'Cò' bất động sản 'bất lương' sẽ hết đường sống?

Đình Sơn
Đình Sơn
11/12/2023 11:45 GMT+7

Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1.1.2025 quy định, ngoài yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, cá nhân hành nghề môi giới phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản. Với quy định này cò đất sẽ không còn cơ hội thổi giá, thao túng, làm loạn thị trường.

Phải có chứng chỉ hành nghề

Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định và phải đáp ứng loạt điều kiện. Ngoài ra phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản; phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ. Đồng thời có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản.

Đối với doanh nghiệp, trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của luật này.

"Cò" bất động sản "bất lương" sẽ hết đường sống  - Ảnh 1.

Tất cả môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề

ĐÌNH SƠN

Đối với cá nhân hành nghề môi giới bất động sản, luật cũng quy định phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Môi giới tìm kiếm đối tác đáp ứng các điều kiện của khách hàng để tham gia đàm phán, ký hợp đồng. Môi giới bất động sản đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Môi giới bất động sản cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Siết hoạt động của ‘cò’ bất động sản

Hết cửa thao túng

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện cả nước có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên, chỉ 40.000 người có chứng chỉ môi giới bất động sản.

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch VARS cho biết, thời điểm sôi động nhất của thị trường bất động sản có đến 300.000 môi giới hoạt động trên toàn quốc, trong đó ở TP.HCM chiếm đến 1/3. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng 1/5 môi giới còn hoạt động và hoạt động không ổn định.

"Thực tế, số lượng môi giới còn nhiều hơn vì ai cũng có thể làm môi giới bất động sản. Thống kê cho thấy, hàng năm trung bình cả thị trường sơ cấp và thứ cấp có trên 100.000 giao dịch. Một số địa phương, 1 tháng có tới vài ngàn giao dịch và lực lượng môi giới đóng vai trò quan trọng giúp các giao dịch bất động sản diễn ra. Trong những năm trở lại đây, lực lượng này đã có sự thay đổi, tiến bộ rất lớn. Nhiều công ty đã xây dựng được lực lượng môi giới có chuyên môn, kỹ năng và đạo đức hành nghề tốt", ông Phạm Lâm đánh giá.

Một lãnh đạo của Công ty CP Đầu tư Nam Long cũng nói rằng, các tổ chức môi giới trên thị trường có sự phân hóa rõ nét giữa một bên là chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, có chuyên môn và trách nhiệm, một bên là tổ chức, công ty hay sàn môi giới được hình thành quá dễ dàng, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực. Trước đây, một nhân viên môi giới chỉ sau 7 ngày có thể tự thành lập doanh nghiệp, tự xưng là tổng giám đốc. Những doanh nghiệp này cung ứng ra lực lượng có chất lượng không tốt, dù chỉ là số ít nhưng cũng ảnh hưởng lớn tới cả chủ đầu tư và khách hàng. Do quy mô mỏ, nên các doanh nghiệp này cũng không quan tâm bảo vệ thương hiệu chủ đầu tư, cũng không quan tâm trong tương lai phải chăm sóc khách hàng thế nào, chỉ chăm chăm làm xong giao dịch, thu tiền, bỏ qua trách nhiệm với chủ đầu tư và khách hàng.

"Cò" bất động sản "bất lương" sẽ hết đường sống  - Ảnh 2.

Thị trường bất động sản sẽ hoạt động minh bạch hơn

ĐÌNH SƠN

Khẳng định vai trò rất lớn của lực lượng môi giới đối với thị trường bất động sản, nhưng Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính thừa nhận, đất đai ở một số nơi ghi nhận tình trạng nhảy múa, giá tăng vọt, trong đó có sự góp sức của giới đầu cơ, môi giới không chuyên nghiệp. Thậm chí, ngay cả nhà môi giới tại các công ty chuyên nghiệp vẫn cố tình tiếp tay "ẩy giá thổi giá", tạo ra lợi ích không phục vụ cho phát triển kinh tế của các địa phương. Có thể nói, thị trường bất động sản giai đoạn vừa qua bị nhiều nhà đầu cơ, môi giới thao túng.

Để xảy ra những câu chuyện cò bất động sản bất lương, lũng đoạn thị trường, một phần nguyên nhân do chưa chưa có sự đánh giá, xây dựng tiêu chí để xác định điều kiện hành nghề môi giới. Khung pháp lý đã có nhưng luật pháp thả nổi trong thời gian khá dài, trong khi số lượng môi giới ngày càng tăng nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bộ Xây dựng trước đó thừa nhận, bên cạnh những nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp có không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản. Một bộ phận đội ngũ làm môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng. Còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh lệch khiến thị trường bất động sản nhiễu loạn. 

Do vậy, luật Kinh doanh bất động sản lần này quy định khá chi tiết, rõ ràng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch, cò bất động sản "bất lương" sẽ không còn đất sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.