Giả mạo công an yêu cầu chuyển tiền
Ông H.V.Út (ngụ tại Lý Chính Thắng, P.9, Q.3, TP.HCM) kể nhận được cuộc điện thoại của một người giới thiệu tên Thắng - làm công an điều tra ở Đà Nẵng. Người này cho rằng tài khoản của anh Út có giao dịch bất hợp pháp và yêu cầu anh chuyển số tiền lên đến 6 tỉ đồng. Phía cơ quan công an yêu cầu anh Út phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, còn không mời ra Đà Nẵng làm việc. Anh Út giải thích: “Tôi làm công nhân, không có liên quan đường dây gì cả. Tôi mà có 6 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng thì mắc gì đi làm công nhân, ngày nghỉ thì chạy xe công nghệ”. Với chất giọng nghiêm, Thắng vẫn nhất định không nghe và yêu cầu anh Út thông tin về tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Sau một hồi trấn tĩnh, biết đây là một trong những hình thức lừa đảo nên anh Út yêu cầu người đàn ông tên Thắng không phá mình nữa.
Đây là một trong những hình thức lừa đảo khá manh động gần đây, nhiều người nhẹ dạ làm theo liền bị kẻ gian lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng, trộm toàn bộ số tiền trong tài khoản.
Nhiều chiêu lừa đảo giả mạo lấy tiền tài khoản khách hàng |
ngọc thắng |
Vào đầu tháng 4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Đà Nẵng phát đi công văn cảnh báo người dân hình thức giả mạo công an để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân. Theo công văn cảnh báo, tội phạm giả danh cán bộ cơ quan nhà nước, cơ quan công an nhằm chiếm đoạt tài sản diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó nổi lên một số đối tượng giả danh cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Đà Nẵng, tự xưng là đại úy Đặng Quang Thắng, thượng tá Hồ Phi Hùng, thiếu tá Nguyễn Duy Linh… cung cấp thông tin sai sự thật, yêu cầu bị hại lập tài khoản ngân hàng, chuyển vào tài khoản một số tiền lớn để bảo lãnh, nếu không sẽ bị khởi tố, bắt, tạm giam vì liên quan đến đường dây, tổ chức phạm tội. Sau đó, bằng nhiều cách thức khác nhau như lấy cắp mã OTP, chiếm đoạt sim điện thoại… các đối tượng đã chuyển khoản, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bị hại. Các đối tượng này đã thực hiện hàng loạt vụ việc tại nhiều địa phương trên cả nước, chiếm đoạt hàng tỉ đồng.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Đà Nẵng khẳng định không có những cán bộ trên. Hơn nữa, trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc, cán bộ được giao nhiệm vụ sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập đến những người liên quan để làm việc trực tiếp tại trụ sở công an, tuyệt đối không yêu cầu chuyển bất kỳ khoản tiền nào nhằm không bị khởi tố, bắt tạm giam.
Giả bộ cảnh báo để chiếm đoạt tài khoản
Là bảo vệ công ty có trụ sở hoạt động trên địa bàn Q.3, TP.HCM, ông Võ Cơ tá hỏa khi nhận được tin nhắn: “CẢNH BÁO! QK hoac ai do dang dang ky Digital OTP tren app VCBDigibank trên 1 thiet bi moi. Neu khong phai QK, dang nhap www.vcbdinghiubink.com đe xac thuc tranh bi ngoi khac CHIEM DOAT TIEN! Cua QK”. Tin nhắn vào hộp tin của Vietcombank nên anh Võ Cơ không biết thật hư thế nào. Số tiền tích cóp nhiều tháng nay của anh vào khoảng 100 triệu đồng để trong tài khoản ngân hàng này, đầu số tin nhắn từ ngân hàng phát ra mà không làm thì sợ mất tiền. Tuy nhiên nhiều người xung quanh bán tín bán nghi sợ là lừa đảo nên khuyên anh đừng làm theo. Sau khi tìm hiểu, anh Võ Cơ đã xóa tin nhắn kia và hôm sau ra ngân hàng mở sổ tiết kiệm.
Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), những hình thức lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu ngân hàng gửi thông báo về việc tài khoản của khách hàng bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác… và yêu cầu khách hàng bấm vào đường link để xác thực, từ đó chiếm đoạt thông tin dịch vụ và tài sản trong tài khoản của khách hàng tiếp tục xuất hiện gần đây. Các đối tượng lừa đảo đã liên tục sử dụng các thủ đoạn mới, thay đổi nội dung tin nhắn SMS giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo. Agribank cảnh báo khách hàng tuyệt đối không bấm vào các đường link được gửi qua tin nhắn. Agribank không gửi tin nhắn SMS đi kèm các đường link đăng nhập đối với các dịch vụ ngân hàng số của Agribank (Agribank E-Mobile Banking, Agribank Internet Banking). Các tin nhắn có đường link đăng nhập dịch vụ đều là giả mạo.
Bình luận (0)