Có cần thêm danh hiệu 'Kiến trúc sư Ưu tú', 'Nhà văn Nhân dân'...?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/06/2022 06:57 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao chất lượng chứ không phải thêm danh hiệu vào luật Thi đua khen thưởng .

Băn khoăn đề xuất mới về tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Góp ý về dự thảo luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) tại phiên họp của Quốc hội mới đây, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, cho rằng việc có 3/9 chuyên ngành nghệ thuật còn chưa được tặng danh hiệu NSND, NSƯT là chưa hợp lý. Điều này chưa đánh giá đúng và đầy đủ sự cống hiến của các loại hình văn học nghệ thuật đối với xã hội, nói đúng hơn là đối với sự nghiệp cách mạng, vô tình làm giảm sức sáng tạo và sự cống hiến của văn nghệ sĩ.

Tác phẩm Nữ pháo binh Ngư Thủy của nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng. Ông đã nhận giải thưởng nhà nước về nhiếp ảnh

Lương Nghĩa Dũng

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học là “vấn đề mới”. Trong suốt quá trình soạn thảo, Bộ Nội vụ không nhận được đề nghị này. Bà Trà cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho lấy phiếu để đại biểu Quốc hội lựa chọn quyết định phương án cụ thể.

Nguồn tin từ Bộ VH-TT-DL cho biết bà Trần Thị Thu Đông cũng từng chia sẻ với đồng nghiệp về băn khoăn tại sao những lĩnh vực như nhiếp ảnh, văn học, kiến trúc chưa có danh hiệu NSND, NSƯT. Một vị nguyên là lãnh đạo Bộ VH-TT-DL nhìn nhận “đó là 2 sân chơi khác nhau. Một bên là sáng tác, một bên là biểu diễn”.

GS-TS Nguyễn Quốc Thông, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư, cho biết không thiếu các giải thưởng tôn vinh kiến trúc sư. Trong số đó, tôn vinh của một hội nghề nghiệp rất quan trọng. Hằng năm, Hội Kiến trúc sư VN vẫn có các giải thưởng cho các công trình, các nghiên cứu kiến trúc. Chính vì thế, trước giờ cũng không ai đề xuất vấn đề bổ sung danh hiệu Kiến trúc sư Ưu tú, Kiến trúc sư Nhân dân cả. “Có đủ thứ rồi”, GS Thông nói.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, cũng cho rằng không nên đặt ra danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú. Theo ông Nguyên, nếu cứ đòi các ngành nghệ thuật phải có tôn vinh như thế thì âm nhạc cũng phải có Nhạc sĩ Nhân dân, Nhạc sĩ Ưu tú chứ đâu chỉ có nhà văn. Chưa kể còn các nhà thiết kế nữa. “Đó chỉ nên là danh hiệu trao cho nghệ thuật biểu diễn, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh. Trong điện ảnh, trong sân khấu, chỉ trao cho người biểu diễn thôi”, ông Nguyên nói.

Nỗi lo mất... thiêng

Nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa lại băn khoăn về độ “vênh” giữa các cách tính điểm theo quy chế Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN và Chính phủ. Chẳng hạn, khi tính điểm kết nạp hội viên mới và xét tước hiệu, Hội chỉ tính điểm ở các cuộc thi do Hội tổ chức hay phối hợp tổ chức. Hội cũng tính điểm ở các cuộc thi do FIAP, PSA (Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ), RPS (Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh), ISF (Hội Nhiếp ảnh Không biên giới) tổ chức, nhưng chính các cuộc thi ảnh quốc gia mà Bộ VH-TT-DL tổ chức lại không được công nhận. Trong khi đó, để xét NSND, NSƯT thì Bộ VH-TT-DL lại xét theo quy đổi: giá trị của 1 huy chương vàng ở cuộc thi mà Hội chuyên ngành tổ chức chỉ bằng 2/3 giá trị của huy chương vàng cuộc thi của Bộ.

Ông Khoa đặt câu hỏi: “Ai cũng biết, danh hiệu của nhà nước trao là cao quý. Nhưng cũng không thể mưa dầm thấm xuống đến mọi hội viên. Và khi đã lấy danh hiệu của nhà nước trao làm chuẩn mực, thì giá trị những danh hiệu sẵn có sẽ thế nào? Để cùng song song tồn tại, hay sẽ bị hủy đi?”.

Cũng phải nói thêm, hiện tại tuy không có danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh, song họ vẫn được nhận các tưởng thưởng của nhà nước qua Giải thưởng Nhà nước cũng như Giải thưởng Hồ Chí Minh. Các nhạc sĩ, các nhà văn cũng như vậy. Những giải thưởng này được trao cho tác giả với những tác phẩm, cụm tác phẩm có giá trị cụ thể.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết các danh hiệu cũng đang có một vấn đề là “càng ngày càng nhạt”. Có những NSND, NSƯT mà công chúng không biết mấy. Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh lại càng ngày càng khó tìm người. Theo ông Nguyên: “Nếu không cẩn thận sẽ càng ngày càng nhạt, khó tìm người. Rồi mở rộng ra nữa thì lại rẻ rúng giải thưởng đi. Cứ mở rộng kiểu này sẽ không tốt, không hay. Nhà nước có thể tìm cách tưởng thưởng sáng tạo khác chứ không phải chỉ bằng cách tặng danh hiệu này”.

Ông Nguyên cũng cho rằng, muốn tôn vinh nhà văn, kiến trúc sư… và các tác phẩm, đã có các hội chuyên ngành. “Hằng năm đều có giải thưởng Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ… Tốt nhất là tìm cách nâng cao chất lượng giải thưởng này thì hơn là thêm danh hiệu”, ông Nguyên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.