Loài đa nhãn có năng lực khiến mạng nhện của chúng xoắn lại, tạo nên áp lực đàn hồi trước khi thả lỏng tấm mạng, phóng chúng về phía con mồi với tốc độ khủng khiếp. Phát hiện mới đã đặt loài nhện có tên khoa học là Hyptiotes cavatus bên cạnh con người về khoản biết sử dụng công cụ để khuếch trương tối đa năng lượng cơ bắp, giống như trường hợp con người thiết kế và sử dụng nỏ, ná để tấn công mục tiêu từ xa.
Lao đến với tốc độ hơn tên lửa
Chuyên gia Sarah Han, đang nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Akron (bang Ohio, Mỹ), cho hay đây là cơ chế săn mồi thú vị mà con người trước đây vẫn chưa nắm bắt được ở loài nhện. Cô Han và đồng sự đã quan sát loài nhện trên trong điều kiện phòng thí nghiệm, ghi lại hoạt động của chúng trong lúc săn mồi, trong trường hợp này là ruồi.
“Con nhện sử dụng cơ bắp để xoắn mạng nhện lại, giống như cách bạn dùng tay nắm kéo dây nỏ hoặc ná - giữ nguyên vị trí cho đến khi con mồi lọt vào tầm ngắm”, chuyên gia Han mô tả. Điều đó có nghĩa là con nhện có thể kiên trì giữ áp lực và không hề xao động trong hàng giờ cho đến khi đạt được mục đích.
Khi con nhện thả dây mạng, cả mạng và con nhện đều lao về phía trước với tốc độ nhanh như chớp. Trước lúc con mồi kịp đối phó, dây mạng đã lao đến bao vây nó, khởi động quá trình đánh bắt từ xa. Theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), các chuyên gia tính toán được những con nhện này tự bắn mình về phía trước với gia tốc lên đến 772,85 m/s2, có nghĩa là gấp khoảng 26 lần gia tốc tối đa của phi thuyền con thoi được vận hành bởi Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Con vật cũng duy trì tư thế không thay đổi kể từ khi buông dây, cho phép chúng tấn công hiệu quả con mồi từ xa, giảm nguy cơ hứng chịu tổn thất đối với cơ thể. Đây cũng là điều con người có thể học hỏi từ loài đa nhãn trong lĩnh vực phát triển các loại vũ khí khuếch đại sức tấn công.
Theo chuyên gia Han, có thể vẫn còn những loài nhện biết cách tích tụ năng lượng trong tơ nhện để bắt mồi, mở ra một lĩnh vực khác cho con người nghiên cứu. Không dừng lại ở đó, đội ngũ nghiên cứu chưa phân tích xong “cơ chế bắt mồi” của loài nhện Hyptiotes cavatus, hứa hẹn các ứng dụng thực tiễn nếu con người có thể nghiên cứu thành công. “Rất đáng để tìm hiểu bằng cách nào một con nhện với cơ thể nhỏ bé lại duy trì được năng lượng khổng lồ so với kích thước của nó”, chuyên gia Han cho biết. “Có lẽ chúng ta sẽ tìm được một điều gì đó mới mẻ có thể ứng dụng trong thế giới con người”, cô kết luận.
Bình luận (0)