Có 10 Platini thì FIFA vẫn thế!

31/07/2015 10:45 GMT+7

(TNO) Nếu đắc cử chủ tịch FIFA vào tháng 2.2016, chắc chắn Michel Platini sẽ được ghi nhận là nhân vật thành công nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.

(TNO) Nếu đắc cử chủ tịch FIFA vào tháng 2.2016, chắc chắn Michel Platini sẽ được ghi nhận là nhân vật thành công nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.

Platini là ứng viên số 1 cho vị trí chủ tịch FIFA - Ảnh: AFP

Platini vốn đã là một trong vài cầu thủ vĩ đại nhất thế giới qua mọi thời đại, là người đầu tiên 3 lần liên tiếp đoạt "Quả Bóng Vàng châu Âu" (nhưng nếu chỉ bàn về thành tích, coi như vẫn chưa nói hết về sự vĩ đại của cầu thủ Michel Platini).

Bước sang lĩnh vực huấn luyện, ông lập kỷ lục giúp đội tuyển Pháp toàn thắng ở vòng loại Euro 1992. Rồi ông trở thành (đồng) trưởng ban tổ chức World Cup khi mới 38 tuổi. Bây giờ, ông lại chuẩn bị tranh cử chủ tịch FIFA - trong tư thế ứng cử viên số 1 - khi đã là chủ tịch UEFA gần một thập kỷ qua. Bóng đá thế giới chưa bao giờ có một nhân vật khác thành công như thế.

Nhưng, nếu đắc cử, Platini có thể chỉnh đốn FIFA, khôi phục cái uy tín đã nát bét của tổ chức này?

Hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào các ý tưởng và khả năng điều hành của Platini. Bề ngoài, có vẻ mọi chuyện tốt đẹp. Nhưng xét kỹ, Platini chưa bao giờ làm được điều gì đáng kể, nếu không muốn nói là ông luôn "có vấn đề".

Platini chính là người khởi xướng quy định "công bằng tài chính" - Ảnh: AFP

World Cup 1998 "của Platini" là kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử áp dụng điều lệ "bàn thắng vàng". Đấy là một trong những "tối kiến" đáng nguyền rủa nhất trong lịch sử phát triển bóng đá (không phải mất công phân tích - cái điều lệ ấy đã "chết" ngay sau World Cup 2002). Còn trong cương vị chủ tịch UEFA, Platini chính là tác giả của quy định "công bằng tài chính".

Quy định này (đại khái, các CLB chỉ được chi tiêu nội trong số tiền kiếm được) đi ngược với mọi nguyên tắc cơ bản về kinh doanh, về thể thao, về pháp luật. Vì sao UEFA phải gấp rút "nới lỏng" quy định "công bằng tài chính", như một lộ trình tất yếu cho đến khi dẹp bỏ hoàn toàn? Vì nếu không làm thế, UEFA sẽ phải hầu tòa vì cái quy định... thiếu trình độ ấy.

Trên hết, những người trong cuộc đều hiểu và nhớ Platini đắc cử chủ tịch UEFA hồi năm 2007 như thế nào. Ông tranh thủ được số phiếu của cả khối đông Âu - như một cuộc mặc cả về chuyện Đông Âu sẽ là chủ nhà của VCK Euro 2012.

Blatter sẽ phải giao lại ghế cho Platini - Ảnh: AFP

Đấy mới là vấn đề lớn nhất. FIFA khó lòng phát triển trên nguyên tắc "mỗi nước một phiếu" như hiện nay. Gần nửa thế kỷ trước, Joao Havelange đã thấy rõ rằng lá phiếu của Haiti có trọng lượng ngang với lá phiếu của Brazil, Anh hoặc Pháp. Ông ta vận động khắp châu Á và châu Phi để đánh bại Stanley Rous, chiếm ghế chủ tịch FIFA.

Bộ mặt và bản chất của FIFA thay đổi hẳn từ đó. Bằng mọi cách, Havelange giúp Sepp Blatter "kế vị" vào năm 1998 vì không muốn những gì ông ta từng làm bị đưa ra ánh sáng. Blatter phải giao lại ghế cho Platini - chứ không phải ai khác - vào tháng 2.2016 cũng là vì lẽ ấy. Bằng cách nào? Quá dễ! Nguyên tắc "mỗi nước một phiếu" vốn đã "hoành hành" từ năm 1974 đến nay, và chính nó đã giúp Platini chiếm ghế chủ tịch UEFA hồi năm 2007. Thật ra, người ta đã xem Platini là người kế vị Blatter từ năm 1998 rồi!

Mọi vấn đề của FIFA (vấn đề gì, ai cũng biết rồi) đều xuất phát từ cái nguyên tắc "mỗi nước một phiếu" mà chính FIFA đề ra hơn 100 năm trước (khi chỉ có... 7 thành viên sáng lập, tất cả đều rất văn minh). Nếu không thay đổi được tắc ấy, sẽ mãi mãi có những câu chuyện kiểu như "50.000 USD/phiếu". Có đến 10 Platini... cũng thế!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.