Có bệnh 'bò điên', vì sao Brazil ngừng xuất đến Trung Quốc nhưng vẫn đưa bò sang Việt Nam?

07/09/2021 13:49 GMT+7

Sau khi phát hiện bệnh "bò điên '', Brazil tạm ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc trong khi đây là thị trường nhập khẩu bò lớn nhất nhưng Brazil vẫn xuất khẩu bò sang Việt Nam .

Ngày 7.9, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã có thông tin về bệnh "bò điên" xuất hiện tại Brazil trong khi Việt Nam đang nhập khẩu bò sống từ quốc qua gia này.
Cục Thú y cho biết, trong thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin Brazil mới xuất hiện 2 ca bệnh “bò điên không điển hình” tại 2 nhà máy giết mổ trâu bò. 
2 ca bệnh “bò điên không điển hình” mới xảy ra tại Brazil là ở bò già 17 năm tuổi và được phát hiện trong quá trình kiểm soát ở các bang Minas Gerais và Mato Grosso. Nhưng trên hệ thống báo cáo dịch bệnh của OIE (Tổ chức sức khỏe động vật thế giới) chưa có thông tin về các ca bệnh này.
Bệnh bò điên có 2 thể: bệnh "bò điên cổ điển" (Classical BSE) và bệnh "bò điên không điển hình" (Atypical BSE). Trong đó, bệnh "bò điên không điển hình" xảy ra một cách tự nhiên và rải rác. OIE loại trừ thể bệnh “bò điên không điển hình” ra khỏi nhóm phân loại nguy cơ bệnh “bò điên” vì thể bệnh này chỉ xảy ra một cách tự nhiên ở bất kỳ quần thể bò nào với một tỷ lệ rất thấp.
Theo đó, OIE không đưa vào điều kiện thương mại quốc tế đối với trâu bò sống và sản phẩm từ trâu bò. Ở bất cứ tình trạng nào về thể bệnh “bò điên cổ điển", các nước đều có thể xuất khẩu được trâu bò sống.
Nhưng tùy vào tình trạng thể bệnh “bò điên cổ điển" do OIE công nhận, nước xuất khẩu và nước nhập khẩu thỏa thuận các điều kiện xuất nhập khẩu theo quy định của OIE để bảo vệ sức khỏe cho động vật và cho người.

Kiểm soát chặt chẽ bò Brazil về Việt Nam

Cục Thú y khẳng định, căn cứ quy định của OIE về bệnh “bò điên” trong thương mại quốc tế, Brazil vẫn được duy trì xuất khẩu trâu, bò sống để làm giống, để giết mổ làm thực phẩm và thịt bò đông lạnh sang các nước trên thế giới.
Hiện tại, Brazil là nước xuất khẩu trâu bò sống lớn thứ năm và là quốc gia xuất khẩu thịt bò đông lạnh lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 23% lượng thịt bò của cả thế giới), đến trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thịt bò lớn nhất của Brazil.
Cũng theo Cục Thú y, riêng đối với thị trường Trung Quốc, Brazil đã chủ động tạm ngừng xuất khẩu thịt bò đông lạnh với lý do Brazil và Trung Quốc đã ký kết nghị định thư về xuất khẩu thịt bò đông lạnh từ Brazil sang Trung Quốc. Theo đó, Brazil sẽ tạm ngừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc khi phát hiện ca bệnh “bò điên không điển hình” tại nước xuất khẩu.
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua vẫn xem xét cho phép nhập khẩu bò sống (bò giống, bò sữa), thịt bò đông lạnh từ nhiều nước đã có ca bệnh “bò điên cổ điển". Còn với Brazil, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì nhập khẩu bò sống về giết mổ làm thực phẩm.
“Đối với lô bò sống để giết mổ làm thực phẩm xuất khẩu từ Brazil vào Việt Nam thì việc thực hiện kiểm dịch nhập khẩu bò được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của OIE, pháp luật về thú y Việt Nam và theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT”, Cục Thú y khẳng định.
Cũng theo thông tin từ báo chí nước ngoài, sau khi ngưng xuất khẩu với Trung Quốc khi phát hiện bệnh "bò điên'', Brazil đã xuất khẩu lô hàng 14.000 con bò sang Việt Nam. Số bò từ Brazil này dự kiến sẽ cập cảng Việt Nam vào cuối tháng 9.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.