Vượt trội hơn 80 đặc khu, nhưng...
Ngày 3.11, Bộ KH-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu), đã chủ trì hội thảo chính sách kinh tế - xã hội đặc khu. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH-ĐT), cho hay với các chính sách vượt trội trong dự thảo luật, đặc khu của VN đủ sức cạnh tranh với 80 đặc khu trên thế giới, nhưng vẫn kém cạnh tranh nếu so sánh các chính sách về thuế của 3 đặc khu là Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), đảo British Virgin và đảo Cayman (thuộc Anh) là các thiên đường thuế.
|
|
Ông Đông dẫn chứng các chính sách được coi là vượt trội như miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày trong thời gian 180 ngày và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài.
Các hãng hàng không được phép vận chuyển quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến hoặc điểm đi tại đặc khu. Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành trong 10 năm đầu kể từ khi có doanh thu để cạnh tranh với Singapore, Malaysia, Campuchia, Macau.
Hay quy định cho phép giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch VN và người nước ngoài tại khu phi thuế quan bằng với định mức miễn thuế nhập khẩu đối với hành lý của người nhập cảnh cho từng lần nhập cảnh. Cùng với đó là quy định cho phép trưởng đặc khu hoặc UBND đặc khu ban hành một số quy chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn quốc gia.
Cần đặc biệt hơn nữa
Thế nhưng theo nhiều chuyên gia, vẫn còn nhiều vấn đề mà dự luật chưa thể hiện được sự đột phá. Nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, TS Võ Trí Thành, cho rằng cần tiếp cận đặc khu ở 3 khía cạnh là dịch chuyển tự do của nguồn lực có vượt được các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay ở mức độ dịch chuyển và bao phủ; thứ hai là thực thi về thể chế, cấu trúc quyền lực và xử lý tranh chấp; thứ ba mới là các ưu đãi. “Dự thảo đang hướng tới yếu tố thứ ba nhiều quá”, TS Thành nhận xét và đề nghị: "Đặc khu phải là nơi thí điểm không chỉ cho thể chế mà còn cho những tư tưởng phát triển mới".
Còn ông Patrick Tay, Phó tổng giám đốc tư vấn chính sách Tập đoàn PWC (Malaysia), cho rằng cần phải có một bộ luật siêu hạng, không chỉ tập trung những gì tốt nhất hiện có mà phải đánh giá được xu thế trong tương lai để không sớm lạc hậu. “Tính rõ ràng, chắc chắn và tính thể chế, 3 yếu tố phải có trong dự thảo luật này. Nhưng tôi chưa thấy điều khoản đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự đổi mới sáng tạo, ngăn ngừa quan liêu”, ông Patrick nói.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, thì dẫn các quy định cụ thể về đất đai, thủ tục hành chính trong dự thảo để minh họa cho nhận định dự luật vẫn chưa thật sự đột phá. "Thủ tục hành chính ở đây vẫn theo mô hình một cửa. Phải mạnh dạn đưa ra yêu cầu tại các đặc khu là thủ tục hành chính điện tử, một cửa điện tử", ông Võ nhấn mạnh. Với chính sách đất đai, GS Võ cho rằng, hiện nhà nước đã cho phép thế chấp tài sản trên đất tại các ngân hàng nước ngoài, song dự luật lại không cho thế chấp quyền sử dụng đất là chưa đột phá.
Ngoài ra, hiện nhà đầu tư trong nước được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được thuê đất và được nhận góp vốn vào quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình cá nhân, song nhà đầu tư ngoại chưa được quyền này. “Tôi đề nghị cho nhà đầu tư nước ngoài được những quyền đó nhưng trong phạm vi đất của dự án”, GS Võ nói.
tin liên quan
Thông qua đề án thành lập đặc khu kinh tế Phú QuốcChiều 2.11, HĐND tỉnh Kiên Giang tổ chức kỳ họp bất thường để biểu
quyết thông qua đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú
Quốc (còn gọi là đặc khu kinh tế Phú Quốc).
Bình luận (0)