Sáng 21.11, thay mặt Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Kết quả cho thấy, trong kỳ báo cáo, các cơ quan điều tra trong công an nhân dân (CAND) đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can.
Cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 8.211 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 938 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (số trường hợp vi phạm tăng so với năm 2022). Đáng chú ý, có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng.
Về thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN), trong kỳ, đã có 60.458 người kê khai lần đầu; 545.535 người đã kê khai TSTN hàng năm; 44.015 người đã kê khai TSTN bổ sung; 161.928 người kê khai TSTN phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai TSTN.
Kết quả xác minh TSTN năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai TSTN và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Vẫn theo báo cáo, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó, khiển trách 16 người, cảnh cáo 13 người, cách chức 13 người).
Một điểm nhấn khác được báo cáo đề cập, đó là việc kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách; từ đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, xin từ chức.
Đồng thời, việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn thời gian qua đã mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.
Vẫn xảy ra tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt.
Để xảy ra những tồn tại nêu trên, Chính phủ cho rằng một số nơi, người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm và làm chưa đi đôi với nói trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện hoặc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn lỏng lẻo; việc tham mưu xử lý các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn thuộc lĩnh vực được phân công còn hạn chế.
Đồng thời, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng còn có mặt bất cập; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chế độ chính sách còn hạn chế.
Thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…
Cạnh đó là tiến hành kiểm soát TSTN theo quy định, chú trọng xác minh TSTN khi có căn cứ theo quy định của pháp luật và xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm.
Đồng thời, triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo kế hoạch; tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật…
Bình luận (0)