Sáng 2.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Đại học Huế.
|
Sau khi nghe báo cáo của PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cùng kiến nghị, đề xuất của các cán bộ giảng viên và đại diện các trường thành viên của Đại học Huế, ý kiến các bộ ngành và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo về định hướng phát triển, tầm nhìn, sứ mệnh của Đại học Huế.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Đại học Huế không phải là một trường của địa phương mà là một trường của quốc gia, trường của quốc tế”. Vì vậy Đại học Huế cần nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, tăng nhanh tỉ lệ giảng viên có trình độ cao.
“Giảng viên đại học không những là nhà giáo, nhà khoa học giỏi mà còn là nhà tư vấn, phản biện chính sách cho cho Chính phủ và Thủ tướng chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị giám đốc Đại học Huế tiến cử cho một nhà khoa học giỏi tham gia vào tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ. “Làm sao trong thời gian tới phải có những thông điệp của Thủ tướng được xuất phát, đề xuất từ Đại học Huế”, Thủ tướng đặt yêu cầu.
Về các kiến nghị của Đại học Huế, Thủ tướng kết luận: “Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng khu đô thị Đại học Huế (120 ha) giai đoạn 2 và 3 tại khu vực Trường Bia, TP.Huế. Giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế và hệ thống chính trị vận động, tạo điều kiện để sớm đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhà nước hỗ trợ kinh phí, chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ để có môt khu vực khu đô thị xứng tầm với tên gọi của Đại học Huế. Chính phủ sẽ tìm nguồn khoảng 100 triệu USD ODA và giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch- Đầu tư tìm nguồn để hỗ trợ cho dự án để làm cơ sở hạ tầng quan trọng. Còn lại phải xã hội hóa mạnh mẽ bằng nhiều hình thức đầu tư đúng pháp luật.
Về kiến nghị mở rộng cơ chế hoạt động của đại học vùng, tăng quyền cho đại học Huế để tăng tính chủ động phân cấp thực hiện tự chủ đại học, Thủ tướng đồng ý cho phép Đại học Huế là đơn vị hạch toán cấp 1, giống như Đại học Đà Nẵng. Thủ tướng đề nghị Đại học Huế phải nghiên cứu trên đề án tổng thể, có tính khoa học và thực tiễn trên cơ sở nhu cầu xã hội. Đề án tái cấu trúc phải phù hợp trên tinh thần đổi mới, nâng tầm, xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu toàn diện giáo dục đào tạo để trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo để phê duyệt.
“Cơ chế này cũng giống Đại học Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội, không có gì khác cả. Còn tên gọi đại học quốc gia là không còn nữa, nhưng thực chất nó là đại học quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)