Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, đoàn khảo sát sẽ lần lượt làm việc với các cơ sở giáo dục tại Q.1, H.Hóc Môn và Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) về các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Cụ thể, Ban Văn hóa xã hội sẽ khảo sát các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng sống… cho học sinh theo nhu cầu ngoài giờ chính khóa. Hay các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo những đề án mà UBND TP ban hành, khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú, khoản thu thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà trường…
Ông Bình cho biết, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND TP.HCM về đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập tại TP.HCM từ năm học 2023-2024. Mục tiêu là nhằm phục vụ cho việc xây dựng nghị quyết quy định các khoản thu, hoạt động giám sát nhằm đánh giá lại tác động của các quy định đang triển khai, từ đó có thêm đề xuất xây dựng khung mức thu phù hợp thực tế.
Kỳ họp HĐND TP.HCM vào tháng 7 tới đây, sẽ lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết quy định các khoản thu để kịp thời ban hành và áp dụng từ đầu năm học 2023-2024.
Các khoản thu trong trường học tại Q.1
Sáng 21.3, Ban Văn hóa xã hội đã có buổi khảo sát đầu tiên tại Q.1 và Trường tiểu học Hòa Bình. Theo bà Lê Thị Bình, Trưởng phòng GD-ĐT Q.1, trên cơ sở đề xuất mức thu kèm dự toán thu chi của các trường, phòng GD-ĐT phối hợp với phòng Kế hoạch tài chính tổng hợp, xem xét, tham mưu UBND quận ban hành văn bản quy định các nội dung thực hiện đối với cơ sở công lập.
Theo bà Bình, các cơ sở giáo dục công lập đang thực hiện những khoản thu như: Nhóm các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh theo nhu cầu ngoài giờ học chính khóa (thu thỏa thuận) gồm 5 khoản thu là học 2 buổi/ngày, tăng cường tiếng Anh (Pháp, Nhật, Đức), câu lạc bộ ngoại khóa, năng khiếu, kỹ năng sống.
Nhóm các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục theo các đề án của UBND TP.HCM đã ban hành là học phí chương trình tích hợp, học phí trường tiên tiến theo xu thế hội nhập và học phí chương trình tin học theo đề án Tin học theo chuẩn quốc tế từ năm học 2022-2023.
Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú của học sinh gồm 4 khoản thu: tiền vệ sinh bán trú; tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú; tiền tổ chức phục vụ và quản lý bán trú; tiền phục vụ ăn sáng (bậc mầm non).
Còn nhóm các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh (thu hộ chi hộ) gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, học phẩm cho học sinh mầm non, ấn phẩm/ấn chỉ/sao in đề kiểm tra cho học sinh phổ thông, đồng phục và phù hiệu, tiền ăn, tiền nước uống, tiền điện đối với các lớp sử dụng máy lạnh, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền công trả lương cho nhân viên nuôi dưỡng.
50% trường học không thu quỹ phụ huynh cấp trường
Trong quá trình khảo sát, ông Cao Thanh Bình hỏi Trường tiểu học Hòa Bình thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh bao nhiêu tiền/tháng. Ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình, cho hay: "Nhiều năm trở lại đây, trường không tổ chức thu quỹ cha mẹ học sinh trường. Đối với các hoạt động tài trợ cơ sở vật chất, trường thực hiện theo hình thức 'chìa khóa trao tay', phụ huynh bàn giao hiện vật cho trường chứ không đóng góp bằng tiền mặt".
Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 cho biết hiện nay khoảng 50% đơn vị trường học của quận này không tổ chức thu tiền quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường.
Bên cạnh đó, ông Bình nêu vấn đề, hiện nay việc một số trường không tổ chức thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh trường nhận nhiều ý kiến đồng tình lẫn phản đối bởi không có quỹ, không có nguồn chi cho các hoạt động. Mặt khác, thu quỹ cấp trường hay cấp lớp chỉ là hình thức triển khai. Nếu không thu quỹ trường thì vô tình gánh nặng được đổ về cho chi hội các lớp.
Ngoài ra, ông Bình lưu ý về hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Cụ thể, ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiệm vụ tìm hiểu mô hình hoạt động của các trường lân cận để đề xuất, góp ý với nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở đơn vị. Việc làm này sẽ giúp ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đúng vai trò chứ không như ý kiến dư luận cho rằng "lập ra ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ để thu tiền".
Bình luận (0)