Có cần lát đá nhiều tuyến phố cổ Hà Nội?

12/08/2015 06:09 GMT+7

Hà Nội lấy ý kiến để đánh giá sự phù hợp của việc lát đá mặt đường một số tuyến phố cổ. Song theo nhiều chuyên gia, điều này cần cân nhắc.

Hà Nội lấy ý kiến để đánh giá sự phù hợp của việc lát đá mặt đường một số tuyến phố cổ. Song theo nhiều chuyên gia, điều này cần cân nhắc.

Có cần lát đá nhiều tuyến phố cổ Hà Nội ?Phố Tạ Hiện luôn tấp nập du khách - Ảnh: Ngọc Thắng
Thông báo phát đi của Văn phòng UBND TP.Hà Nội nêu rõ: các đơn vị liên quan sẽ kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của việc lát đá mặt đường một số tuyến phố cổ mà Q.Hoàn Kiếm đề nghị lát. Các đơn vị này sau đó sẽ đề xuất báo cáo quan điểm với thành phố về vấn đề trên.
Thúc đẩy thương mại, dịch vụ và du lịch
Theo đề xuất của Q.Hoàn Kiếm, những tuyến phố sẽ được lát đá mặt đường gồm: Tạ Hiện (một phần phố này đã được lát trong dự án thí điểm, nay đề xuất lát phần còn lại - PV), Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy và Đào Duy Từ. “Các tuyến phố này sẽ được đổ bê tông nền đường, mặt đường lát bằng đá tự nhiên”, UBND Q.Hoàn Kiếm đề nghị.
Đường đi bộ trong khu phố cổ đang được sử dụng hỗn hợp đi bộ có giờ, các phương tiện giao thông khác vẫn sử dụng đường ngoài giờ cấm (để đi bộ). Vậy lát đá được tính trọng tải cho đi bộ hay cơ giới. Chưa kể xe cứu thương, cứu hỏa, xe cẩu vẫn đi lại 
KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư VN
Lý giải về đề xuất, UBND Q.Hoàn Kiếm cho biết từ năm 2011, một dự án cải tạo thí điểm phố Tạ Hiện được thực hiện. Mặt đứng một đoạn phố đã cải tạo, đường đoạn đó cũng được đổ bê tông lót rồi lát đá tự nhiên. Nắp hố ga, rãnh thoát nước, bó vỉa, vỉa hè cũng được thay bằng đá tự nhiên. Sau cải tạo, đoạn phố điểm đó trở thành điểm thu hút khách đến với phố cổ Hà Nội. Lát đá mở rộng, Q.Hoàn Kiếm muốn đồng bộ hạ tầng, thúc đẩy thương mại, dịch vụ và du lịch. Điều này cũng hướng tới bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống và mở rộng tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội. Nếu được, việc lát đá sẽ được thực hiện từ 2015 -2016, bằng ngân sách quận.
Chỉ lát đá khi có phố đi bộ hoàn toàn
Trong danh sách các tuyến phố mà Q.Hoàn Kiếm đề xuất thấy có hai nhóm. Nhóm những phố sát với đoạn phố thí điểm Tạ Hiện như Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến... Nhóm thứ hai là trục phố từ bờ hồ Hoàn Kiếm kéo lên thẳng chợ Đồng Xuân rồi lên tiếp Quán Thánh như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân... Nhóm phố này, theo một giảng viên kiến trúc của ĐH Xây dựng Hà Nội thì: “Vẫn là phố kết hợp giữa giao thông cơ giới và đi bộ. Mà đi bộ cũng chỉ vào cuối tuần. Nó chưa thể thành tuyến phố đi bộ 100% được vì đó là con đường huyết mạch nối giữa khu phía sau Hồ Gươm với khu phía trên, Cửa Bắc-Quán Thánh”.
Phố cổ chưa từng lát đá
Theo cuốn Văn hóa kiến trúc của KTS Hoàng Đạo Kính thì cho đến cuối thế kỷ 19, đường phố ở Hà Nội chưa lát gạch và đá, chưa phủ lớp nhựa đường, chưa có vỉa hè. “Về mặt lịch sử thì đường phố Hà Nội chưa bao giờ lát đá cả”, KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư VN nói. Bà Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Tôi thấy không nên tạo ra cái không có thật của di tích, vô nghĩa và tốn kém”.
Chính do chức năng con đường huyết mạch nên theo giảng viên này, chúng vẫn tiếp tục phải sử dụng cho các phương tiện cơ giới. Nghĩa là nó dài hơn rất nhiều, chức năng quan trọng hơn nhiều so với đoạn phố thử nghiệm Tạ Hiện. Vì thế, theo giảng viên này, chưa thể lát đá những tuyến phố trên được.
KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng phải xét toàn bộ xem lát đá lên mặt đường nhựa nhằm mục đích gì. Nó nhằm giúp phố đẹp hơn, trông cổ kính hơn hay đi lại thuận tiện hơn, an toàn hơn, duy tu bảo dưỡng dễ dàng hơn. Cũng cần xem việc xử lý các công trình đường dây, đường ống dưới mặt đường như thế nào.
“Đường đi bộ trong khu phố cổ đang được sử dụng hỗn hợp đi bộ có giờ, các phương tiện giao thông khác vẫn sử dụng đường ngoài giờ cấm (để đi bộ). Vậy lát đá được tính trọng tải cho đi bộ hay cơ giới. Chưa kể xe cứu thương, cứu hỏa, xe cẩu vẫn đi lại”, ông Ánh băn khoăn.
GS Đặng Văn Bài, Hội đồng Di sản quốc gia, nói: “Liên quan đến đời sống, đi lại của người dân thế này thì việc lát đá hay chuyển sang đi bộ hoàn toàn thì phải hỏi ý kiến người dân. Cộng đồng là yếu tố quan trọng trong giữ gìn không gian văn hóa”.
Một điểm khác cũng khiến nhóm phố cổ mà Q.Hoàn Kiếm đề nghị lát đá khác với Tạ Hiện là chúng chưa được cải tạo mặt đứng. Còn nhớ, vào thời điểm cải tạo Tạ Hiện, KTS Nguyễn Hoàng Long - chủ nhiệm đề án, từng chia sẻ với báo chí: “Hiện những đoạn phố có giá trị kiến trúc cao không còn nhiều và ngày một mất dần”.
TS Triệu Hiển, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng VN, một người nghiên cứu lịch sử cho rằng: “Riêng cá nhân tôi thì thấy chưa nên lát đá trên mặt tuyến 10 phố cổ. Vì làm như vậy không đồng bộ, gây lãng phí. Nếu sau này những tuyến phố đó chỉ dành riêng cho người đi bộ, cấm tất cả các loại xe thì có thể dùng gạch Bát Tràng sẽ phù hợp hơn với người VN”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.