Có cần kiểm soát đầu cơ trên thị trường vàng?

31/07/2024 06:18 GMT+7

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng trên địa bàn thành phố với một trong các nhiệm vụ là kiểm tra dấu hiệu đầu cơ, trục lợi. Thông tin này đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Báo cáo thông tin hằng ngày cho công an

Theo quyết định, Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng trên địa bàn TP.HCM (Tổ công tác) có nhiệm vụ tổ chức thu thập, phân tích thông tin, số liệu, tình hình về khách hàng mua bán vàng miếng trên địa bàn thành phố; triển khai công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh vàng của các cơ sở kinh doanh mua, bán vàng miếng và sản xuất, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ; kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu nghi vấn đầu cơ, trục lợi, gây bất ổn thị trường vàng trên địa bàn thành phố.

Có cần kiểm soát đầu cơ trên thị trường vàng?- Ảnh 1.

TP.HCM mới thành lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng trên địa bàn thành phố

Ảnh: Nhật Thịnh

Đại diện Công an TP.HCM là tổ trưởng và đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM là tổ phó. Tổ công tác có nhiệm vụ thu thập và chuyển giao Công an TP.HCM thông tin, tài liệu danh sách cá nhân mua vàng tại các điểm bán vàng miếng của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và 4 ngân hàng (NH) thương mại trên địa bàn thành phố (hằng ngày). Đồng thời, NHNN chi nhánh TP.HCM nghiên cứu các giải pháp và tham mưu chỉ đạo Công ty SJC và 4 NH chủ động phát hiện các cá nhân nghi vấn được thuê mua vàng, thu gom vàng; cung cấp kịp thời cho lực lượng Công an TP.HCM, quận, huyện để triển khai các biện pháp nghiệp vụ.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, sắp tới Tổ công tác sẽ họp để bàn về việc thu thập thông tin gì trong giao dịch vàng báo cáo hằng ngày cho phía công an.

Trên thực tế, khoảng 2 tháng qua, khách đến mua vàng miếng tại 4 NH và Công ty SJC cũng đã được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân gồm họ tên, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ. Như vậy, việc ghi nhận thông tin của khách hàng mua vàng miếng SJC vốn đã được thực hiện và khi cần, các đơn vị bán vàng miếng cũng có thể cung cấp danh sách này.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, thuộc Hiệp hội Tư vấn tài chính VN, cho rằng việc thành lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng cũng tốt cho thị trường, nhưng cũng không cần thiết lắm trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt khi thị trường vàng đã tương đối ổn định sau khi NHNN áp dụng giải pháp bán vàng miếng SJC qua 4 NH và Công ty SJC. Hơn nữa, NHNN cũng đã có công văn gửi Bộ Công an phối hợp điều tra theo dõi, chống làm giá trên thị trường, giúp thị trường minh bạch hơn, cũng như phát hiện các giao dịch bất hợp pháp trên toàn quốc chứ không riêng gì từng địa phương. Như vậy, các quy định hiện nay trên thị trường vàng đã có đầy đủ, khách hàng tuân thủ mua bán vàng miếng SJC đúng nơi quy định, được nhà nước cấp phép mua bán vàng miếng SJC thì không phải lo ngại vi phạm. Mỗi địa phương không cần thiết phải tổ chức thêm các tổ công tác về thị trường.

Khó phân biệt đầu cơ với đầu tư

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nhận xét: Việc lập Tổ công tác của TP.HCM phần nào khiến người dân có tâm lý chùn tay để mua vàng miếng SJC. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay không có lý do nào cần thiết để có thêm một lực lượng như vậy. Đó là chưa kể sẽ làm tăng thêm chi phí công. Nếu để chống buôn lậu vàng thì đã có cơ quan hải quan phối hợp với ngành thuế. Còn để kiểm soát hoạt động kinh doanh, giao dịch của các công ty và cửa hàng vàng bạc đã có ngành quản lý thị trường kết hợp cơ quan thuế. Những hoạt động thanh, kiểm tra hoạt động giao dịch thị trường vàng cũng như các ngành khác là bình thường. Đó là chưa kể thời gian qua Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính đều có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan và thị trường đã hoạt động ổn định.

"Để phân biệt được đầu cơ với đầu tư rất khó khi ranh giới giữa hai hoạt động này khá mong manh. Chẳng hạn, khi một cá nhân mua 20 lượng vàng miếng vì xem đây là tài sản tích lũy. Sau một thời gian giá vàng tăng cao thì họ sẽ bán ra để thu tiền về khi có lãi. Để có được tác động đáng kể đến thị trường thì một cá nhân, tổ chức nào đó phải nắm giữ thị phần đáng kể, tối thiểu từ 10% trở lên. Sau đó họ có nhiều động thái, chiêu trò để thúc đẩy tăng giá sản phẩm trên thị trường. Trong khi đó, giá vàng VN vẫn đi theo biến động của vàng thế giới nên tại VN sẽ khó có tổ chức, cá nhân nào đủ sức để có thể tác động đến giá vàng. Vì vậy khi giá vàng thế giới tăng, vàng miếng SJC cũng tăng theo và những người đã có vàng bán ra thu lợi thì làm thế nào để nói rằng đó là đầu cơ?", ông Hiếu đặt vấn đề.

Ông phân tích thêm: "Trên thị trường hiện nay, chúng ta vẫn hay nói về các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và kể cả vàng. Như vậy, nếu cá nhân nào dự đoán được thì vẫn có thể mua các loại tài sản này từ lúc giá thấp và chờ giá cao bán ra để thu lợi nhuận chênh lệch. Hoạt động này vẫn được khuyến khích và không thể quy là đầu cơ".

Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cũng cho rằng việc kiểm soát, kiểm tra các hoạt động nhập lậu, trốn thuế, gian lận thương mại… trên thị trường vẫn diễn ra thường xuyên. Chúng ta cũng đã phân công cho các cơ quan rõ ràng và có đầy đủ các quy định liên quan. Còn đối với hoạt động chống đầu cơ thường chỉ xuất hiện trong những bối cảnh đặc biệt. Ví dụ, khi có bão lũ hạn hán, một số sản phẩm như lương thực thực phẩm thiết yếu trở nên khan hiếm hay một số hàng hóa gồm chăn mền, tôn mạ, ngói… phục vụ đảm bảo đời sống thiết yếu người dân cần phải được kiểm soát để tránh hiện tượng đầu cơ khan hiếm. 

Trong khi đó, vàng không phải là sản phẩm thiết yếu hay phục vụ đời sống hằng ngày. Đơn giản đó chỉ là sản phẩm mà người dân xem như tài sản để tích lũy, là của để dành. Thậm chí, từ trước đến nay người có tiền mua cả trăm cây vàng cũng không vi phạm gì vì không có quy định nào cấm người dân mua vàng số lượng lớn. Tương tự, người đi mua giùm cho người khác cũng không hề vi phạm. Giống như người dân có thể đi mua giùm cho người khác nhiều hộp khẩu trang y tế hay nhiều loại rau quả… là bình thường.

Ngoài ra, nếu nói về việc phòng chống rửa tiền thì theo Quyết định 11/2023 của Thủ tướng, giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo từ 400 triệu đồng trở lên thì các đơn vị kinh doanh vàng bạc sẽ thực hiện báo cáo theo quy định và không liên quan đến khách hàng…

Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Việc giao dịch với giá trị lớn là có báo cáo thì các đơn vị thực hiện tự động. Giống như việc người dân mua bán nhà cửa, đất đai là thoải mái, thực hiện đúng theo quy định về khai báo, nộp thuế. Xét cả về bối cảnh thị trường và cơ sở pháp lý thì không cần thiết phải có thêm Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng. 

Vàng không phải là sản phẩm thiết yếu hay phục vụ đời sống hằng ngày. Đơn giản đó chỉ là sản phẩm mà người dân xem như tài sản để tích lũy, là của để dành. Thậm chí, từ trước đến nay người có tiền mua cả trăm cây vàng cũng không vi phạm gì vì không có quy định nào cấm người dân mua vàng số lượng lớn.


LS Trương Thanh Đức

Giá vàng miếng giảm

Hôm qua (30.7), sau nhiều ngày đứng yên, vàng miếng SJC giảm 500.000 đồng mỗi lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 77 triệu đồng/lượng và bán ra 79 triệu đồng. Vàng miếng SJC cao hơn thế giới khoảng 5,8 triệu đồng/lượng. Riêng vàng nhẫn 4 số 9 được SJC mua vào với giá 75,6 triệu đồng và bán ra 77 triệu đồng, cao hơn thế giới khoảng 3,8 triệu đồng/lượng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.