Thạch Vũ (thứ 2 từ trái sang) thường đến tìm hiểu tình hình từng hộ gia đình thanh niên tại địa phương - Ảnh: C.N |
“Thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên dân tộc của tôi bây giờ hầu hết đều có nhà tường, ti vi, xe máy, có thêm bò, heo nuôi trong chuồng nữa. Nhà nào thu nhập thấp lắm cũng được 50 triệu đồng/năm”, anh Thạch Vũ mở đầu câu chuyện thoát nghèo của thanh niên Khmer ở địa phương.
Năm 2004, khi còn là Bí thư Chi Đoàn ấp Bưng Chụm, Thạch Vũ đã đứng ra vận động thanh niên địa phương tham gia CLB Thanh niên dân tộc với mục tiêu quan trọng nhất là giúp họ thoát nghèo. Theo Thạch Vũ, hầu hết thanh niên ở địa phương là người dân tộc Khmer. Họ sinh ra trong cảnh nghèo khó, ít học nên hiểu biết còn nhiều hạn chế. Vào mùa mưa, họ thường phụ giúp gia đình làm ruộng; đến mùa khô thì đi làm thuê ở xứ khác. Khi có gia đình riêng, nếu may mắn thì họ được cha mẹ cho một, hai công đất để khởi nghiệp. Không có kiến thức, không có vốn nên con đường vào đời của những thanh niên này thường gặp nhiều khó khăn. “Bản thân tôi cũng muốn thoát nghèo, có kinh tế ổn định để lo cho gia đình, vợ con”, Thạch Vũ tâm sự.
Qua quan sát thực tế, Thạch Vũ thấy để có vốn sản xuất vào đầu vụ, người ta thường phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao. Từ đó, Vũ nảy ra ý định tập hợp thanh niên trong xóm lại thành một nhóm hùn vốn tương trợ sản xuất. Vậy là “CLB Thanh niên dân tộc”, ấp Bưng Chụm do anh làm chủ nhiệm ra đời sau khi có sự đồng thuận của Chi bộ ấp và UBND xã Tham Đôn.
Ban đầu CLB chỉ có 28 thành viên. Cứ đến đầu vụ sản xuất hoa màu, các thành viên họp lại góp vào quỹ mỗi người 20 ngàn đồng. Số tiền đó sẽ cho người có hoàn cảnh khó khăn nhất mượn trước để làm vốn sản xuất. Đến cuối vụ, người được trợ vốn sẽ nộp lại số tiền được nhận hỗ trợ. Vào vụ kế tiếp, các thành viên cũng tiếp tục đóng góp 20 ngàn đồng mỗi người. Như vậy đến lần thứ hai, kể cả vốn cũ và mới, CLB đã hỗ trợ cùng lúc được cho 2 người. Cứ như vậy, nguồn vốn ấy cứ dần tăng lên, đến nay được trên 50 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ cho thành viên cũng tăng lên đến mức tối đa 3 triệu đồng/người/lần. Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay số thành viên của CLB đã tăng lên 86, gấp hơn 3 lần khi mới thành lập.
Chỉ có vốn do các thành viên đóng góp cũng chưa đủ để giúp các thành viên nhanh chóng thoát nghèo. Do đó Thạch Vũ đã làm đầu mối liên hệ với chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành viên CLB có thể vay thêm vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm phát triển sản xuất. Nhờ làm ăn hiệu quả, nên trong 7 năm qua chưa có thành viên nào nợ ngân hàng quá hạn. Anh Thạch Bông, một thành viên CLB, kể: “Tôi thấy nhiều bạn bè trong xóm làm ăn khấm khá nhờ tham gia hùn vốn. Vậy là năm 2006, tôi quyết định xin gia nhập. Nhờ vậy, mà giờ đây tôi đã mua được 4 công đất để trồng rẫy, nuôi được 4 con bò và sắm nhiều vật dụng gia đình khác. Trừ hết mọi chi phí, mỗi năm gia đình tôi cũng để dành được hơn chục triệu. Số tiền trên tôi sẽ tích cóp để tiếp tục đầu tư cho sản xuất”.
Từ mô hình của CLB Thanh niên dân tộc ấp Bưng Chụm, đến nay xã Tham Đôn đã thành lập thêm 4 CLB ở các ấp khác, với 236 thành viên tham gia. Còn lãnh đạo huyện và tỉnh Đoàn thì cho biết đang lên kế hoạch để phát triển các CLB này thành HTX thanh niên.
Chí Nhân
Bình luận (0)