Đời thường các nhân vật nổi tiếng thế giới:

Cô bé da đen mồ côi trở thành nữ hoàng nhạc jazz

13/06/2023 07:34 GMT+7

Vào một ngày của năm 1992, tại bang Michigan (Mỹ), trước đông đảo người hâm mộ, một bà cụ 75 tuổi, cụt cả hai chân, đôi mắt gần như mù, ngồi trên xe lăn say sưa hát.

Giọng hát của bà khiến bao nhiêu người ngậm ngùi trước cuộc sống của một nghệ sĩ tài hoa đã phải chịu đựng khá nhiều nghịch cảnh, trong đó có nạn kỳ thị chủng tộc trên đất Mỹ.

Bà cụ nói trên là Ella Fitzgerald, một phụ nữ da đen sinh năm 1917 tại Newport News, bang Virginia (Mỹ) và lớn lên tại Yonkers, New York. Suốt đời mình, Ella không hề biết cha ruột là ai, tuổi thơ của bà trải dài trong căn hộ một phòng với mẹ ruột là một thợ giặt ủi và ông bố dượng Joseph Da Silva, một người Bồ Đào Nha nhập cư đến đất Mỹ.

Cô bé da đen mồ côi trở thành nữ hoàng nhạc jazz - Ảnh 1.

Ella Fitzgerald (1917 - 1992)

Tư liệu

Năm 1923, cô em gái cùng mẹ khác cha với Ella là Frances ra đời, cả gia đình dời về miền đông Yonkers sinh sống. Chính tại nơi đây, Ella đã biết đam mê âm nhạc và những điệu vũ mê hồn.

Năm 1932, mẹ bà mất trong một cơn đau tim, khi mới 38 tuổi, Ella sống dựa vào người bố dượng và tình trạng ngược đãi, thậm chí lạm dụng tình dục đã xảy ra, buộc người dì của Ella phải đưa cháu về ở với mình trong khu phố Harlem (nơi dành cho phần lớn người da đen).

Tháng 11.1934, Ella xuất hiện lần đầu tại Nhà hát Apollo, trình bày 2 bài hát của Connee Boswell với sự phụ họa của ban nhạc Benny Carter. Bị quyến rũ bởi giọng hát của bà, Carter tiến cử Ella với một trưởng ban nhạc khác là Fletcher Henderson, nhưng ông này lại chê ngoại hình và "sự mất vệ sinh đến độ tệ hại" của cô gái, nên cuối cùng, Ella lại phải quay về với nỗi thất vọng ê chề của mình.

Tháng 1.1935, vận may mỉm cười lần đầu tiên với Ella: Bà được chấm đỗ trong một cuộc thi tại Nhà hát kịch Harlem. Trong một bài báo đăng trên tạp chí Metronome, cây bút Simon Says đã viết: "Tôi đã bị cô ấy hạ knock-out, chẳng những do cách cô ấy hát mà còn do cái tinh thần và cách dẫn dắt ban nhạc của cô ấy nữa. Cô Fitzgerald sẽ ngày càng tiến xa hơn…".

Đó là bài báo đầu tiên viết về Ella và bà nhớ đến nó suốt cả đời mình.

Ở tuổi đôi mươi đầy sức sống, dù không có ngoại hình dễ coi, Ella cũng không thoát khỏi cái vòng cương tỏa của tình yêu. Bà si mê Vido Musso, một nghệ sĩ chơi kèn saxophone trong ban nhạc Benny Goodman. Cuộc tình này dẫn đến một lần phá thai và Ella bị vô sinh từ đó.

Một năm sau, cuộc hôn nhân tan vỡ, Ella cố nén nỗi thất vọng để sự nghiệp âm nhạc đang hồi rạng rỡ của mình không bị ảnh hưởng bất lợi.

Năm 1947, bà làm lễ cưới với Ray Brown, tay guitar bass trong ban nhạc của Gillespie. Ray nhỏ hơn Ella những 9 tuổi, nhưng niềm đam mê âm nhạc đã giúp cho tình yêu của họ trở nên nồng nàn hơn. Dù vậy, tình trạng vô sinh của Ella khiến cho cuộc sống chung đôi lúc trở nên buồn tẻ, vô vị, và năm 1953, họ lại đi đến quyết định ly hôn.

Cô bé da đen mồ côi trở thành nữ hoàng nhạc jazz - Ảnh 2.

Vido Musso, mối tình đầu tiên của Ella Fitzgerald

Từ đó, sức khỏe của Ella bắt đầu suy sụp. Bà phải trải qua một cuộc phẫu thuật dây thanh âm, bị các bác sĩ cấm nói chuyện hay ca hát 6 tuần lễ liền. Không lâu sau khi dời về ở trong căn nhà mới mua tại Los Angeles, bà lại phải nhập viện vì một vết loét ở bụng dưới.

Dù vậy, nghiệp cầm ca của Ella vẫn tiếp tục thăng tiến. Năm 1960, hai trong số những album nhạc hay nhất của bà ra đời, là Ella in Berlin (đoạt giải Grammy) và Let no man write my epitaph. Một năm sau, ngay trong chuyến lưu diễn ở Úc, Ella đã phải bay vội về Mỹ để hát trong một lễ hội tổ chức nhân dịp thượng nghị sĩ J. F. Kennedy được bầu làm Tổng thống Mỹ.

Ở tuổi 44, Ella bắt đầu qua lại với một cậu thiếu niên người Đan Mạch trẻ hơn bà rất nhiều. Bà mua một ngôi nhà ở ngoại ô Copenhagen, đảm trách cả phần việc nấu ăn và giặt giũ ở đó. Một năm sau, bà tổ chức chuyến lưu diễn ở Mỹ và châu Âu. Bị chứng béo phì khi gần đến tuổi 50, bà đã kiệt sức trong một loạt các cuộc trình diễn ở Đức, phải đến Luân Đôn (Anh) để dưỡng sức.

Sau khi hồi phục sức khỏe, Ella trình diễn chung với Duke Ellington - huyền thoại nhạc jazz thế kỷ 20 - cùng xuất hiện với Ellington trên hệ thống truyền hình, thăm Hungary và được tờ báo danh tiếng Los Angeles Times bầu chọn là "Người phụ nữ của năm". Trong khi đó thì chính tiểu bang California, nơi có quận Los Angeles, lại ban hành những quy định ngặt nghèo nhằm ngăn không cho Ella mua nhà trong khu vực người da trắng cư ngụ ở Beverly Hills!

Vào thời điểm đó, Ella bắt đầu mắc bệnh tiểu đường, nghiêm trọng đến nỗi làm hỏng cả đôi mắt của bà. Năm 1985, bà phải nhập viện vì phổi có nước. Sau đó, bà lại phải phẫu thuật trị bệnh tim vì chứng đột quỵ. Năm 1992, Ella bị cưa cả hai chân, được chăm sóc 24/24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ngày 15.6 năm này, bà qua đời, không có thân nhân nào bên cạnh ngoại trừ toán nhân viên y tế của bệnh viện. Bà đã để lại cho các thế hệ nghệ sĩ về sau một tấm gương phấn đấu bền bỉ, biến mình từ một cô gái da đen bụi đời trở thành nữ hoàng nhạc jazz của một thời. 

(Trích Đời thường các nhân vật nổi tiếng trên thế giới do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.