Có 12,5 triệu thuê bao điện thoại không chính chủ hiện bị khóa một chiều

Mai Phương
Mai Phương
07/09/2023 12:54 GMT+7

Sau các đợt rà soát, thúc đẩy triển khai việc đăng ký thuê bao điện thoại chính chủ vẫn còn số lượng lớn không thực hiện chuẩn hóa thông tin.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi đã triển khai kết nối vào hệ thống Cơ sở dữ liệu dân cư, có thể thực hiện đối soát những SIM điện thoại có thông tin sai lệch, bị nghi ngờ giả mạo và thông tin thuê bao có giấy tờ hết hạn, các nhà mạng đã xử lý được 19,6 triệu thuê bao điện thoại. Trong đó có 7,5 triệu thuê bao đã đến nhà mạng chuẩn hóa lại thông tin, còn lại khoảng 12,5 triệu thuê bao không chính chủ, hiện đang bị khóa một chiều vì đến thời hạn mà không cập nhật, chuẩn hóa thông tin với nhà mạng.

Có 12,5 triệu thuê bao điện thoại không chính chủ hiện bị khóa một chiều - Ảnh 1.

Hiện 12,5 triệu thuê bao điện thoại không chính chủ bị khóa một chiều

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tại cuộc họp báo chiều 6.9, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thông tin thuê bao hiện còn tồn tại nhiều. Theo quy định, mỗi người chỉ đăng ký được 3 SIM điện thoại. Qua các đợt thanh tra gần đây cho thấy tình trạng đứng tên hộ SIM chủ yếu liên quan đến các đại lý. Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà mạng yêu cầu chấn chỉnh việc này và các nhà mạng cam kết dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao từ ngày 10.9, chỉ tập trung vào kênh chuỗi có uy tín. Nhà mạng nào vi phạm, bộ sẽ xử lý phạt nghiêm theo Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó sẽ đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3 - 12 tháng tùy theo mức độ vi phạm.

Hiện nay, 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và Vinaphone chiếm 85% thuê bao, kết nối trực tiếp (online) vào cơ sở dữ liệu dân cư. Có nghĩa là, khi phát triển thuê bao mới, đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư khớp mới được phát triển, không khớp thông tin thì bị từ chối. Còn lại, khoảng 15% thuê bao phát triển mới của các nhà mạng nhỏ, chưa kết nối với cơ sở dữ liệu vì chưa đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu kết nối của Bộ Công an. Các nhà mạng nhỏ này hàng tháng phải gửi dữ liệu đến để đối soát, nếu không khớp thì các thuê bao này cũng sẽ bị loại khỏi mạng. Như vậy, cơ bản các thuê bao mới phát triển của các nhà mạng phải đối soát 100% thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, trong đó 85% là đối soát online, 15% là có độ trễ 1 tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.