Có cách nào chữa trị cơn say?

Kiều Oanh
Kiều Oanh
05/02/2019 11:10 GMT+7

Khi nâng ly “dô, dô, dô”, tinh thần các “chiến hữu” lên rất cao. Nhưng cái cảm giác lâng lâng đó xuống rất nhanh sau chầu nhậu bởi các tổn hại do alcohol gây ra cho cả thể chất lẫn tâm thần.

Dưới đây là những cách giảm nhẹ hậu quả cơn say theo lời khuyên của giới chuyên môn do CBS News tổng hợp:

Bù nước đúng cách

Càng uống càng khát - chuyện tưởng chừng vô lý lại luôn có lý với rượu bia. Alcohol là chất lợi tiểu hay nói dễ hiểu là “bắt” chúng ta đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.
Nốc rất nhiều rượu bia còn làm gia tăng đổ mồ hôi, nôn và tiêu chảy, càng làm cơ thể mất nước. Chính vì thế mà sau cơn say, người ta có thể cảm nhận rất rõ các triệu chứng của mất nước như khát, khô họng, đau đầu, yếu sức…
Tất nhiên, khi thiếu nước thì người ta nghĩ đến ngay chuyện bù nước. Nhưng ít người biết rằng thiếu nước cũng thường đi kèm với mất cân bằng điện giải. Chính vì thế, bù nước và chất điện giải sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng kể trên hiệu quả hơn việc chỉ uống nước thuần túy.

“Tráng dạ dày”

Rượu bia thường gây ra lo lắng, chán chường Shutterstock
Khi bắt đầu tỉnh cơn say để mà “oải”, các ông Tây thường “cấp cứu” bằng một đĩa đầy thịt xông khói và trứng. Liệu đây có thực sự là cứu tinh?
Giới chuyên môn cho biết những thực phẩm như thịt xông khói, trứng hoặc bông cải xanh chứa một loại amino acid có tên gọi là cysteine, có tác dụng làm giảm loại độc tố acetaldehyde. Độc tố này được sản sinh ra khi cơ thể chuyển hóa alcohol và đó chính là một trong những thủ phạm gây ra các triệu chứng khó chịu sau cơn say như tim đập nhanh, chóng mặt, nôn ói…
Tuy nhiên, cho tới nay hầu như không có bằng chứng khoa học chắc chắn để chứng minh tác dụng của những loại thực phẩm kể trên đối với acetaldehyde.
Nếu muốn dùng thực phẩm để giảm nhẹ tác hại rượu bia thì lắm ông nhậu luôn biết cách áp dụng hiệu quả: “tráng dạ dày” bằng các thực phẩm giàu protein, chất béo và carbohydrate trước khi uống. Cách này làm chậm quá trình hấp thu alcohol.

Lấy độc trị độc

Giữa lúc quá “oải” sau chầu nhậu, nhiều người thề rằng sẽ không bao giờ nhậu nữa. Trái lại, có người “sáng tạo” ra cách trị say theo kiểu lấy độc trị độc: tiếp tục nốc rượu! Họ cho rằng không có cách giảm nhẹ nào hiệu quả bằng cách… uống tiếp!
Tuy nhiên, uống trong lúc chưa tỉnh cơn say là điều cực kỳ nguy hiểm. Các cơ quan nội tạng quan trọng như gan cần phải có đủ thời gian để phục hồi các tổn hại do lần xỉn trước. Ở Anh, các hướng dẫn y tế của chính phủ đều cho rằng cần phải tránh đụng tới rượu bia ít nhất là 48 giờ đồng hồ sau một chầu nhậu xỉn.

Thuốc trị xỉn?

Thời nay không ít loại dược phẩm được tiếp thị chữa trị các triệu chứng sau cơn say. Một số loại thuốc được quảng cáo là giúp cơ thể đẩy nhanh tiến trình đào thải acetaldehyde. Các sản phẩm khác thì được quảng cáo là giúp giảm viêm và giải quyết việc alcohol làm thay đổi não bộ, tác động đến quá trình tư duy.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, cho tới nay chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy tồn tại một loại dược phẩm nào có thể chữa trị hiệu quả tình trạng “oải” sau cơn say.
Tình trạng cơ thể sau khi say là sự kết hợp phức tạp giữa các triệu chứng cả về thể chất và tâm thần sau nhiều thay đổi phức tạp ở hàng loạt cơ quan trong cơ thể, bao gồm não bộ. Cho tới nay cũng hầu như không có loại dược phẩm nào tập trung giải quyết vào các tổn hại do rượu bia gây ra cho khả năng tập trung, trí nhớ, khả năng phản ứng hoặc cảm giác chán chường, lo lắng…
Vậy nên xem ra chỉ có một giải pháp hiệu quả nhất: đừng nhậu hoặc chí ít là uống ít thôi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.