến một đội bóng danh tiếng hơn.
Endo không phải cầu thủ duy nhất của Nhật Bản đã "mượn" Sint-Truidense để chứng tỏ khả năng, trước khi đến một nấc thang cao hơn. Ở châu Âu, có những đội bóng được gọi là "trạm trung chuyển". CLB ấy là cầu nối để đón những cầu thủ đến từ những nền bóng đá thấp hơn (như Nam Mỹ, châu Á), rèn giũa họ rồi bán cho những CLB từ tầm trung đến mạnh ở châu Âu.
Người Nhật đã đầu tư cho một đội bóng như vậy ở Bỉ, chính là Sint-Truidense - CLB mà Công Phượng từng thi đấu trong vài tháng ngắn ngủi cuối năm 2019.
CLB Sint-Truidense được thành lập ngày 23.2.1924, mang biệt danh "Chim hoàng yến". Sint-Truidense đã có tròn một thế kỷ tồn tại, nhưng chưa bao giờ là thế lực trong làng bóng đá Bỉ. Đáng chú ý, đội bóng này từng là bến đỗ của Alfred Riedl, người sau này đã bén duyên với đội tuyển Việt Nam và trở thành huyền thoại trên cương vị HLV trưởng.
Năm 1972, CLB Sint-Truidense chiêu mộ tiền đạo Alfred Riedl, người trước đó giành ngôi vua phá lưới giải Áo. Ngay mùa đầu chơi bóng ở Bỉ, ông Riedl ghi 16 bàn và chia sẻ danh hiệu vua phá lưới cùng Rob Rensenbrink (Anderlecht).
CLB Sint-Truidense chỉ thực sự trở thành "trạm dừng" của nhiều cầu thủ Nhật Bản từ tháng 11.2017, khi công ty DMM.com của Nhật Bản hoàn tất việc mua lại 100% cổ phần đội bóng. Dù chủ tịch của CLB là David Meekers, một người bản địa, nhưng thực chất đây vẫn là CLB của giới chủ Nhật Bản.
Để rồi từ năm 2018 đến nay, CLB Sint-Truidense đã đón tổng cộng 22 cầu thủ Nhật Bản. Trung bình mỗi mùa, đội bóng này có 4 cầu thủ đến từ xứ mặt trời mọc.
"Xương sống" của đội tuyển Nhật Bản
Trong các cầu thủ Nhật Bản từng khoác áo Sint-Truidense, có những gương mặt đã rất nổi tiếng như Shinji Okazaki (cựu cầu thủ Leicester City từng vô địch Ngoại hạng Anh), Shinji Kagawa (cựu tiền vệ Manchester United và Borussia Dortmund).
Tuy nhiên, phần lớn các cầu thủ Nhật Bản từng đến Sint-Truidense lại xuất phát từ J-League. Những cầu thủ này muốn có một đội bóng trung bình thấp để chứng minh năng lực trước khi được các ông lớn châu Âu để ý. Trong số đó, Takehiro Tomiyasu và Wataru Endo là những gương mặt điển hình.
Tomiyasu đến Sint-Truidense vào năm 2018 từ CLB Avispa Fukuoka. Chỉ sau 1 năm, anh chuyển đến Bologna (Ý), gây ấn tượng mạnh, trước khi khoác áo Arsenal vào năm 2021. Hai mùa giải, 55 lần ra sân, Tomiyasu trở thành "bức tường" ở cánh phải đội bóng thành London.
Endo cũng thể hiện đẳng cấp ở Sint-Truidense chỉ trong 1 mùa giải. Anh bao quát tuyến giữa, cầm nhịp tốt, thi đấu miệt mài với nguồn năng lượng bất tận. Để rồi ở mùa 2019 - 2020, Endo được CLB Stuttgart mượn 1 năm.
Anh chơi cực hay với 21 lần ra sân cho đội bóng Đức, rồi chuyển hẳn tới Stuttgart. Sau 3 năm ở Bundesliga, Endo cập bến Liverpool. Dù chỉ là phương án dự phòng sau khi Liverpool lần lượt mất Moises Caicedo và Romeo Lavia về tay Chelsea, nhưng sự bền bỉ, chuyên nghiệp của Endo đã hoàn toàn thuyết phục được Klopp.
Endo ra sân 15 trận cho Liverpool, ghi 1 bàn thắng, góp công không nhỏ trong ngôi đầu của đội bóng vùng Merseyside sau lượt đi.
Daichi Kamada cũng là tuyển thủ Nhật Bản có 1 năm rèn nghề ở Sint-Truidense, rồi bay cao ở Eintracht Frankfurt.
Môi trường thi đấu nặng về kỹ chiến thuật, nhưng lại không quá áp lực của Nhật Bản nói chung hay Sint-Truidense nói riêng đã trở thành môi trường lý tưởng để các cầu thủ Nhật Bản bay cao. Trong 2 đợt tập trung gần nhất, đội bóng Bỉ có tới 4 gương mặt được triệu tập.
Tại Asian Cup 2023, chỉ có 1 cầu thủ Sint-Truidense góp mặt, đó là thủ thành Zion Suzuki. Song, dấu ấn của đội bóng Bỉ trong sự tiến bộ của đội tuyển Nhật Bản vẫn rất đáng được ghi nhận.
Bình luận (0)