Liên quan đến vụ 80 con heo VietGap nuôi ở Đồng Nai khi bán vào TP.HCM thì bị phát hiện nhiễm chất cấm gây xôn xao dư luận, ông Quang cho biết Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh Đồng Nai) và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã vào cuộc điều tra, truy xuất nguồn gốc, hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
“Cấp đại” giấy kiểm dịch
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc dư luận cho rằng có một số cán bộ thú y giao luôn con dấu kiểm dịch cho cơ sở chăn nuôi, thậm chí “cấp đại” giấy kiểm dịch, sau đó kiểm đếm đầu heo để thu phí, ông Quang nói: “Không ai chỉ đạo cấp đại vì người cấp giấy phải chịu trách nhiệm. Nhưng tôi nghĩ chuyện này cũng có thể xảy ra chứ không phải không. Nếu cán bộ thú y mà làm hời hợt, làm tầm bậy thì chết thôi. Thông tin đó, nhà báo nói là hoàn toàn chính xác bởi vì không loại trừ chuyện đó có thể xảy ra”. Ông Quang cũng cho biết trước đây đã từng xử lý, luân chuyển một số trường hợp cán bộ dưới quyền vi phạm. “Nói thiệt tụi tui mệt mỏi ba cái vụ chất cấm này. Thú y bao nhiêu chuyện mà cứ xà quần chất cấm miết cũng điên cả đầu. May mà dịch bệnh không xảy ra chứ xảy ra nữa thì gay go”, ông Quang than thở.
|
Năm 2015, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai kiểm tra 386 mẫu heo thì phát hiện 47 mẫu dương tính với chất cấm. 3 tháng đầu năm 2016 kiểm tra 80 trang trại heo, phát hiện 2 trang trại dương tính với chất cấm. Trong đó trang trại ông Phạm Văn Cấp (165 con); trang trại ông Đào Đức Thành (cùng ngụ H.Vĩnh Cửu) 1.060 con. Nhưng hai hộ này cũng chỉ bị xử phạt 15 triệu đồng/hộ.
Muốn kiểm Tra chất cấm phải… báo trước
Theo ông Quang, quy trình kiểm dịch heo được thực hiện theo Quyết định 15 của Bộ NN-PTNT ban hành từ năm 2006. Khâu kiểm dịch chủ yếu là kiểm tra dịch bệnh, việc tiêm phòng và phương tiện vận chuyển có đảm bảo vệ sinh thú y hay không. Sau khi chủ heo đăng ký, khai báo theo mẫu thì cán bộ trạm thú y đóng dấu, niêm phong phương tiện vận chuyển. Xe vận chuyển đến trạm xuất tỉnh của chi cục thì căn cứ vào hồ sơ kiểm dịch, cán bộ thú y tiến hành đổi giấy để vận chuyển ra khỏi tỉnh. Trong quy trình này không có khâu kiểm tra chất cấm.
“Hiện nay, việc test chất cấm theo quy định phải báo trước cho cơ sở chăn nuôi. Cán bộ thú y không được tự đi ngoại trừ trường hợp có đường dây nóng báo. Thành phần test chất cấm gồm cảnh sát môi trường, chính quyền địa phương và lực lượng thú y”, ông Quang giải thích.
Hiện Đồng Nai có 2.230 trang trại chăn nuôi, trong đó có 1.540 trang trại heo, 740 trang trại gà, còn lại là nuôi cút, vịt, bò. Mỗi ngày, bình quân lượng heo xuất bán cho TP.HCM là 3.000 con, còn lại trên 6.000 con bán cho địa phương khác và Trung Quốc. Trong khi đó, tổng số cán bộ ngành thú y là 174 người. Do lực lượng quá mỏng nên phải hợp đồng với 148 cộng tác viên. Cộng tác viên được trả thù lao hơn 1,1 triệu đồng/người/tháng, hợp đồng theo từng năm, có nhiệm vụ phối hợp với cán bộ trạm thú y các huyện, thị nắm bắt tình hình chăn nuôi, dịch bệnh. “Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi trọng điểm, trang trại rất nhiều mà không có lực lượng này làm cầu nối nắm bắt tình hình, thông báo dịch thì làm sao quản lý được. Tổng đàn heo của Đồng Nai hiện nay là 1,7 triệu con, trong đó có 1,4 triệu con heo thịt. Trong khi đó chỉ có 8 trang trại heo và 622/20.000 nông hộ đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm đạt VietGAP thì ít, nhu cầu lại nhiều là cơ hội để gian thương lợi dụng làm ăn tào lao. Tổ chức bộ máy thú y đến huyện là hết rồi. Trong khi cơ sở chăn nuôi phần lớn nằm dưới xã. Không có đội ngũ cộng tác viên thì làm sao anh em có thông tin để mà quản lý điều hành”, ông Quang nói.
|
Bình luận (0)